Chuyện tình của ông lão đánh cá bên bờ Hiền Lương
Thứ sáu, 01-02-2013 , 09:18:00 AM
Ông vốn là một "lãng tử"chốn Hà thành đã từng dọc ngang mọi miền đất nước. Bà là cô gái miền sơn cước thuần túy như bông hoa rừng hoang sơ mà tinh khiết. Họ gặp nhau thật tình cờ và rồi nên duyên nợ. Một mái ấm nhỏ bên bờ Hiền Lương gần mười năm qua khiến người dân bản địa cũng phải ngưỡng mộ.
Ở xóm Doi (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) ai cũng biết đến một gia đình “lập dị” sống dưới bè ngoài bờ sông dù vận động thế nào cũng không chịu lên bờ. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Thái (SN 1946) và bà Nguyễn Thị Út (SN 1959) cùng hai đứa con. Được biết, năm nay một đứa đang là học sinh lớp 10 còn một đứa chưa đầy 4 tuổi.
"Tay chơi" nức tiếng đất Hà thành
Nếu nói theo cách của người xưa thì họ là dân ngụ cư đích thực. Bởi vợ chồng ông Thái không phải là người dân bản địa mà lại dựng nhà bè ở bờ sông, tách xa khỏi không gian chòm xóm. Tuy nhiên, họ không hề bị coi thường, khinh miệt mà ngược lại, người trong xóm ngoài xóm đặc biệt có tình cảm yêu mến. Hễ ai rảnh rỗi là lại thích tìm ra bè bác Thái kiếm vài con cá để nhậu nhẹt. Người dân nơi đây gắn bó với nghề chài lưới trên sông cũng khá nhiều. Vì đoạn sông Đà chảy qua địa phận xã tạo thành một hồ chứa nước rộng, lặng sóng nên cá là nguồn khai thác vô tận.
Tuy nhiên, không ai trong số họ chọn cảnh sống trên bè, thuyền dưới sông như gia đình ông Thái. Chúng tôi được ông Chủ tịch xã Xa Văn Chính (SN 1964) cho biết: “Gia đình ông Thái đã nhập khẩu ở xóm từ lâu và cũng chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước. Chỉ có điều hai bác thích ở ngoài sông nên nhiều lần vận động nhưng vẫn cứ xin được ở lại dưới bè”.
Tò mò về đôi vợ chồng “lập dị” trên, chúng tôi quyết định tìm đến với tổ ấm hạnh phúc này. Con thuyền của gia đình ông Thái nằm bên bờ con sông Đà xanh trong và thơ mộng đoạn chảy qua địa phận xã Hiền Lương. Tổ ấm của ông thái là một chiếc bè rộng chừng hơn chục mét vuông nhưng được gia cố cẩn thận. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là ngôi nhà hạnh phúc. Bởi ở đó hầu như người ta không nghe thấy vợ chồng họ cãi nhau to tiếng bao giờ. Người vợ rất hiền lành, ít nói, còn người chồng lại lém lỉnh, hài hước.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Thái kể lại chuyện ngày xưa với những ngông cuồng không hiếm gặp của một công tử gốc Hà Nội và tự hào bởi mình là một “thằng đàn ông” đã biết làm kinh tế từ nhỏ. Đó là cái thời mà giặc Pháp còn chiếm đóng. Nhà ông ở khu chợ Mơ, trên đường Bạch Mai (Hà Nội) bây giờ. Bố ông là bảo vệ “Xăm Cô Đầu” (các canh hát chầu văn, mỗi nam thanh nữ tú đến đây nếu cảm thấy ăn ý và hợp nhau có thể nháy nhau và đưa cho chủ Xăm năm hào hoặc một đồng để đi chơi với nhau). Mẹ ông bán hoa quả ở ngay chợ.
Mỗi ngày ông mang hàng sang qua đường tàu cho mẹ và được mẹ cho 5 hào. Nhưng ông không bao giờ tiêu hết năm hào ấy mà luôn để dành thành một khoản tiền riêng. Thỉnh thoảng bố mẹ cho tiền mua đôi giày hay bộ quần áo, ông lại bỏ tiền túi của mình ra thêm vào mua đồ thật xịn. Quan niệm của ông lúc đó là dùng đồ xịn để làm đẹp mặt bố mẹ mình vì có khi khách đến chơi hỏi thì lại khen ông là được bố mẹ chăm chút, cho ăn mặc tươm tất. Với ông lúc đó như thế là một hạnh phúc vô bờ bến.
Tuổi thanh niên, ông cũng dám theo các anh chị tay chơi đi cờ bạc đỏ đen thâu đêm không về nhà. Tuy không phải gia đình quá giàu có nhưng bố mẹ ông luôn chu cấp cho ông hơn bạn bè cùng trang lứa. Có lần đi đánh bạc tận bên Bắc Ninh bị công an phát hiện đuổi bắt. Ông và đồng bọn phải bỏ cả dép mà chạy chân trần trên những cánh đồng bùn lầy ngập đến cả bắp chân. Nghĩ lại chuyện đó, ông không quên buông một câu như là một triết lý tự răn mình: “Đời có những lúc chơi mà khổ”.
Sau này ông Thái thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông dần từ bỏ những thú chơi ngông cuồng của tuổi trẻ. Khi tình yêu đến, niềm hạnh phúc của sự yêu và được yêu khiến ông thay đổi hoàn toàn. Vợ ông là một cô gái Hà Nội gốc thùy mị nết na, trưởng phòng Hóa nghiệp Xí nghiệp Khai thác nước ngầm Hà Nội (Bộ NN& PTNT). Lúc ấy, ông Thái là một kỹ sư công tác tại Công ty Xây dựng Phan Văn Ổn lúc bấy giờ.
Gia đình ông hạnh phúc với hai cậu con trai đẹp như tranh vẽ. Tuy nhiên, lúc đang hạnh phúc thì tai họa ập xuống. Sức ép của những cơn mưa bom đế quốc rải xuống bầu trời Hà Nội năm 1972 đã cướp đi người vợ thảo hiền của ông. Không lâu sau đó, ông xin nghỉ việc. Gà trống nuôi con nhiều năm tưởng cuộc đời là sự khổ hạnh, báo oán cho những năm tháng tuổi trẻ chơi bời không biết giữ mình. Nhưng cũng từ đây, ông tìm lại được hạnh phúc một lần nữa và sống cuộc đời lãng tử như ông hằng mơ với một cô sơn nữ huyện Mai Châu.
Lênh đênh là hạnh phúc
Cô Út kém ông Thái hơn một giáp. Họ gặp nhau tình cờ ở thị xã Hòa Bình (nay là TP.Hòa Bình – PV) khi ông đi công tác và có dịp giao lưu với các sinh viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp của tỉnh. Cô Út thương cảm với cảnh gà trống nuôi con của ông Thái và quyết định vượt qua mọi rào cản cùng những lời thị phi để đến với người mình yêu. Ngày ấy ở quê cô Út, lấy chồng hơn tuổi đã là điều đáng phê phán, huống hồ người đàn ông ấy lại một nách hai đứa con.
Ngày ấy, trước những sóng gió của cuộc đời, sự phản đối của gia đình, sự dè bỉu của hàng xóm láng giềng nhưng cô gái vẫn quyết tâm về làm mẹ của hai đứa con mồ côi. Nói chuyện với chúng tôi, ông Thái chia sẻ: “Tôi cảm phục bà ấy đã yêu tôi bằng tất cả tấm lòng chân thành. Bà ấy không thật sự xinh đẹp nhưng với riêng tôi bà ấy mãi là bông hoa rừng hoang sơ mà tinh khiết. Chính bông hoa ấy đã níu giữ bước chân tôi với bờ Hiền Lương này”.
Bỏ lại Hà Nội phồn hoa với hai cậu con trai thành đạt, bỏ lại những tháng ngày bon chen phố thị, ông cùng vợ lênh đênh sông nước đã gần 10 năm nay. Trong tâm trí ông không còn khái niệm lên bờ nữa. Ông Thái chia sẻ: “Cuộc sống không gì hạnh phúc bằng tự do tự tại. Và tôi tìm được điều đó khi ở đây, với vợ con và sông Đà. Nhiều người bảo tôi khổ nhưng nếu khổ thì tôi đã về Hà Nội lâu rồi. Một người nổi tiếng công tử như tôi không bao giờ chịu được khổ”.
Nếu không nghe câu chuyện của ông và không được người dân nơi đây chia sẻ, có lẽ tôi sẽ nghĩ gia đình ông là một gia đình vạn chài khó khăn, tội nghiệp, đến một chốn an cư cũng không có. Thế nhưng, ẩn sau cái vẻ ngoài gàn dở kia là một người đàn ông đa tình, phong lưu và thấm đẫm chất thơ của cuộc đời. Ông Thái cho biết, dọc bờ sông này có rất nhiều cây xấu hổ. Mùa hoa nở hương tỏa thơm thoang thoảng mà lại nồng nồng khiến nhiều lần tôi lầm tưởng nó là mùi hoa sữa ở Hà Nội. Tôi cứ thích chèo thuyền đi dọc bờ sông để thưởng thức cái mùi thơm đặc biệt ấy và để gió sông Đà phả vào mặt. Cuộc sống này vô cùng lắm. Nếu biết hài lòng thì đó là hạnh phúc.
Được biết, đứa con gái út của ông tháng 9 này mới tròn 4 tuổi. Nó kém anh trai cả tới 36 năm. Thế nhưng với ông Thái, cô bé là một niềm hạnh phúc bất ngờ mà ông gọi là của trời cho.
Mối tình già lên đênh cùng sống nước
Bây giờ mỗi ngày, ông Thái ở nhà nghỉ ngơi chăm con. Tối đến, hai vợ chồng ông thả lưới men dọc theo sông Đà đến mấy cây số. Khi ông bà buông lưới thong dong là lúc mặt trời ngả bóng, lúc ông bà trở về với thuyền cá đầy khoang là khi trăng vừa kịp lặn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cuộc sống cứ đều đều như thế. Chỉ khi mưa to gió lớn bão bùng ông mới chịu để “cầm tù” cái thân ở nhà. Trung bình mỗi đêm cả cá cả tôm ông bán được chừng một vài trăm nghìn. Những tháng giáp Tết, mỗi ngày ông bà kiếm được 6 – 700 nghìn đồng. Cuộc sống thế coi như cũng có phần dư dật. Cái cảnh vợ buông tay chèo, chồng thả lưới khiến chúng tôi thầm cảm phục. Một người đàn ông đã bỏ hết mọi vinh hoa phú quý, về ẩn dật ở miền non nước yên bình thanh sạch này. Thật không phải ai cũng có thể làm được. Ông Thái bảo: “Bây giờ có bảo lên bờ, về xuôi tôi cũng không nghĩ đến. Tôi yêu hoa của rừng, hương của đất, gió của sông Đà và với tôi được lênh đênh mỗi tối với gió trăng là hạnh phúc”.
Luật Á Đông lấy nguồn từ nguoiduatin.vn
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê