Thế nhưng sự kiện 123 ngư dân Việt Nam của 25 chiếc tàu đánh cá bị Malaysia bắt giữ vừa qua chỉ để lại những dòng tin hờ hững trên các báo, thậm chí có báo cũng lấy thông tin này từ các báo nước ngoài chứ không phải là nguồn tin chính thức trong nước. Vì sao một số phận công dân này lại được quan tâm “bảo hộ” hết mức còn hàng trăm số phận công dân khác dường như lại bị thờ ơ?
Có phải vì việc các ngư dân nước ta thường xuyên đánh bắt trái phép ở các vùng biển của nước bạn và bị bắt cho nên chuyện ấy đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”?
Malaysia, Indonesia, Philippines, rồi cả Thái Lan và thậm chí tận nước Úc xa xôi, đều đã từng giam giữ, phạt tù, trục xuất, đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Đương nhiên việc các ngư dân đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước bạn là không đúng, thế nhưng nguyên do nào khiến cho họ, những người con của một đất nước thường tự hào là có “rừng vàng biển bạc”, lại đi mạo hiểm đánh cá trộm ở nước người?
Đơn giản là vì môi trường biển của ta bị ô nhiễm, tài nguyên biển của nước ta đã cạn kiệt. Những nhà máy lớn nhỏ như Formosa, Vĩnh Tân, và những cơ sở kinh doanh ven biển khác luôn luôn là những mối đe dọa lơ lửng đối với nguồn lợi hải sản ven bờ. Mới đây, chuyện cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân lại xảy ra ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng.
Toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort du lịch trên biển dọc dài đất nước cũng là những nguồn xả thải khó kiểm soát. Ngay cả những ngư dân, những người mà nguồn sống phụ thuộc trực tiếp vào biển, có lẽ cũng là những nguồn xả thải đáng kể các loại rác thải do ý thức bảo vệ môi trường của họ chưa cao.
Chúng ta bao năm qua chỉ biết khai thác “biển mẹ” mà chưa bao giờ có kế hoạch bảo tồn hay khai thác bền vững. Nước ta chưa hề có những quy định cấm đánh bắt vào mùa cá sinh sản, chưa bao giờ có quy định cỡ mắt lưới hay kích cỡ các loài tôm cá được phép khai thác. Thậm chí, có thời nhiều ngư dân còn sử dụng các cách đánh bắt khá “man rợ” bằng thuốc nổ, chất độc, lưới cào...
Đó là chưa kể đến việc ngư dân nước ta đánh bắt ngay trên các ngư trường truyền thống nhưng lại bị các “tàu lạ” đánh đuổi, đâm chìm...
Nên trách hay nên thương các ngư dân bị bắt vì khai thác trái phép vùng biển nước bạn đây, và làm cách nào để “bảo hộ” cho họ đây?
Chỉ còn mỗi cách là làm cho vùng biển nước ta trở lại là vùng “biển bạc” như ngày nào. Phải đóng cửa tất cả những nhà máy, những cơ sở dịch vụ du lịch nào làm ô nhiễm môi trường. Phải đề ra cho được những kế hoạch, những sắc luật buộc việc khai thác biển phải là khai thác bền vững. Cần phải tổ chức lại nghề biển để những ngư dân là những người lao động hiệu quả, có giáo dục, có tri thức, có ý thức đầy đủ rằng mình là những người chủ của tài nguyên biển cả.
Thế giới đã tiến rất xa trong việc khai thác bền vững tài nguyên biển. Ngay cả Đài Loan, đất nước của Formosa, cũng rất biết cách bảo vệ môi trường biển của lãnh thổ mình. Thế nhưng ngành khai thác biển và bảo tồn môi trường biển nước ta còn rất lạc hậu nên trong tương lai gần, việc các ngư dân của nước ta bị bắt khi đánh bắt trộm vùng biển nước người chắc là sẽ vẫn còn diễn ra, như vụ đến cả trăm người bị bắt vừa qua.
Không phải ngẫu nhiên mà người viết đề cập đến Đoàn Thị Hương và các ngư dân bị bắt, vì ở khía cạnh nào đi chăng nữa, thì đó là những câu chuyện không chỉ là của cuộc sống người dân mà còn là của sĩ diện quốc gia...
Tác giả Đoàn Đạt (Theo Báo ĐT Một Thế giới ngày 23/5/2019)
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 024.66814111"