Hôm nay ngày 3-3, TAND TP Bến Tre tiếp tục mở phiên tòa thứ hai xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại vì bị ngộ độc bánh mì giữa bà Nguyễn Thị Kim Thuyên kiện chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến ở TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre).
Trước đó, phiên xử đầu tiên với một trong 22 nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ P.5, Tp. Bến Tre) ngày 9-2 và kết quả là nguyên đơn thua kiện.
Tại phiên tòa lần này, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa vẫn là ông Lê Ngọc Khánh, người đã tuyên xử nguyên đơn đầu tiên thua kiện trước đó.
Lần này, cả nguyên đơn và bị đơn đều vắng mặt, chỉ có người đại diện tham gia. Số tiền mà nguyên đơn yêu cầu cơ sở bồi thường bao gồm viện phí, tiền thuốc, mất thu nhập,thuê người nuôi bệnh… là hơn 2 triệu đồng.
Tại tòa, Luật sư Nguyễn Hữu Dũng bảo vệ quyền lợi của bị đơn-chủ tiệm bánh mì cho rằng, có thực tế bà Thuyên bị ngộ độc, nhưng không đủ cơ sở để chứng minh bị ngộ độc do ăn bánh mì tại cơ sở Minh Tuyến.
Đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Kim Thuyên (53 tuổi, ngụ Tp. Bến Tre) trình bày, trong vụ việc này, theo quy định của pháp luật thì chủ cơ sở bánh mì phải có trách nhiệm cung cấp hóa đơn, việc yêu cầu người mua cung cấp hóa đơn là trái quy định.
Vị này cũng đưa ra được các văn bản pháp lý từ các cơ quan chuyên môn như Viện Vệ sinh-Y tế công cộng Tp.HCM, Bộ Y tế, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế chứng minh bánh mì tại cơ sở Minh Tuyến là nguyên nhân gây ngộ độc.
Người đại diện cũng chứng minh yêu cầu của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho rằng cần phải có căn cứ trực tiếp từ kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân là không thực tế.
Bởi hiện tại đã có các kết luận quá rõ ràng của cơ quan chuyên môn là cơ sở pháp lý cao nhất. Mặc khác, theo văn bản lý giải của các cơ quan y khoa, nguyên nhân gây ngộ độc có thể là vi khuẩn hoặc không phải vi khuẩn, với những trường hợp nhẹ thì không cần phải xét nghiệm. Quan trọng là những triệu chứng của chị Thuyên phù hợp với triệu chứng bị ngộ độc mà trong trường hợp này là ngộ độc bánh mì đã được cơ quan chuyên môn kết luận, có văn bản cụ thể.
Đại diện ủy quyền của nguyên đơn
Phần tranh luận, đại diện nguyên đơn cũng phản bác đối với bản tự khai của bị đơn cho rằng bị ngộ độc ngày 22-5, nhưng đến ngày 24-5 mới lấy mẫu xét nghiệm là không khách quan.
Đại diện bà Thuyên cho rằng, theo quy định của pháp luật, thì cơ sở sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm lưu mẫu ít nhất 24 giờ. Trong trường hợp cơ sở Minh Tuyến, nếu các mẫu lấy đi xét nghiệm không phải mẫu lưu của cơ sở thì sai quy định, còn nếu nói các mẫu ngày 24-5 là thực phẩm mới đưa về, khác mẫu ngày 22-5 thì cơ sở có gì chứng minh cho việc này không, hay thực tế mẫu ngày 24-5 cũng là mẫu từ ngày 22-5 còn lại, vì thực tế lấy gì chứng minh các loại thực phẩm tại cơ sở bán hết trong một ngày?
Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị đơn
Phát biểu tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Bến Tre cho rằng, tòa cần thu thập thêm các chứng cứ liên quan, trong đó có các mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm trước đó.
Theo dự kiến, trong buổi chiều cùng ngày, tòa sẽ tiếp tục xét xử vụ thứ 3 liên quan đến nguyên đơn Nguyễn Thị Thúy Linh, 25 tuổi, con gái bà Nguyễn Thị Kim Thuyên.
Ông Huỳnh Duy Nhân, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Bến Tre cũng quan tâm tham dự phiên tòa.
Khác với bà Thuyên, chị Linh chỉ yêu cầu bồi thường có 148.000 đồng. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, do bức xúc với thái độ vô trách nhiệm và thách thức của chủ cơ sở bánh mì Minh Tuyến, chị Linh quyết tâm kiện đến cùng để làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, do phần nghị án kéo dài và đến 8 giờ sáng ngày mai, 4-3 mới tuyên án nên vụ chị Linh phải hoãn lại.
Trước đó, theo hồ sơ, khoảng 16 giờ ngày 23-5-2013, bà Thuyên mua bánh mì tại cơ sở Minh Tuyến (P. Phú Khương, Tp. Bến Tre).
Sau khi bà Thuyên cùng con gái ăn mỗi người nửa ổ, đến khoảng 2 giờ ngày 24-5, hai mẹ con đều bị đau bụng, tiêu chảy, sốt. Đến 17 giờ ngày 24-5, hai mẹ con bà Thuyên được đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Quân y Bến Tre, đến ngày 28-5 mới xuất viện.