Thứ 2,, 26-02-2018 , 07:02:00 AM

 về "Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất"

Ngày 16 tháng 10 năm 2015, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “ Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1    Bà Phạm Thị Hiền, sinh năm 1954;
2.   Bà Phạm Thị Hòa, sinh năm 1956;
3.   Bà Phạm Thị Hoa, sinh năm 1962;
Cùng trú tại xã Đông Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Bị đơn:
Ông Phạm Văn Hợi, sinh năm 1944, trú tại 40 phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1.   Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội;
2.   Ông Phạm Văn Thuận, sinh năm 1958;
3.   Bà Phùng Thị Hợp, sinh năm 1970;
4.   Cháu Phạm Thị Thu Hà, sinh năm 1990;
5.   Cháu Phạm Đức Hưởng, sinh năm 1998;
6.   Cháu Phạm Đức Mạnh, sinh năm 1999;
Đều trú tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Bà Hợp là đại diện theo pháp luật của cháu Hà, Hưởng và Mạnh.
7.   Bà Nguyễn Thị Tơ, sinh năm 1947;
8.   Chị Phạm Thị Thu Thùy, sinh năm 1977;
9.   Chị Phạm Thị Thu Thảo, sinh năm 1980;
10. Chị Phạm Thị Thanh Tâm, sinh năm 1982;
Cùng trú tại: xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
11.  Chị Phạm Thị Thu, sinh năm 1975;
12.  Anh Tạ Đình Hùng, sinh năm 1972;
13.  Anh Phạm Văn Long, sinh năm 1985;
Đều trú tại số 22 đường Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

NHẬN THẤY:

Tại “Đơn khởi kiện đòi đất” đề ngày 30/6/2004 và các đơn yêu cầu, lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là bà Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Hoa trình bày:
Cha, mẹ các bà là cụ Phạm Văn Hoạt (chết năm 1978) và cụ Ngô Thị Vận (chết ngày 21/8/1994) có bảy con là ông Phạm Văn Hợi, ông Phạm Văn Đạt (chết năm 1998), ông Phạm Văn Thuận, ông Phạm Văn Quang (chết năm 2000) và các bà là Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Hoa. Sinh thời các cụ có gian nhà, gian bếp trên khoảng 464m2 đất tại thị trấn Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội).
Năm 1991, cụ Vận đứng ra chia mảnh đất trên cho bảy con: Bốn con trai mỗi người 1 phần, còn 1 phần (có chiều ngang 3m giáp đường, diện tích 44,4m2) chia chung cho ba con gái (là các nguyên đơn). Ngay sau khi được chia, ông Đạt đã bán lấy tiền vào tỉnh Sông Bé (cũ) sinh sống; ông Thuận, ông Quang đã nhận đất xây dựng nhà ở. Phần các bà được chia nằm liền với phần đất cụ Vận chia cho ông Hợi (có chiều ngang 4m giáp đường). Riêng ông Hợi lúc đó đã có nhà đất ở nơi khác nên ông cũng chưa sử dụng phần đất được chia. Thời điểm này các bà đang ở Miền Nam nên ông Hợi trông nom cả phần đất các bà được cụ Vận chia và đất của ông được chia, tổng diện tích hai phần là 110m2 (chiều ngang 7m). Nhiều năm sau đó ông Hợi vẫn thừa nhận là đất của các bà được chia ông trông nom.
Năm 2002, khi các bà về sang cát cho mẹ, ông Hợi vẫn đồng ý khi nào các bà đủ điều kiện thì về nhận đất xây nhà ở. Nhưng đến năm 2004, khi ba chị em có nhu cầu xây dựng nhà trên đất này thì ông Hợi lại không thừa nhận là đất của ba chị em và ông đã chia đất cho con của ông là anh Phạm Văn Long và chị Phạm Thị Thu, không trả đất cho các bà.
Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc ông Hợi trả lại phần đất các bà đã được mẹ và anh chị em trong nhà thống nhất chia từ 1991; có lúc yêu cầu Tòa án giải quyết cho 3 chị em được hưởng thừa kế theo pháp luật bằng hiện vật là 44,4m2 đất. Khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý sơ thẩm lại vụ án vào năm 2010, các nguyên đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế di sản của các cụ là 115m2(thực đo 110m2) đang do ông Hợi quản lý.
Bị đơn là ông Phạm Văn Hợi và lời khai người đại diện theo ủy quyền là chị Phạm Thị Thu trình bày:
Ban đầu ông Hợi có lời khai thừa nhận cha mẹ có khối tài sản nhà đất như các nguyên đơn trình bày và năm 1972, ông lập gia đình riêng được cha mẹ cho ở trên 162m2 đất trong thửa đất của các cụ. Sau đó, bị đơn có lời khai khác, cho rằng 162m2 đất này có nguồn gốc ông Hợi và vợ là bà Nguyễn Thị Ngoãn tự khai hoang đổ đất cải tạo hố rác, ruộng rau muống thành nền nhà và sử dụng đến nay, không phải đất của cụ Vận, cụ Hoạt.
Năm 1983, gia đình ông Hợi đã chuyển nhà sang nơi khác ở, nhưng vẫn quản lý toàn bộ nhà đất của các cụ và nhà đất cũ của gia đình ông vì lúc này cụ Vận và các em đi Nam xây dựng kinh tế mới. Năm 1987, ông đã kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 210 diện tích 162m2. Năm 1988, cụ Vận về quê và đứng ra chia đất nhưng chỉ chia cho bốn người con trai mà không chia cho 3 con gái như các nguyên đơn trình bày. Vị trí và diện tích chia cho ông Đạt, ông Thuận và ông Quang và việc nhận đất sử dụng ông cũng thống nhất như nguyên đơn. Khi cụ Vận chia đất, ông đã đồng ý cắt bớt 52m2 trong 162m2 đất của ông cho ông Quang nên ông chỉ còn 110m2. Năm 2004, ông đã viết giấy cho hai con là anh Long 65m2, chị Thu 45m2 và đề nghị tách làm 2 thửa cho con nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận thì bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa tranh chấp. Ông Hợi cho rằng không có việc cụ Vận chia đất năm 1991 cho bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa như nguyên đơn trình bày. Các nguyên đơn khởi kiện là đã hết thời hiệu về thừa kế, 110m2 đất là của ông và không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Chị Phạm Thị Thu, anh Phạm Văn Long có ý kiến trình bày như ông Hợi. Chị Thu xác định năm 2003 đã làm 1 gian nhà trên phần đất nguyên đơn đòi lại.
Ông Phạm Văn Thuận trình bày: Nguồn gốc nhà đất như các nguyên đơn trình bày. Xác nhận năm 1991, cụ Vận tổ chức họp gia đình và thống nhất chia đất (chia miệng) cho các con, trong đó 3 con gái được chia chung một phần và phần này ông Hợi quản lý cùng phần ông Hợi được chia. Ông xác nhận đã nhận phần đất được chia, sau đó cũng đã chuyển nhượng một phần cho người khác. Ông đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông Hợi trả đất cho ba chị em gái.
Bà Nguyễn Thị Tơ cùng các con chung vói ông Phạm Văn Đạt; bà Phùng Thị Hợp cùng các con chung với ông Phạm Văn Quang, xác nhận cụ Vận có chia đất cho các con, nhưng các bà Tơ và bà Hợp là con dâu không được tham gia nên không biết rõ việc chia này. Bà Tơ xác nhận phần đất ông Đạt được chia, sau đó ông đã bán luôn để lấy tiền đi Nam. Bà Hợp xác nhận phần ông Quang được gia đình bà sử dụng làm nhà ở đến nay. Do ông Đạt, ông Quang đã được chia đất nên bà Tơ, bà Hợp và các con không có yêu cầu gì trong vụ án này.
Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý sơ thẩm lại vụ án vào năm 2010, ông Thuận và các thừa kế của ông Đạt, ông Quang đều trình bày không có yêu cầu gì trong 110m2 đất mà nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế, đều thống nhất cho ba nguyên đơn và ông Hợi hưởng phần thừa kế của ông Thuận, ông Đạt, ông Quang trong khối tài sản tranh chấp 110m2 này.
Vụ án đã qua các lần xét xử sơ, phúc thẩm như sau:
-    Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2005/DSST ngày 07/7/2005 của Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ);
-    Bản án dân sự phúc thẩm số 126/2005/DSPT ngày 30/11/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ);
Quyết định Giám đốc thẩm số 106/2007/DS-GĐT ngày 23/4/2007 của Tòa dân sự (cũ) Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận Kháng nghị số 23/2007/KN-DS ngày 02/3/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm, giao Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai giải quyết sơ thẩm lại.
-    Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2009/DSST ngày 07/01/2009 của Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai;
-    Bản án dân sự phúc thẩm số 87/2009/DSPT ngày 02/4/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết sơ thẩm.
-    Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định số 41/2010/QĐST-DS ngày 20/7/2010 đình chỉ việc giải quyết vụ án;
-    Tại Quyết định số 183/2010/QĐ-PT ngày 19/11/2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (cũ) hủy Quyết định sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Tòa án nhân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại;
-    Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2013/DSST ngày 30, 31/5/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:
1.  Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Hoa.
2.  Xác định quyền sử dụng thửa đất 252 tờ bản đồ số 2 có diện tích 110m2 tại thị trấn Quốc Oai- Hà Nội là tài sản của cụ Ngô Thị Vận, cụ Phạm Văn Hoạt có giá trị 1.321.200.000 đồng.
Chia giá trị tài sản chung của cụ Vận và cụ Hoạt mỗi người 1/2 giá trị tài sản là 660.600.000 đồng.
Phần tài sản của cụ Hoạt là quyền sử dụng 55m2 đất có giá trị 660.600.000 đồng đã hết thời hiệu chia thừa kế.
Phần tài sản của cụ Vận là quyền sử dụng 55m2 đất có giá trị 660.600.000 đồng.
Chia cho ông Hợi, bà Hiền, bà Hoa, bà Hòa mỗi kỷ phần được hưởng là 120.120.000 đồng.
Chia cho ông Hợi được sở hữu phần tài sản có giá trị 240.240.000 đồng;
Chia cho bà Hiền, bà Hoa, bà Hòa mỗi người được hưởng phần tài sản có giá trị 120.120.000 đồng, tổng 360.360.000 đồng.
Chia cho bà Hiền, bà Hòa, bà Hoa được sử dụng nhà cấp 4 nằm trên thửa đất số 252 tờ bản đồ số 2 thị trấn Quốc Oai, Hà Nội có diện tích 44,4m2 có giá trị 532.800.000 đồng, có sơ đồ kèm theo.
Chia cho ông Phạm Văn Hợi được quyền sử dụng 10,7m2 đất, ông Hợi, chị Thu, anh Hùng tiếp tục quản lý diện tích 55m2 đất thuộc quyền sử dụng của cụ Hoạt do bị hết thời hiệu trên thửa đất số 252 tờ bản đồ số 02 thị trấn Quốc Oai (có sơ đồ kèm theo) đến khi nào có Quyết định khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông Hợi, chị Thu, anh Hùng được sở hữu giá trị xây dựng ngôi nhà 2 tầng, 1tum có giá trị 300.000.000 đồng nằm trên 65,7m2 đất tại thửa đất 252 tờ bản đồ số 02 thị trấn Quốc Oai,Hà Nội (có sơ đồ kèm theo). Ông Hợi được nhận 172.440.000 đồng, chị Thu, anh Hùng được nhận 20.000.000 đồng tiền sửa chữa cải tạo cho chị do bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa thanh toán.
Bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa có trách nhiệm thanh toán cho ông Hợi số tiền 172.440.000 đồng và 20.000.000 đồng tiền sửa chữa cải tạo cho chị Thu và anh Hùng.
Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai cấp ngày 10/9/1987 đối với thửa đất số 210 tờ bản đồ số 2 có diện tích 162m2 đứng tên ông Phạm Văn Hợi.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Phạm Văn Thuận, bà Nguyễn Thị Tơ và các con: Phạm Thị Thu Thùy, Phạm Thị Thu Thảo, Phạm Thị Thanh Tâm; bà Phùng Thị Hợp, các con là Phạm Thị Hằng, Phạm Đức Hưỏng, Phạm Đức Mạnh đều từ chối không nhận di sản, không yêu cầu về quyền lợi đối với diện tích 110m2 đất tại thửa đất số 252 tờ bản đồ số 2 thị trấn Quốc Oai- Hà Nội của cụ Vận và cụ Hoạt.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Phạm Văn Hợi, bà Phạm Thị Hiền, bà Phạm Thị Hoa, bà Phạm Thị Hòa, ông Phạm Văn Thuận, bà Nguyên Thị Tơ và các con là Pham Thị Thu Thùy, Phạm Thị Thu Thảo, Phạm Thị Thanh Tâm, bà Phùng Thị Hợp, các con là Phạm Thị Hằng, Phạm Đức Hưởng, Phạm Đức Mạnh:
+ Không yêu cầu Tòa án giải quyết tài sản trên đất của cụ Vận và cụ Hoạt là 4 gian nhà tranh vách đất;
+ Không yêu cầu Tòa án giải quyết về chi phí mai táng phí;
+ Không yêu cầu về quyền lợi đối với thửa đất số 253 mang tên Phạm Văn Quang, thửa đất số261 mang tên Phạm Văn Thuận (diện tích 189m2, bao gồm cả thửa 261b), thửa 260 diện tích 94m2 mang tên Nguyễn Thị Phượng.
+ Không yêu cầu Tòa án giải quyết việc ông Thuận, ông Đạt đã chuyển nhượng đất cho người khác;
+ Không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với khoản tiền 8.733.000 đồng.
Bản án còn có quyết định về án phí, quyền kháng cáo, lãi suất chậm thi hành án.
Ngày 14/6/2013, chị Thu, anh Hùng và anh Long kháng cáo.
-     Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 53/2014/DSPT ngày 04/4/2014, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 19/8/2014, ông Phạm Văn Hợi có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
-     Tại Kháng nghị số 152/2015/KN-DS ngày 28/5/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm 53/2014/DSPT ngày 04/4/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 53/2014/DSPT ngày 04/4/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2013/DSST ngày 30, 31/5/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Cụ Phạm Văn Hoạt (chết năm 1978) và vợ là cụ Ngô Thị Vận có 7 con chung là ông Phạm Văn Hợi, ông Phạm Văn Đạt (chết năm 1998), ông Phạm Văn Thuận, ông Phạm Văn Quang (chết năm 2000), bà Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Hoa. Sinh thời các cụ có tạo lập được gian nhà tranh vách đất trên khoảng 464m2 đất tại phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ, nay là thành phố Hà Nội). Đất có nguồn gốc các cụ được chia trong cải cách ruộng đất.
Sau khi cụ Hoạt chết, vợ chồng ông Hợi, bà Ngoãn ở và trông nom nhà đất, còn cụ Vận và những người con khác đi xây dựng kinh tế mới ở Miền Nam. Năm 1983, vợ chồng ông Hợi chuyển đến nhà đất nơi khác ở nhưng vẫn trông nom quản lý nhà, đất. Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai xác nhận sổ sách địa chính lưu giữ tại Ủy ban nhân dân cho thấy mảnh đất của các cụ được chia làm 2 thửa, một thửa mang số 210 diện tích 162m2 do ông Hợi đứng tên và thửa 213 diện tích 300m2 do ông Thuận đứng tên. Sau đó, cụ Vận quay về nhà đất này và ở tại đây cho đến khi qua đời vào năm 1994. Sau khi về, cụ đã họp các con và đứng ra phân chia toàn bộ thửa đất thành bốn phần riêng biệt cho các con, không ai có ý kiến gì và đều thống nhất thực hiện việc phân chia này. Như vậy, việc ông Thuận, ông Hợi đồng ý cùng với cụ Vận chia 464m2 đất đã thể hiện việc ông Thuận, ông Hợi chỉ là người đứng tên trong giấy tờ sổ sách giấy tờ về địa chính, nhà đất vẫn là của cụ Vận, cụ Hoạt chưa chia. Ông Hợi cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh 162m2 là tài sản riêng của ông.
Phần chia cho ông Đạt (94m2), ông Quang (78m2), ông Thuận (189m2), các ông đều đã nhận đất sử dụng sau đó đã được đăng ký đứng tên chủ sử dụng đất, hoặc chuyển nhượng cho người khác thì cũng đã đăng ký điều chỉnh trong các giấy tờ về đất, cho đến nay không ai có tranh chấp gì. Đối với phần đất 110m2 còn lại (là phần có 7m ngang mặt đường) do ông Hợi quản lý, đến năm 2004 do ông chia đất cho các con của mình nên bà Hiền, bà Hòa, bà Hoa mới có tranh chấp đòi lại 44,4m2. Thực tế thời điểm cụ Vận chia đất, các con đều đã trưởng thành, một số có gia đình riêng có nhu cầu về đất ở, riêng ông Hợi đã có nhà đất; bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa đang ở Bình Phước nên bốn người này chưa có nhu cầu xây dựng nhà ở. Ông Thuận thừa nhận việc cụ Vận chia đất, tất cả các con đều đồng ý và ông Thuận xác định phần đất 110m2 do ông Hợi quản lý là cụ Vận chia cho ông Hợi và bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa. Ông Thuận đề nghị Tòa án giải quyết để bà Hiền, bà Hòa, bà Hoa được nhận lại tài sản của mình. Vợ của ông Đạt, ông Quang là bà Tơ, bà Hợp và các con của ông Đạt, ông Quang, tuy không biết cụ thể việc phân chia nhưng đều thống nhất là cụ Vận đã chia đất xong cho các con rồi nên các bà không có yêu cầu gì và phân 110m2 để cho ông Hợi, bà Hiền, bà Hoa hưởng phần đất này. Do đó, có đủ cơ sở xác định cụ Vận có chia đất cho bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa và phần đất này ông Hợi quản lý.
Với các chứng cứ trên, đủ cơ sở xác định nhà đất của cụ Vận, cụ Hoạt đã được cụ Vận và các thừa kế của cụ Hoạt thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1991 và đủ cơ sở xác định phần đất 110m2 trong đó phần bà Hiền, bà Hòa và bà Hoa là 44,4m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không ai tranh chấp nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ Vận, cụ Hoạt nữa mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân. Vì vậy, bà Hiền, bà Hòa, bà Hoa chỉ có quyền khởi kiện đòi lại 44,4m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp do được chia từ năm 1991; tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia di sản của cụ Hoạt, cụ Vận nữa.
Đơn khởi kiện ban đầu và các lời khai trước khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án vào năm 2010, các nguyên đơn chỉ đòi lại 44,4m2 đất này. Nhưng sau khi thụ lý sơ thẩm lại vụ án, các nguyên đơn lại thay đổi lời khai, yêu cầu chia di sản thừa kế phần 110m2 đất là tài sản của cha, mẹ để lại đang do ông Hợi quản lý, là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ lời khai đương sự về việc thay đổi yêu cầu khởi kiện này, quyết định chấp nhận yêu cầu chia thừa kế 110m2 đất; Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, đều không có cơ sở.
Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011);

QUYẾT ĐỊNH:

1.  Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 53/2014/DSPT ngày 04/4/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2013/DS-ST ngày 31/5/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Hiền, bà Phạm Thị Hoa, bà Phạm Thị Hòa với bị đơn là ông Phạm Văn Hợi.
2.  Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

______________________

Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________

"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 024.66814111"

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê