Chủ nhật, 16-09-2012 , 04:18:00 PM



Tiếp theo vụ khởi tố và bắt tạm giam Bầu Kiên (tức Nguyễn Đức Kiên), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An tiếp tục khởi tố bắt giam một yếu nhân khác của ngành ngân hàng, nguyên Tổng Giám đốc của Ngân hàng Thương mại ACB. Tội danh mà ông Lý Xuân Hải bị khởi tố là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như vậy, mặc dù có những điểm tương đồng với nhau trong vị trí xã hội cũng như trong hoạt động kinh doanh, nhưng tội danh mà hai đại gia của ngành ngân hàng bị khởi tố lại hoàn toàn khác nhau.
Sau đây các Luật sư của công ty Luật Á Đông phân tích và bình luận về tội danh, cũng như sự khác nhau trong cấu thành của hai tội danh này và hình phạt mà hai đại gia ngành ngân hàng có thể phải đối mặt.
Ông Nguyễn Kiên (tức bầu Kiên) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố với tội doanh “ kinh doanh trái phép” được quy định tại điều 159 Bộ Luật hình sự của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Như đã bình luận ở bài trước đây, tội danh này có cấu thành tội phạm khá trúc trắc. Sự trúc trắc này cho thấy về tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà những người vi phạm không nguy hiểm cho xã hội nếu hành vi đó không được gia cố thêm bằng các yếu tố định lượng và định tính khác. Điều luật quy định “ Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
           a)      Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155,   156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”.
Như vậy, bản thân hành vi “kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép” chưa nguy hiểm đến mức cấu thành nên tội Kinh doanh trái phép. Hành vi đó chỉ thực sự nguy hiểm và phải truy cứu trách nhiệm hình sự (khởi tố hình sự) khi xảy ra trong hai tình huống: “ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155,   156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”.
Với việc bị khởi tố với tội danh trên, nếu bị Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đưa ra xét xử với cũng tội danh đó, thì theo điều luật, Bầu Kiên có khả năng phải đối mặt với các mức hình phạt như sau:
“1. Phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a)      Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b)      Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c)      Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d)      Thu lợi bất chính lớn.
3.      Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
Từ các quy định trên, xuất phát từ các nguyên tắc áp dụng hình phạt, cho thấy Bầu kiên có khả năng phải đối mặt với một trong các hình thức chế tài sau khi Tòa án lượng hình:
-         Phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
-         Cải tạo không giam giữ (thời hạn là từ ba tháng đến hai năm).
-         Phạt tù (thời hạn từ ba tháng đến hai năm).
-         Phạt tù nhưng cho hưởng án treo (đây là biện pháp miễn phạt tù có điều kiện).
-         Cải tạo không giam giữ (thời hạn là từ ba tháng đến hai năm) và phạt tiền ba mươi triệu đồng.
-         Phạt tù (thời hạn từ ba tháng đến hai năm) và phạt tiền ba mươi triệu đồng.
Nếu so sánh với tội danh mà nguyên Tổng Giám đốc của Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải bị áp dụng để khởi tố và bắt giam thì đây là những hình phạt nhẹ hơn những chế tài mà ông Hải có thể bị áp dụng.
Ông Lý Xuân Hải bị khởi tố và bắt giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 Bộ Luật hình sự. Điều luật này quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm  đến năm  năm”.
Với quy định như trên thì cũng có thể thấy cấu thành tội phạm của tội danh này cũng trúc trắc và tương tự như cách xác định cấu thành của tội kinh doanh trái phép. Nghĩa là cũng bao gồm cả tình tiết định lượng và định tính bổ sung cho hành vi vi phạm pháp luật chính.
Tuy nhiên, từ bản chất là hành vi cố ý làm trái các quy định của pháp luật, nên chế tài mà Luật quy định cho tội phạm này nghiêm khắc hơn nhiều so với tội kinh doanh trái phép. Theo quy định tài Điều 165 của Bộ Luật hình sự, người phạm tội này có thể bị áp dụng các chế tài sau khi bị truy tố và xét xử:
1.      Phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm  đến năm  năm.
2.      Phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3.      Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4.      Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  một  năm đến năm năm.
Từ quy định trên, trên cơ sở các nguyên tắc áp dụng hình phạt và lượng hình cho thấy, nếu tiếp tục bị Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đưa ra xét xử về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, thì ông Lý Xuân Hải có khả năng phải đối mặt với một trong các hình thức chế tài chính như sau:
-         Phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
-         Phạt tù từ một năm  đến năm  năm.
-         Phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
-         Phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
-         Phạt tù từ không quá ba năm được hưởng án treo.
Bên cạnh đó, Ông Lý Xuân Hải cũng có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung sau khi bị Tòa án đưa ra xét xử:
-         Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
-         Cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định
Như vậy, nếu xét một cách hình thức nhất thì xem ra cái “hạn” của Bầu Kiên có vẻ nhẹ hơn “hạn” của cựu CEO Ngân hàng ACB nếu bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội danh mà Cơ quan điều tra đã khởi tố.
Luật sư - Luật Á Đông bình luận

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê