Thứ 4, 23-05-2018 , 08:25:00 PM

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng "thu giá" là từ tối nghĩa, thậm chí vô nghĩa, cần thay tên gọi khác

Chiều 23-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng về mặt ngôn ngữ, khái niệm "trạm thu giá" hay "thu giá" BOT mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dùng đã không gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

Dư luận phản ứng là đúng

Chính vì dùng từ "thu giá" tối nghĩa gây bức xúc dư luận, ông Vân đã dẫn câu chuyện trên mạng xã hội còn dùng hình ảnh tài xế mang cả rổ giá (đỗ) trả cho nhân viên "thu giá" để minh họa cho sự buồn cười của cách dùng từ.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng vì từ "thu giá" trong từ điển tiếng Việt không có nên Bộ GTVT phải xem lại cách dùng từ để tương thích với việc đặt tên cho trạm BOT.

"Bộ GTVT nên tiếp thu ý kiến của dư luận và thay đổi tên gọi các trạm BOT bằng một cái tên khác. Dư luận phản ứng là đúng, họ phản ứng để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt" - ông Vân nói.

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), nguyên nhân phản ứng là ở chỗ "thiếu minh bạch, thiếu công khai".

Bộ Giao thông Vận tải nên sửa sai - Ảnh 1.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất nhà nước (!)Ảnh: Hoàng Minh

Vị ĐB đồng thời là nhà sử học chia sẻ tất nhiên phải quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp đầu tư vào dự án BOT. Theo ĐB Dương Trung Quốc, tính giá hay tính phí, các cơ quan có trách nhiệm phải làm cho công bằng, minh bạch; đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư, gọi thu phí là hợp lý.

"Thu phí là thu lại những giá trị đã đầu tư theo bài toán kinh tế hợp lý nhất. Anh chỉ bỏ một lượng tiền đầu tư nâng cấp, làm tăng giá trị tăng trưởng thì được thu một phần trong đó, chỉ nên coi là thu phí chứ không phải thu giá" - ĐB Dương Trung Quốc nêu.

Ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, bình luận việc chuyển từ "phí" sang "giá" BOT là đúng với bản chất kinh tế thị trường. Nhà đầu tư bỏ vốn ra để cung cấp dịch vụ thì người sử dụng phải trả giá dịch vụ mình sử dụng. Tuy nhiên, ông Phương lo ngại doanh nghiệp được tự định giá khi chuyển từ phí sang giá sẽ nảy sinh vấn đề. "Nhiều tuyến đường BOT hiện chỉ được làm trên những đường độc đạo hoặc chỉ là sửa chữa trên nền đường cũ của nhà nước đầu tư. Trường hợp này nếu thu giá sẽ là giá độc quyền" - ông Phương nói.

Theo ông Phương, dù việc chuyển sang thu giá BOT là đúng theo quy luật thị trường nhưng phải xác định từng dự án cụ thể chứ không phải tất cả đều chuyển sang giá. Bởi quá trình hình thành BOT khác nhau, có cái hoàn toàn do tư nhân làm, có cái là nhà nước thuê theo hợp đồng xây dựng, chuyển giao.

Vận dụng luật một cách máy móc

Trước đó, bên hành lang QH ngày 22-5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải đề xuất đổi tên trạm thu phí BOT thành "trạm thu giá". Theo ông, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất nhà nước. Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh việc đổi tên từ "thu phí" sang "thu giá" là lỗi từ quá trình làm luật.

Theo ông Đức, hiện hệ thống văn bản pháp luật có 2 luật liên quan, đề cập vấn đề này là Luật Phí và Lệ phí; Luật Giá. Luật Phí và Lệ phí định nghĩa "phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công". "Trước đây, hệ thống hạ tầng đường bộ do nhà nước đầu tư, thu tiền nên được gọi là phí sử dụng đường bộ. Sau này, khi tư nhân tham gia đầu tư, không còn là dịch vụ công nên nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ trái luật" - ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng dịch vụ đường bộ lúc này trở thành một quan hệ dân sự, không còn là đối tượng của Luật Phí và Lệ phí mà chuyển sang Luật Giá. Vì thế, nó được gọi là giá dịch vụ đường bộ, tương tự các dịch vụ khác như giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, đổi từ "trạm thu phí" thành "trạm thu giá" BOT là máy móc. Nếu muốn tránh từ "phí", cơ quan quản lý vẫn có thể gọi nó là trạm thu tiền, trạm thu ngân... Gọi "trạm thu giá" nghe hài hước quá!

Ông Nguyễn Hồng Khoái, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn KN, cho biết đi từ Bắc đến Nam, thấy bỗng dưng các trạm thu phí BOT đổi hết thành trạm thu giá BOT. "Tôi thấy Bộ Tài chính nhầm lẫn các khái niệm này; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT phải có định nghĩa rõ ràng cho người dân hiểu" - ông Khoái nói.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Đặng Xuân Phương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH), bảo thực ra gọi "thu giá" là gọi tắt. Theo cơ chế thị trường, phải gọi là thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. "Trong lĩnh vực giáo dục cũng thế, sắp tới đây sẽ gọi là "giá" chứ không phải "học phí" nữa. Gọi như Bộ trưởng GTVT là gọi tắt, diễn đạt không đầy đủ dẫn đến cử tri băn khoăn"- ông Phương cho biết.

Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, khẳng định việc chuyển từ phí sang giá một số dịch vụ đã được quy định trong luật. Những dịch vụ nào không nằm trong danh mục phí sẽ được chuyển sang thu giá. Có thể luật chưa bao quát hết các vấn đề xã hội nhưng ít nhất cũng "phủ" được 85%-90%. Chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải riêng một bên nào.

"Điều quan trọng là cần xem con đường BOT có đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, bảo đảm lợi ích các bên hay không? Còn việc gọi đó là trạm thu BOT hay thu giá BOT... cũng chỉ là tên gọi" - ông Kiên nói.

 

Trước những điều còn chưa rõ, ĐB Bùi Văn Phương cho biết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới đây, ông sẽ chất vấn Bộ trưởng GTVT cơ sở nào chuyển từ phí sang giá? 

Gọi "thu giá" theo kinh tế học lẫn ngôn ngữ học đều tối nghĩa!

Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 ban hành danh mục phí và lệ phí đi kèm luật. Theo đó, phí BOT không có trong danh mục này. Tại Phụ lục số 02 có ghi phí BOT cùng 16 loại phí khác được chuyển thành giá.

Khi là phí thì danh mục phí do Ủy ban Thường vụ QH quyết định, giao cho Chính phủ (Bộ Tài chính thừa ủy quyền) quy định chi tiết. Còn khi phí chuyển thành giá (sử dụng dịch vụ đường bộ) tức là được điều chỉnh bởi Luật Giá. Nói rõ hơn, đối với phí BOT (nay Bộ GTVT gọi là thu giá BOT) trên các tuyến Quốc lộ thì Bộ GTVT có thẩm quyền tăng hoặc hạ giá sau khi thỏa thuận với chủ đầu tư dự án.

Như vậy, bằng cách "chuyển đổi" nói trên, Bộ GTVT đã đạt 2 mục đích: Một là được toàn quyền quyết định "giá" qua trạm BOT trên quốc lộ; hai là tránh được sự xung đột có tính chất phí chồng phí, dễ gây bức xúc xã hội, bởi trong danh mục ban hành kèm Luật Phí và Lệ phí đã có phí bảo trì đường bộ rồi.

"Phí" trong "thu phí" được định nghĩa là "khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó"; còn "giá" trong "thu giá" là "biểu hiện giá trị bằng tiền" (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, 2001, tr.778 và tr.385). Trong tuyệt đại đa số Từ điển tiếng Việt trước nay đều không có kết hợp từ "thu giá".

Theo khái niệm của kinh tế học, giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa.

Như vậy, "phí" và "giá" là hai thứ khác nhau. Một bên là khoản tiền cụ thể, tức là thu được (nên mới gọi là "thu phí"); một bên là "biểu hiện giá trị bằng tiền", có tính trừu tượng chứ không phải là thực thể, do vậy không thể thu, nên gọi "thu giá" là sai, theo kinh tế học lẫn ngôn ngữ học đều tối nghĩa.

Dù rằng ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, từ hay kết hợp từ mới thường phát sinh theo thực tiễn cuộc sống song không phải trường hợp nào cũng được chấp nhận. Có trường hợp đã được "luật hóa" song về bản chất thì vẫn sai, ví dụ như "phân khối lớn" và "phân khối nhỏ". Đã là một "phân khối" (CC: Cubic Centimeter) thì luôn tương ứng với thể tích một khối lập phương có số đo 1 cm x 1 cm x 1 cm; chứ không thể có đơn vị đo lớn hơn nó ("phân khối lớn") hay nhỏ hơn nó ("phân khối nhỏ"). Thế nhưng, ngành giao thông (và nhiều ngành khác) vẫn dùng danh từ "xe phân khối lớn", "xe phân khối nhỏ" một cách "hà rầm" trong các văn bản pháp quy! Trường hợp "thu giá" cũng như vậy và có phần kệch cỡm hơn bởi nó còn cho thấy ý đồ không tốt của các cơ quan tham mưu chính sách. Việc "sáng tạo" ra kết hợp từ "thu giá" chính là một dạng thức "cưỡng bức" tiếng Việt!

DƯƠNG QUANG

 

"Đánh tráo khái niệm"

"Thu giá" thật ra là một "sáng tạo" để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và Lệ phí. Theo quy định của luật này, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp khi khoản phí được đưa vào danh mục phí được ban hành kèm theo luật. Rất tiếc, phí BOT không có trong danh mục này. Đáng ra, Bộ GTVT nên trình QH bổ sung phí BOT vào danh mục nói trên thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm.

Có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu ý kiến trên Facebook cá nhân ngày 22-5)

Văn Duẩn - Phương Nhung - Tô Hà (theo Báo Người lao động)

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê