Thứ 6, 30-06-2017 , 02:45:00 PM

Tòa cho Phương Nga và Thùy Dung tại ngoại, đồng thời trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung năm vấn đề nhằm làm rõ sự thật vụ án.

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 29-6, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ hoa hậu Phương Nga cùng Nguyễn Đức Thùy Dung (bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). HĐXX nhận thấy cần xem xét thêm những chứng cứ không thể bổ sung tại tòa.

Trước đó tòa đã công bố quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phương Nga và Thùy Dung. Hai bị cáo được tại ngoại trong không khí vỡ òa của phiên xử.

Các vấn đề tòa yêu cầu làm rõ

HĐXX nhận định: Qua xét hỏi, tòa nhận thấy nhiều vấn đề cần phải được làm rõ để xác định sự thật khách quan của vụ án. Từ đó tòa tuyên trả hồ sơ cho VKSND TP.HCM để điều tra bổ sung các vấn đề sau:

Một là, tại tòa bị cáo Nga và Dung khai rằng số tiền 16,5 tỉ đồng do quan hệ tình cảm mà ông Mỹ chuyển cho Nga. Còn ông Mỹ khai rằng đây là số tiền nhờ mua nhà. Ông Mỹ trình bày với HĐXX khi mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi ông đã đến xem ba ngày trước khi ký nhưng không liên hệ với ai, đi vào thang máy lên tầng nhưng không nhớ tầng thứ mấy, thang máy nằm phía sau của khách sạn… Do vậy cần phải kiểm tra thực tế đối chiếu những lời khai này.

Bị cáo Dung tại tòa thay đổi lời khai và lời khai các bên còn nhiều mâu thuẫn nên cần điều tra làm rõ. Kiểm tra truy xuất trên máy tính của Nga để làm rõ thời gian tạo lập các giấy tờ liên quan đến thỏa thuận mua nhà trên. Và làm rõ Dung đã tham gia như thế nào trong việc tạo lập các giấy tờ nhà để xác định vai trò đồng phạm.

Trường hợp kết quả điều tra chứng minh được số tiền trên không phải mua bán nhà thì cần phải làm rõ ai tạo lập các chứng cứ đó, nhằm mục đích gì để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai là, điều tra làm rõ lời khai Phương Nga đã tố cáo bị Mỹ đe dọa, nếu có xử lý theo quy định pháp luật.

Ba là, làm rõ những lần xuất cảnh của ông Mỹ và Nga khi ông Mỹ cho rằng chỉ là tình cờ hay Nga và ông Mỹ trọ cùng một số khách sạn, như luật sư cung cấp, để xem xét việc vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng. Đồng thời làm rõ các nội dung, địa chỉ email liên quan đến các hợp đồng tình cảm được khai. Truy xuất vào email của Nga để xem thời điểm tạo lập các thỏa thuận liên quan đến tình cảm.

Bốn là, tại tòa người làm chứng và bị cáo có khai về cán bộ trại giam mà nhân chứng Nghĩa cũng đã cung cấp số điện thoại, tên của cán bộ có dấu hiệu chuyển thư ra ngoài. Và lời khai của Thùy Dung về những lần nhận thư có sự chứng kiến của hai người bạn cùng phòng. Đề nghị cho giám định các lá thư xem có phải của Dung viết hay không.

Những thách thức khi điều tra bổ sung vụ Phương Nga  - ảnh 1
Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tươi cười nghe chủ tọa công bố quyết định tại ngoại.  Ảnh:  HOÀNG GIANG

Nhân chứng Nguyễn Mai Phương phủ nhận lời khai của Nga và Dung, lời khai còn nhiều mâu thuẫn cần phải điều tra làm rõ…

Cuối cùng, cần làm rõ tính khách quan của hai bản khai của bị cáo Nga và ông Mỹ, dù thời điểm khác nhau nhưng về nội dung giống nhau từ dấu chấm, dấu phẩy. HĐXX thấy cần điều tra làm rõ có hay không hành vi vi phạm hoạt động tư pháp…

Đã mất cái gọi là hợp đồng tình cảm?

Trước đó, trả lời HĐXX vào buổi sáng, Nga và Thùy Dung một lần nữa khẳng định “bản chất 16,5 tỉ đồng là anh Cao Toàn Mỹ cho Nga vì tình cảm”. Tòa hỏi số tiền 16,5 tỉ đồng bị cáo chuyển cho ai hay đang cất giữ, Phương Nga đáp: “Bị cáo xin phép không trình bày”.

Về thỏa thuận mua bán nhà giá rẻ, Nga khai một phần do Nga làm theo sự hướng dẫn của Mai Phương (nhân chứng “bí ẩn”), một phần do Mai Phương tạo ra. Tất cả tài liệu liên quan đều được tạo lập sau khi Nga bị Mỹ tố cáo về hành vi lừa đảo.

Về các hợp đồng tình cảm phát tán trên mạng, Nga khai: “Tất cả tài liệu về thỏa thuận hợp đồng tình cảm là có nhưng bị cáo nghe lời chị Phương đã xóa hết. Bị cáo còn cho chị Phương mật khẩu email của mình để chị Phương vào xóa”.

Đối chất lời khai, Mỹ nói Dung, Nga khai tại tòa sai sự thật. Tiền chuyển là để mua bán nhà. Ông Mỹ khai các giấy thỏa thuận mua bán nhà là Nga ký sẵn đưa. Tòa đặt vấn đề: “Trước khi ký các thỏa thuận mua bán nhà, ông gặp và thỏa thuận đàm phán gì không?”. Ông Mỹ khai nhận các thỏa thuận này thực hiện tại quán cà phê với Nga, không có người chứng kiến nhưng không nhớ rõ cụ thể thời điểm…

Sau khi xác nhận bà Hồ Mai Phương (mẹ bị cáo Nga) là nhân chứng vụ án, tòa hỏi: “Có khi nào trong quá trình giải quyết vụ án, bà có mối quan hệ với CQĐT và VKS không?”. Mẹ Nga đáp: “Tôi không biết, toàn bộ do Nguyễn Mai Phương cung cấp và giục tôi đi. Vì bị giục nhiều lần nên có một lần tôi lên gặp kiểm sát viên THN. Khi gặp tôi thấy kiểm sát viên N. đã lớn tuổi, nói chuyện đáng kính trọng nên tôi nói với ông: “Nếu các cháu sai 10 thì trừng trị các cháu 7-8 thôi để các cháu còn nhìn về tương lai”.

Phiên xử đúng tinh thần cải cách tư pháp!

Đó là đánh giá của ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM (ảnh).

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về phiên tòa xử vụ Phương Nga?

Những thách thức khi điều tra bổ sung vụ Phương Nga  - ảnh 2

+ Ông Vũ Phi Long: Theo tôi, phiên tòa thể hiện tinh thần cốt lõi của cải cách tư pháp. Diễn biến phiên tòa cho thấy tính dân chủ, công khai qua việc bị cáo, người liên quan, người làm chứng, luật sư được thể hiện tất cả vấn đề, chứng cứ liên quan vụ án một cách khách quan toàn diện, không gò ép, không hạn chế mà mở rộng, tạo điều kiện cho họ được phát biểu, trình bày, được quyền cung cấp và giao nộp chứng cứ cho tòa.

. Việc điều hành của chủ tọa phiên tòa liệu đã thể hiện tinh thần này?

+ Chủ tọa thể hiện bản lĩnh trong điều khiển phiên tòa, đi đúng trọng tâm, tạo điều kiện và mở rộng không gian tranh tụng để các bên cọ xát các chứng cứ, lý luận thực tiễn và sau đó là giải quyết triệt để các tài liệu và chứng cứ phát sinh bằng quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

. Luật sư đã đưa ra nhiều tài liệu nhằm giúp tòa đánh giá đúng bản chất vụ án, ông nhận thấy vai trò luật sư trong vụ này thế nào?

+ Luật sư của các bên đã làm hết sức mình nhằm làm sáng tỏ nhiều tình tiết không thể hiện trong hồ sơ. Các diễn biến tại phiên tòa vừa thể hiện phiên xử đảm bảo tranh tụng, chứ không phải án tại hồ sơ (tức không phải hồ sơ có sao xử vậy).

. Qua phiên tòa, ông thấy điểm gì là nổi bật mà cơ quan tố tụng đã làm tốt?

+ Đây là vụ án mà tại tòa phát sinh nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng mà CQĐT, VKS chưa làm rõ mà HĐXX đã điều tra, thu thập từ chính các bị cáo, người làm chứng và luật sư hai bên. Từ đó chứng minh được cho toàn xã hội và hệ thống tư pháp rằng tình trạng án tại hồ sơ đã chấm dứt từ khi không gian tranh tụng được bảo đảm.

. Ông nhận xét gì về vai trò, trách nhiệm của VKS?

+ Tôi rất tiếc phải nói rằng kiểm sát viên trong vụ án này còn mờ nhạt và thụ động, chưa phát huy được chức năng giữ quyền công tố. Mọi vấn đề đều do các bên chủ động, tạo ra diễn biến, kịch tính, bất ngờ chứ không do kiểm sát viên đưa ra.

Xin cám ơn ông.

PHƯƠNG LOAN thực hiện

Tác giả HOÀNG YẾN - Theo PLO

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê