Phải xử tội giết người mới đúng!
Thứ ba, 18-11-2014 , 03:00:00 AM
Dịch vụ pháp luật doanh nghiệp của Luật Á Đông giúp bạn An Toàn, An Tâm và An Phát trong kinh doanh
****************
Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm cần hủy án để điều tra, xét xử lại.
LTS: ThS Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, là tác giả của hai bộ sách Bình luận khoa học BLHS và Bình luận khoa học BLTTHS. Hai bộ sách này được giới luật học coi là cẩm nang “gối đầu giường” ở Việt Nam.
Ông vừa gửi đến báo Pháp Luật TP.HCM bài viết dưới đây với lời khẳng định: Hành vi của cựu công an xã ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) đánh chết học sinh lớp 9 đã phạm vào tội giết người chứ không phải cố ý gây thương tích.
Ngày 14-11, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tuyên phạt Lê Minh Phát (24 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích, chín tháng tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt chung là sáu năm chín tháng tù. Tòa cũng phạt Lê Ngọc Tâm (31 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) chín tháng tù treo về tội bắt người trái pháp luật, Lê Tấn Khỏe (15 tuổi) ba năm tù về tội cố ý gây thương tích. Ngoài ra, tòa còn buộc Phát và gia đình Khỏe phải liên đới bồi thường 135 triệu đồng cho gia đình nạn nhân, trong đó Phát phải bồi thường 70 triệu đồng, cha mẹ Khỏe bồi thường 65 triệu đồng.
Đây là vụ án có nhiều vấn đề về pháp lý cần phải trao đổi cả về tội danh, hình phạt lẫn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bị cáo Lê Minh Phát sau khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: TẤN LỘC
Tội bắt người: Xử khoản 3 mới đúng!
Xuất phát từ mâu thuẫn tối hôm trước, chiều 29-12-2013, Lê Tấn Khỏe đã dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng vào sau đầu em Tu Ngọc Thạch (14 tuổi, học sinh lớp 9) khi em Thạch đang được anh trai chở ngang qua trụ sở UBND xã Vạn Long. Lúc này, Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm ngồi trong quán nước nhìn thấy. Sau đó em Thạch được bạn bè chở đi gặp Khỏe và hai bên đã giải hòa. Thế nhưng khi nghe có người nói nhóm của em Thạch tìm Khỏe để đánh, Phát đã đi tìm Thạch. Phát dùng còng số 8 còng tay Thạch ra sau lưng, đánh, đập vào mặt, vào ngực em, sau đó cùng Tâm chở em về trụ sở Công an xã Vạn Long. Tại đây, Phát tiếp tục đánh đấm em Thạch khiến nạn nhân chết vào sáng 31-12-2013 do chấn thương sọ não.
Với nội dung vụ án như trên, cáo trạng của VKSND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) truy tố Lê Minh Phát và Lê Tấn Khỏe về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS; truy tố Lê Ngọc Tâm và Lê Minh Phát tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS.
Việc truy tố và xét xử Tâm và Phát tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS là chỉ mới đúng về tội danh chứ chưa đúng về điều khoản luật định. Bởi lẽ từ hành vi bắt người trái pháp luật nên mới dẫn đến hành vi đánh chết nạn nhân (em Thạch) nên phải coi hành vi bắt người trái pháp luật của Tâm và Phát thuộc trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” (quy định tại khoản 3 Điều 123 BLHS, có khung hình phạt từ ba năm đến 10 năm tù).
Ngoài ra, hành vi bắt người trái pháp luật của Tâm và Phát còn thuộc trường hợp “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Do đó, việc truy tố và xét xử Tâm và Phát tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS là chưa đúng quy định của BLHS.
Tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng
Bây giờ, xét hành vi đánh chết em Tu Ngọc Thạch của bị cáo Phát. Luật quy định anh phải nhận thức được rằng việc anh đánh một em bé đã bị còng tay, không có khả năng tự vệ, mà lại đánh vào những chỗ hiểm yếu, có thể gây ra hậu quả chết người. Cho dù anh không bàn bạc giết, không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng với hành vi côn đồ như vậy, luật quy định hậu quả xảy ra tới đâu anh phải chịu trách nhiệm pháp lý tới đấy. Ở đây, hậu quả chết người đã xảy ra nên anh phải bị xử về tội giết người.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử từ trước tới nay đều khẳng định nguyên tắc này.
Hơn nữa, hành vi giết người của bị cáo thuộc trường hợp “giết trẻ em”, “bằng cách lợi dụng nghề nghiệp”, “có tính chất côn đồ” và có thể có cả tình tiết “vì động cơ đê hèn” được quy định tại các điểm c, k, n và điểm q khoản 1 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Ở đây, VKS và TAND huyện Vạn Ninh truy tố và xét xử về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS là không đúng pháp luật.
Ngoài ra, tôi đồng ý với ý kiến của Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) về vai trò đồng phạm của Lê Ngọc Tâm. Dù cái chết của em Thạch là do Phát trực tiếp gây ra nhưng Tâm là người (như tòa án cấp sơ thẩm đã xác định) đã tích cực truy bắt em Thạch, trực tiếp gọi điện thoại cho ông Thắng và Phát đến đuổi bắt Thạch, dùng xe mô tô chở Thạch về trụ sở công an xã để cho Phát đánh em Thạch trong khi em không có điều kiện chống đỡ. Nếu không nói là có tổ chức thì hành vi của Tâm cũng là hành vi giúp sức tích cực để Phát trực tiếp đánh chết em Thạch. Do đó, Tâm cũng là đồng phạm giết người với Lê Minh Phát.
Hình phạt “nhẹ như bấc”
Có lẽ ngoài kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa và HĐXX sơ thẩm, không ai có thể chấp nhận hành vi bắt, còng tay, đánh chết một em học sinh mới 14 tuổi mà chỉ bị phạt sáu năm chín tháng tù!
Xét xử như thế này thì khó có thể được dư luận đồng tình.
Một người có máu “giang hồ” như Phát, phạm tội với hành vi côn đồ, gây mất nhân tâm như thế cần phải được nghiêm trị chứ không thể xử mức án nhẹ như vậy. Tuy nhiên, do truy tố sai tội danh, sai cả diện truy tố và do nhận thức không đầy đủ về tính chất của vụ án nên tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên một mức án “như bấc” nên không tránh khỏi sự bức xúc của dư luận.
Ngoài ra, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng có điều đáng bàn. Nếu bị cáo Lê Tấn Khỏe khi phạm tội đã đủ 15 tuổi thì việc tòa án buộc gia đình bị cáo Khỏe phải liên đới với Phát bồi thường cho gia đình nạn nhân là không đúng quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và hướng dẫn của TAND Tối cao. Nếu bị cáo Khỏe khi phạm tội đã đủ 15 tuổi trở lên thì tòa án phải tuyên buộc bị cáo Khỏe phải bồi thường, nếu bị cáo không có tài sản riêng thì bố mẹ (chứ không phải gia đình) phải bồi thường thay.
Bồi thường thay và phải bồi thường là hai vấn đề khác nhau. Từ trước đến nay các tòa án không để ý nên cứ bị cáo chưa thành niên là buộc gia đình bị cáo phải bồi thường.
Nhân dân rất quan tâm vụ án này Tôi có theo dõi việc xét xử vụ án này qua báo chí. Tôi chưa có bình luận về mức án. Tôi nghĩ tòa án xét xử độc lập, tuân theo pháp luật; việc truy tố, xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vụ án này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, an toàn, trật tự của huyện Vạn Ninh trong thời gian dài, hiện nay nhân dân cũng đang rất quan tâm. Do đó, nếu việc xét xử ở cấp sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm như tuyên án nhẹ, không đúng bản chất của sự việc thì các cấp xét xử phải xem xét. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa là khi có kháng cáo, các cơ quan tố tụng phải xem xét một cách hết sức kỹ lưỡng bởi nó liên quan đến tính mạng của con người. Sau kỳ họp Quốc hội, tôi sẽ về kiểm tra vụ việc này. Ông NGUYỄN TẤN TUÂN, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ có ý kiến Tôi sẽ đề nghị VKSND tỉnh kiểm tra lại việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh. Tôi vừa theo dõi trên báo, do chưa nghiên cứu hồ sơ nên tôi chưa có bình luận gì. Khi các ngành có ý kiến, Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu thêm rồi ý kiến chính thức.
Ông NGUYỄN XUÂN HÀ, Trưởng ban Nội chính Nhiều luật sư ngỏ ý bảo vệ cho gia đình bị hại Ngày 17-11, bà Nguyễn Thị Độc Lập, mẹ nạn nhân Tu Ngọc Thạch, cho biết gia đình đang chờ TAND huyện Vạn Ninh gửi bản án để làm đơn kháng cáo. “Họ vô cớ bắt, còng tay và đánh đập con tôi tàn bạo đến chết như thế mà xử mức án như vậy thử hỏi ai chấp nhận được! Trong khi đó, tại tòa, không bị cáo nào nhận tội, lại còn có thái độ chà đạp lên nỗi đau mất mát của gia đình tôi. Tôi yêu cầu luật pháp làm rõ ai đã trực tiếp gây ra cái chết cho con tôi để xử phạt nghiêm minh, công bằng” - bà Lập bức xúc. Bà Lập cho biết thêm trong những ngày qua có nhiều luật sư ở nhiều nơi liên lạc với gia đình bà đề nghị nhận bảo vệ (miễn phí) quyền lợi cho gia đình bà nhưng bà chưa nhận lời luật sư nào. Trong khi đó, luật sư của bị cáo Lê Tấn Khỏe cho biết gia đình bị cáo này đang làm đơn kháng cáo kêu oan cho Khỏe. TẤN LỘC |
Thạc sỹ ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao (Nguồn: PLO)
_________________
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ công chứng chứng thực, Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, Dịch vụ hợp pháp hóa lãnh sự (consular legalization in Vietnam), và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904 253 822 - 04.6681411
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê