Vụ Huyền Như: Tranh cãi việc VietinBank có phải bồi thường
Thứ 4, 30-05-2018 , 06:13:00 AM
Đại diện VKS đề nghị tòa bác các kháng cáo và y án sơ thẩm, trong khi luật sư của các công ty bị hại yêu cầu tòa buộc VietinBank phải bồi thường…
Ngày 28-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của năm công ty do Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm thực hiện.
Trước đó, ngày 9-2, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt Huyền Như tù chung thân, Võ Anh Tuấn bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho một công ty, buộc Huyền Như bồi thường cho bốn công ty còn lại tổng cộng hơn 1.085 tỉ đồng.
Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của bị cáo Tuấn và bốn nguyên đơn dân sự là Công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc.
Đại diện VKS đề nghị bác các kháng cáo
Tại phiên xử, đại diện VKS nhận định để có tiền trả nợ do kinh doanh thua lỗ, Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào VietinBank với lãi suất cao. Một số cá nhân là người môi giới có ý thức tư lợi cá nhân để thỏa thuận trả lãi ngoài. Huyền Như bỏ tiền cá nhân trả lãi ngoài và phí môi giới, dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào VietinBank, sau đó lập chứng từ, ký giả, làm giả con dấu, tự thao tác lệnh chuyển tiền... của các đơn vị này để sử dụng cá nhân. Vì vậy, Công ty Hưng Yên, SBBS, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty CP Thương mại An Lộc đã sập bẫy lãi suất cao của Huyền Như và bị mất 1.085 tỉ đồng.
Theo đại diện VKS, Huyền Như đã có lời nói, đưa ra thông tin giả về việc VietinBank huy động vốn với lãi suất cao để làm cho các đơn vị tin nhằm gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, bị cáo dùng quyền kiểm soát viên ngân hàng để chuyển tiền vào các tài khoản sử dụng cá nhân. Hành vi của bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.085 tỉ đồng và không có cơ sở quy kết tội tham ô tài sản.
Về kháng cáo của bốn nguyên đơn dân sự yêu cầu VietinBank trả tiền cho họ, đại diện VKS cho rằng các công ty này đã thỏa thuận ngầm với Như để hưởng lãi suất cao. Lãi suất tiền gửi ngoài hợp đồng từ 2% đến 7%. Đây là thỏa thuận trái pháp luật, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo của bốn công ty, tuyên Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm án, y án sơ thẩm đối với bị cáo Anh Tuấn.
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN
Luật sư: VietinBank phải bồi thường
Luật sư (LS) của SBBS không đồng tình với đại diện VKS, cho rằng trong quá trình thụ lý vụ án, TAND TP.HCM từng ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc định tội Huyền Như. Trong quyết định trả hồ sơ, tòa nhận định: “Chỉ sau khi năm công ty mở tài khoản tại VietinBank và gửi tiền, tiền được hạch toán đầy đủ trên hệ thống của ngân hàng thì Huyền Như mới giả chữ ký để chuyển tiền ra khỏi hệ thống của VietinBank Chi nhánh TP.HCM rồi chiếm đoạt”. Theo LS, nhận định trên của TAND TP.HCM là đúng với bản chất của vụ án. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì, tòa này đã tuyên ngược lại với nhận định nêu trên dù kết quả điều tra bổ sung không có gì mới.
“Các công ty mở tài khoản hợp lệ trên hệ thống VietinBank, sau đó đã chuyển tiền vào hệ thống. Đại diện VietinBank cũng xác nhận sau khi khách hàng gửi tiền, hệ thống của VietinBank đã tự động cập nhật. Việc mở tài khoản giữa khách hàng và VietinBank đã phát sinh quan hệ dân sự giữa bên gửi tiền là khách hàng, bên nhận tiền và quản lý tiền là ngân hàng. Tính chất quan hệ dân sự đã được xác định rõ nhưng tòa sơ thẩm đã lờ đi trách nhiệm của VietinBank để ngân hàng này không phải bồi thường” - LS phân tích.
LS cũng nhấn mạnh vào thời điểm năm 2011, hàng chục ngân hàng tiến hành huy động lãi suất vượt trần và pháp luật không cấm. Chính vì vậy không thể nói các công ty vì lòng tham mà gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Chính vì VietinBank là ngân hàng lớn nên khách hàng mới gửi tiền và khi tiền gửi vào VietinBank vẫn chưa bị mất, cho đến khi bị Huyền Như chiếm đoạt. Từ đó, LS kết luận: “VietinBank là nạn nhân của Huyền Như trong vụ án này và VietinBank có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng”.
Tương tự, LS của Công ty Toàn Cầu cũng cho rằng lỗi ở đây là hoàn toàn do sơ hở trong quản lý con người, trong cơ chế điều hành của VietinBank, gây thiệt hại cho chính ngân hàng này.
Trước đó, các LS đề nghị thay đổi tư cách tố tụng của VietinBank thành nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Hôm nay (29-5), phiên xử tiếp tục với phần tranh luận trước khi HĐXX phán quyết.
Nội dung vụ án Hai bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn từng bị truy tố về tội lừa đảo trong đại án 4.000 tỉ đồng mà TP.HCM xét xử năm 2014. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) nhận định hành vi chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của năm công ty có dấu hiệu của tội tham ô tài sản nên đã hủy phần này để điều tra, xét xử lại. Quá trình điều tra lại, CQĐT xác định có lỗi của năm công ty khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước. Xét cả quá trình từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, xuyên suốt vụ án Huyền Như là hành vi lừa đảo. Vì vậy, VKS vẫn tiếp tục truy tố Như về tội lừa đảo. Bản án sơ thẩm mới nhận định từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt số tiền hơn 1.085 tỉ đồng của năm công ty cho đến khi tội phạm hoàn thành là hành vi lừa đảo. Huyền Như đã lợi dụng các cá nhân, đơn vị muốn nhận lãi suất cao (một số cá nhân là người môi giới, đại diện các đơn vị gửi tiền có ý thức tư lợi cá nhân) để thỏa thuận trái pháp luật, dẫn dụ gửi tiền vào VietinBank. Sau đó Huyền Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống được trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Huyền Như. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011 Huyền Như đã chiếm đoạt được hơn 1.085 tỉ đồng từ tài khoản của năm công ty tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM. |
Tác giả HOÀNG YẾN - Theeo Báo PLTPHCM
_____________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 02466814111"
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê