Thứ 2,, 03-04-2013 , 07:21:00 AM

Vào ngày 22/01/2013, Philippines chính thức gửi hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS - International Tribunal for the Law of the Sea). Toà án này có trụ sở  tại Humburg,  được lập ra theo  quy định tại Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).

Vụ việc này không chỉ khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý, mà nó còn khiến các nhà nghiên cứu luật quốc tế nói chung và Luật biến nói chung thực sự ngạc nhiên vì cách thức “lách luật” được cho là rất hợp lý và khôn ngoan mà Chính phủ Philppines đã sử dụng trong vụ kiện này. Không những thế cách thức “lách” này còn đem lại cho Philippines một cơ hội thắng kiện trong một tình huống mà tưởng như Trung Quốc đã lợi dụng  triệt để các quy định của UNCLOS để có thể loại mình ra khỏi các cuộc chiến pháp lý liên quan đến Biển đông.

Dưới đây Luật sư  Hoàng Ngọc Bính của Công ty Luật Á Đông phân tích và bình luận một số quy định của Công ước Luật Biển và một số khía cạnh pháp lý cũng như thực tiễn trong vụ kiện đang được thế giới quan tâm này.

Trung Quốc bảo lưu những gì?

Ngày 25 tháng 8 năm 2006 Trung Quốc gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến nội dung của Công ước Luật biển trong đó có Tuyên bố bảo lưu các thủ tục giải quyết tranh chấp được trù liệu trong Công ước. Tuyên bố có đoạn: “Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ một thủ tục (giải quyết tranh chấp) nào được quy định tại mục 2 phần XV của Công ước liên quan đến tất cả các loại tranh chấp được nói đến tại điểm a, b, c đoạn 1 điều 298 của Công ước” (nguyên văn “The Government of the People's Republic of China does not accept any of the procedures provided for in Section 2 of Part XV of the Convention with respect to all the categories of disputes referred to in paragraph 1 (a) (b) and (c) of Article 298 of the Convention”).

Trong khi đó điểm a đoạn 1 của điều 298 Công ước Luật Biển 1982 quy định: “Khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia Công ước, hoặc ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, với điều kiện không phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ mục 1, một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp đã được trù định ở Mục 2 có liên quan đến một hay nhiều loại tranh chấp sau đây : “các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử…”.
Như vậy, với việc tuyên bố bảo lưu quy định (tức không phải thi hành, hay không chịu bất kỳ một sự tài phán nào theo quy định về giải quyết tranh chấp) liên quan tới thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên trong việc xác định ranh giới lãnh hải (điều 15), vùng đặc quyền về kinh tế (điều 74) và thềm lục địa (điều 83) giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hay đối diện nhau thì Trung Quốc đã chủ động dùng chính quy định của điều 298 của Công ước loại mình ra khỏi cơ chế bị xét xử khi phát sinh tranh chấp với hầu hết các nước trong Biển Đông (Việt Nam, Philppines, Malaysia…) vì các nước trong Biển Đông hầu hết là những nước có bờ biển liền kề hoặc đối diện với bờ biển của Trung Quốc. Nói một cách cụ thể và hình tượng hơn, việc bảo lưu điều 298 nêu trên giống như một chiếc khiên vững chắc giúp Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động thực hiện tham vọng đường 9 đoạn của mình bao trùm lên toàn bộ Biển Đông mà không sợ bị nước nào khiếu kiện tại các cơ quan tài phán cuộc tế mà Công ước đã quy định.

Vậy Philippines khởi kiện Trung Quốc về nội dung gì?

Cho đến giờ các chuyên gia về Luật biển đều cho rằng, mặc dù Công ước Luật biển 1982 đã là một bước tiến vượt bậc của nhân loại trong việc pháp điển hoá các quy định liên quan đến việc phân định và sử dụng Biển một cách ổn định, hoà bình và có trật tự. Nhưng do tính chất phức tạp của các thành phần địa lý cấu tạo nên Biển, tính chất đa dạng của các tập quán quốc tế đã tồn tại lâu đời, cùng với thuyết chủ quyền tối cao của quốc gia, cho đến nay nhiều quy định của Công ước vẫn mang tính lý thuyết, thiếu sự chặt trẽ cần phải có của các quy phạm, từ đó tạo nhiều kẽ hở cho các Quốc gia có âm mưu lợi dụng những nhược điểm này phá hoại nguyên tắc công bằng, bình đẳng và minh bạch…..mà Công ước hướng đến. Mặt khác, nó cũng tạo ra những khoảng trống vô hạn để các quốc gia dựa vào đó “lôi” các quốc gia khác vào các trận chiến pháp lý vô tiền khoáng hậu. Vụ kiện Philippines là một ví dụ minh chứng cho nhận định nàyNhận thức rõ rằng những nội dung bảo lưu của Trung Quốc giống như một chiếc khiên ngăn chặn trực diện các cuộc tấn công pháp lý từ các đối thủ, Chính phủ Philippines đã khôn khéo tránh đánh trực diện vào chiếc khiên mà Trung Quốc giương ra mà dùng cách đánh vu hồi để lôi Trung Quốc vào cuộc chiến pháp lýPhilippines, trong đơn khởi kiện của mình, đã tương kế tựu kế, dùng ngay Tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc để phản công lại nước này khi yêu cầu ITLOS đưa ra phán quyết rằng “việc Trung Quốc đưa ra đường chín đoạn như là giới hạn lãnh hải của Trung Quốc là hành vi vi phạm quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phải được Toà án bác bỏ”.
Như vậy, bằng cách này Philippines đã hoá giải được Tuyên bố bảo lưu của Trung Quốc, đưa tính chất vụ kiện từ tranh chấp song phương (tranh chấp về chủ quyền và quyền chủ quyền giữa hai bên) thành tranh chấp đa phương (việc Trung Quốc đưa ra đường tuyên bố chín đoạn là vi phạm Công ước ở khía cạnh xâm phạm quyền của tất cả các nước – quyền tự do hàng hải, quyền tự do nghiên cứu biển…). Bên cạnh đó, Philippines cũng “cài” vào nội dung vụ kiện một số yêu cầu liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình trên Biển Đông và các đảo, quần đảo trên Biển Đông như xác định vùng biển xung quanh các đảo đá ở biển Đông (cụ thể là ở Trường Sa và Scarborough) không liên quan đến việc công nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đối với các đảo đá đó. Tiếp theo đó để bổ trợ cho các nội dung chính, Philippines cũng yêu cầu Tòa trọng tài xem xét cho ý kiến về việc có hay không Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên thềm lục địa  khi cho xây dựng công trình trên các bãi, vỉa đá ngầm trong phạm vi 200 hải lý của Philippines; xác định các quy định của Luật nội địa Trung Quốc đưa ra (như cấm đánh bắt hải sản hàng năm) trên biển Đông đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và việc Trung Quốc cản trở Philippines thực thi quyền lợi trong các vùng biển của mình cũng như ở các bãi, vỉa đá ngầm và vùng biển xung quanh đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Có thể nói cách đặt vấn đề độc đáo theo kiểu “bám thắt lưng địch mà đánh” của Philippines đã khiến giới nghiên cứu luật quốc tế rất bất ngờ và ngay cả Trung Quốc rất bị động. Trong những Tuyên bố gần đây nhất của Trung Quốc về vụ kiện đã thấy rõ sự lúng túng của Trung Quốc trước nội dung khởi kiện khôn khéo của Philippines. Xét trên khía cạnh cơ sở pháp lý, một số yêu cầu khởi kiện của Philippines trong vụ kiện hoàn toàn hợp lý và có thể được chấp nhận bất chấp Tuyên bố bảo lưu của Trung Quốc. Sở dĩ khẳng định điều này bởi như đã nói ở trên các quy định của Công ước còn rất nhiều khoảng trống để các quốc gia có thể vận dụng đưa ra yêu sách về quyền lợi. Mặt khác, thực tiễn xét xử tại ITLOS từ trước đến nay vẫn có xu hướng vận dụng các tập quán quốc tế về biển nếu các quy định của Công ước không rõ ràng. Với những yếu tố đó có thể khẳng định Philippines đã chiến thắng Trung Quốc ngay trong trận đầu của cuộc chiến pháp lý sẽ còn kéo dài khoảng 4 năm tiếp theo.
(Còn tiếp)
Luật sư Hoàng Ngọc Bính – Công ty Luật Á Đông.

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê