Thứ tư, 06-01-2016 , 02:26:00 AM

Thủ tục rắc rối, đầu mối bồi thường phân tán, việc xin lỗi oan còn nhiều hạn chế... là những bất cập lớn sau sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ngày 7-1, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị tổng kết sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm chỉ ra những bất cập, hạn chế, đồng thời lắng nghe các ý kiến góp ý hoàn thiện đạo luật quan trọng này. Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM xin tổng hợp lại một số bất cập nổi bật trong thực tiễn thi hành luật mà báo từng phản ánh.

Thủ tục rắc rối

Trước hết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có “văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật”. Nhiều chuyên gia nhận định trở ngại lớn nhất của cá nhân, tổ chức khi yêu cầu bồi thường chính là phải trải qua quá trình khiếu nại để có được văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tự từng tính toán: Một người khiếu nại mất ít nhất chín tháng (chưa kể thời gian chuyển hồ sơ từ cơ quan hành chính cấp dưới lên cấp trên và từ cơ quan hành chính sang tòa án) mới cầm được văn bản nói trên. Một lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) thẳng thắn thừa nhận để có được văn bản này, trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại phải bỏ ra nhiều chi phí (chi phí khiếu nại, tố cáo, chi phí khởi kiện án hành chính) nhưng lại chưa được xác định là một loại thiệt hại được bồi thường.

Sau khi có văn bản kết luận, người bị thiệt hại mới chính thức bắt đầu thủ tục yêu cầu bồi thường, vốn cũng rắc rối, phức tạp không kém. Họ phải làm hồ sơ gồm đơn yêu cầu bồi thường, văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường. Một số chuyên gia lo ngại các cơ quan tố tụng có thể lạm dụng quy định để bắt người bị thiệt hại cung cấp tài liệu, chứng cứ mà họ không có khả năng thực hiện. Chẳng hạn luật sư của ông Nguyễn Thanh Chấn (người bị tù oan nổi tiếng ở Bắc Giang) cho hay tòa án từng yêu cầu ông Chấn phải nộp hơn 100 loại giấy tờ khi giải quyết yêu cầu bồi thường.

Buổi xin lỗi ông Trương Bá Nhàn (ngồi hàng đầu, thứ ba từ trái qua) chỉ diễn ra khoảng năm phút. Ảnh: N.NGA

 

 

Đầu mối giải quyết bồi thường phân tán

Cạnh đó, một bất cập lớn khác là luật quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại. Như vậy, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có thể phát sinh ở cả bốn cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Các chuyên gia chỉ ra rằng chính mô hình cơ quan giải quyết bồi thường phân tán là nguyên nhân dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy hoặc tranh chấp trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước với nhau, khiến các vụ việc bồi thường bị kéo dài. Đồng thời, quy định trên cũng dẫn đến tình trạng các cơ quan phải bồi thường không khách quan, bao che cho công chức làm sai của mình. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhận xét: Với quy định trên, “chúng ta đang tự làm khó mình” bởi “đây là món không ai muốn nhận về mình cả”.

Vụ việc của ông Phan Văn Lá (người mang thân phận bị can suốt 21 năm mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh) là minh chứng rõ nhất cho bất cập này. Sự việc xảy ra từ năm 1991 nhưng mãi tới cuối tháng 9-2015, ông Lá mới được Công an huyện Châu Thành (Long An) xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng. Trong suốt quãng thời gian này là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng của huyện Châu Thành. Đến thời điểm cuối tháng 9-2013, TAND tỉnh Long An tổ chức họp liên ngành, kết quả vẫn không xác định được cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường, chỉ đi đến thống nhất “mỗi ngành có văn bản xin ý kiến của các ngành trung ương”. Lên tới trung ương, VKSND Tối cao và Bộ Công an cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc TAND huyện Châu Thành, trong khi TAND Tối cao lại nói thuộc công an huyện…

Từ thực tế này, Bộ Tư pháp đã nhiều lần đề xuất là khi sửa luật thì cần quy định thống nhất một đầu mối giải quyết bồi thường. Cụ thể, sẽ có một cơ quan chuyên trách của Nhà nước đứng ra giải quyết bồi thường cho người dân, còn việc xác định trách nhiệm là việc nội bộ của các cơ quan nhà nước với nhau.

Thủ tục xin lỗi oan: Làm cho có!

Ngoài ra, luật quy định việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị-xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên. Ngoài ra còn có hình thức đăng xin lỗi trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Trên thực tế, không ít trường hợp thủ tục xin lỗi này lại gây thêm bức xúc không chỉ đối với bản thân những người bị làm oan. Chẳng hạn, tháng 10-2015, ba người trong gia đình ông Phạm Văn Lé (bị khởi tố, bắt giam oan sau cái chết bất thường của một người cùng phường năm 2012) được đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng mời vào phòng kín để... xin lỗi qua loa cho xong. Quá bức xúc và bất bình, ông Lé đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Một vụ khác cũng cần phải nhắc tới là vụ VKSND TP.HCM xin lỗi ông Trương Bá Nhàn. Ông Nhàn bị tạm giam hơn bốn năm, thêm chín năm khiếu nại, cuối cùng chỉ nhận 295 triệu đồng tiền bồi thường oan và... năm phút xin lỗi qua loa, khiến luật sư của ông Nhàn bức xúc bật khóc ngay tại buổi xin lỗi.

Trước sự việc trên, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế đã có bài viết chia sẻ trên Pháp Luật TP.HCM: “Không ít nơi tổ chức buổi xin lỗi gần như rất chiếu lệ. Đã từng có nhiều vụ, khi người được xin lỗi chưa kịp mở miệng nói câu nào thì người xin lỗi đã bỏ về, bất kể người ta có thông cảm, tha thứ hay không”. Ông Quế đề nghị: “Nên chăng Nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trung ương, cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục và hình thức xin lỗi công khai người bị oan. Chẳng hạn, nếu xin lỗi ở trụ sở UBND hay ở một hội trường nào đó thì trang trí thế nào, vị trí ngồi ra sao, người bị oan (được xin lỗi) phải được bố trí ngồi ở vị trí trung tâm, thể hiện sự trọng thị thế nào. Thứ tự phát biểu của đại diện cơ quan tố tụng làm oan; phát biểu của người bị oan… cũng phải được quy định rõ ràng”.

 

Sáu năm, đã bồi thường 111 tỉ đồng

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, qua sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, các cơ quan này đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỉ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường hơn 111 tỉ đồng, còn lại 54 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, TAND các cấp cũng đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước, đã giải quyết xong 39 vụ với số tiền hơn 32 tỉ đồng, còn 12 vụ việc đang giải quyết.

 

ĐỨC MINH

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê