Trên lệnh, dưới làm: Trách nhiệm thế nào?
Thứ 7,, 23-09-2017 , 11:23:00 AM
Khi cấp trên chỉ đạo bạn phải thực hiện một việc mà bạn biết rõ sai luật, bạn phải làm gì để không phải chịu trách nhiệm, không “dính” án tù theo sếp?
LTS: Trong đại án OceanBank mà TAND TP Hà Nội đang xử, có rất nhiều thuộc cấp của Hà Văn Thắm bị cáo buộc phạm tội cố ý làm trái với vai trò đồng phạm. Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng những người này chỉ làm theo lệnh của cấp trên, tại sao họ phải bị tội?
Pháp Luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia về việc này.
Trong một số vụ án hình sự, nhiều bị cáo đã ngậm ngùi lau nước mắt cho rằng mình chỉ chấp hành mệnh lệnh cấp trên, không có hành vi tư lợi, vậy mà phải bị tù tội oan ức. Nếu gặp tình huống như thế, chúng ta phải làm sao để tránh bị tội?
“Bửu bối” trong hành chính, lao động
Việc cấp dưới chấp hành mệnh lệnh cấp trên vừa là quy tắc ứng xử chuẩn mực trong công việc, vừa tuân theo các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người lao động nói chung. Những mệnh lệnh, chỉ đạo hợp pháp sẽ được thực hiện là lẽ đương nhiên nhưng khi cấp trên đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh mà không tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp hoặc trái luật thì sao?
Pháp luật đã dự liệu khá kỹ đối với các trường hợp này. Điều 11 Luật Viên chức quy định viên chức có quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật. Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Tương tự, theo Điều 55 Luật Kế toán thì kế toán trưởng có quyền và trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
Hay như Điều 30 Luật Công an nhân dân quy định khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trong trường hợp vẫn phải chấp hành mệnh lệnh thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó…
Rất nhiều thuộc cấp của Phạm Công Danh phải chịu án tù vì đã làm theo mệnh lệnh sai trái của ông Danh. Ảnh: HOÀNG YẾN
Trong hình sự thì… đằng nào cũng dính
Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự - ĐH Luật TP.HCM, bất kỳ người nào biết hành vi đó, việc làm đó trái pháp luật mà vẫn làm thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS).
Dẫn khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, Công chức nói trên, TS Phan Anh Tuấn cho rằng quy định này chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính. Còn trong pháp luật hình sự thì BLHS hiện hành không quy định việc loại trừ TNHS trong trường hợp cán bộ, công chức chấp hành mệnh lệnh của cấp trên mà gây ra thiệt hại, đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
“Khi soạn thảo BLHS mới, vấn đề này được đặt ra và có nhiều ý kiến bàn cãi. Cuối cùng, việc miễn TNHS được cụ thể hóa ở Điều 26 BLHS 2015 (chưa có hiệu lực) nhưng chỉ giới hạn ở lực lượng vũ trang nhân dân. Điều kiện miễn TNHS là người phạm tội đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh đó. Trong trường hợp này, người ra mệnh lệnh phải chịu TNHS” - TS Phan Anh Tuấn cho hay.
Điều này có nghĩa cho dù bạn đã có các bước báo cáo (cho người ra quyết định, cấp trên của người ra quyết định khi chấp hành quyết định/mệnh lệnh sai) thì nó vẫn không loại trừ TNHS cho bạn. Cho nên cách tốt nhất là bạn phải từ chối chấp hành mệnh lệnh/chỉ đạo của cấp trên nếu thấy nó sai pháp luật. Bởi giữa việc chiều lòng sếp, giữa việc sợ sếp ghét, sếp “đì” hay nguy cơ mất việc với việc bạn có thể phải đối diện tù tội, hẳn bạn biết phải lựa chọn phương án nào.
Khi lượng hình cần cân nhắc Trong một vụ án có đồng phạm, có người là chủ mưu, người thực hành và người giúp sức. Người chủ mưu là người ra quyết định sai trái, pháp luật quy định là người nguy hiểm nhất, cần phải xử lý nghiêm. Nhóm ít nguy hiểm hơn là nhóm thực hành, giúp sức, như các bị cáo thuộc cấp của Hà Văn Thắm trong vụ OceanBank. Thực sự mà nói là họ chỉ chấp hành quyết định của thủ trưởng, của người đứng đầu thôi. Thế nhưng rất tiếc, rất đau lòng là hành vi đó đã cấu thành tội phạm. Vì sự chấp hành mệnh lệnh này là giúp sức cho một hành vi phạm tội. Về nguyên tắc, cấp dưới có quyền chống lại một quyết định trái pháp luật. Có điều thực tế thì rất khó, vì ít ai dám chống lại mệnh lệnh cấp trên, nhiều khi không biết để mà chống. Bởi tâm lý chung của cấp dưới là rất tin tưởng vào cấp trên. Họ nghĩ sinh ra một người làm lãnh đạo là phải nắm pháp luật để điều hành. Một khi người lãnh đạo này lại nhảy lên bờ pháp luật làm những điều sai trái thì là một điều rất nan giải và đau thương. Theo tôi, lượng tội thì rõ là có tội rồi. Tuy nhiên, khi lượng hình, HĐXX sẽ hết sức cân nhắc đến yếu tố này, để giảm đến mức có thể khi đưa ra hình phạt cho các bị cáo trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, |
T/g LỆ TRINH - PHƯƠNG LOAN (Théo Báo PLO)
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111"
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê