Mới đây, ngày 13-3, TAND huyện Châu Thành (Long An) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tú chín tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Vụ án phải trải qua ba phiên xử tòa mới kết án, còn bị cáo thì trước sau vẫn một mực kêu oan.
Cú té ngã của trưởng công an
Theo cáo trạng, chiều 27-2-2014, sau khi uống rượu, Tú và Nguyễn Thanh Bình đến khu trung tâm văn hóa thể dục thể thao cộng đồng xã Thuận Mỹ. Tại đây, Bình có hành vi la ó, chửi bới, đánh vào mặt một nhân viên hội chợ và đập phá vách tôn sân khấu hội chợ. Sau đó phó trưởng công an xã và lực lượng dân phòng đến nơi giải quyết vụ việc trên. Công an mời Bình về xã làm việc nhưng Bình không chấp hành.
khi anh Huỳnh Ngọc Thơ, Trưởng công an xã, tới nơi mời Bình về trụ sở công an làm việc Bình cũng không chấp hành. Cáo trạng cho rằng mặc dù biết đây là những người thi hành nhiệm vụ nhưng Tú đã đánh vào vai và mặt anh Thơ làm anh té ngã nhằm bênh vực cho Bình. Sau đó Tú bỏ chạy thì bị công an, dân phòng bắt giữ đưa về xã.
Cú té ngã không làm cho trưởng công an xã bị thương tật, vết tích gì nhưng Tú thì bị VKSND huyện Châu Thành truy tố tội chống người thi hành công vụ.
Tháng 12-2014, TAND huyện này mở phiên tòa sơ thẩm nhưng sau đó hoãn xử do công tố viên và luật sư yêu cầu triệu tập thêm các nhân chứng và làm rõ sự tham gia của những người liên quan.
“Hành vi bột phát để can ngăn”
Một tháng sau phiên tòa được xử lại.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo nêu: “khi anh Thơ, Trưởng công an xã, đến làm việc không giới thiệu tên, chức vụ và mặc thường phục là sai quy định. Khi đến làm việc có lời lẽ thiếu thiện cảm và có hành động đánh Bình nên Tú mới bức xúc và có hành vi bột phát đẩy anh Thơ ra để can ngăn, không có mục đích đánh anh Thơ. Bằng chứng là trước đó, phó trưởng công an và những người khác đến giải quyết Tú vẫn không có hành động gì”.
Đáp lại, công tố viên nói: “Việc anh Thơ có lời lẽ thiếu thiện cảm tôi sẽ có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn Tú đánh anh Thơ mục đích là không cho dẫn giải bạn về công an xã, để giải thoát cho bạn, không thể nói là hành động bột phát”.
Còn anh Thơ thì nói: “Tôi là trưởng công an xã, mặc dù đã phân công cho các đồng chí khác đến nhưng do không giải quyết được nên tôi phải trực tiếp đến giải quyết. Điều này là đúng quy định, không phải tôi phân nhiệm vụ xong là tôi hết nhiệm vụ”.
Cạnh đó, các nhân chứng và người liên quan khai có sự bất nhất so với hồ sơ. Từ đó, tòa quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ hành vi của anh Thơ với kẻ gây rối, Tú đánh anh Thơ nhằm mục đích gì.
Sau khi điều tra bổ sung thấy không có tình tiết gì mới, VKS gửi công văn cho tòa nói giữ nguyên quan điểm của cáo trạng. Cũng theo công văn này, VKS nói Tú đánh anh Thơ là nhằm bênh vực, ngăn cản không cho anh này bắt bạn mình. Đồng thời viện khẳng định không có việc anh Thơ đánh Bình mà chỉ dùng tay chỉ vào mặt và có lời lẽ thô tục. Một tay anh Thơ giữ lấy tay của Bình, một tay nắm lấy cổ áo nhằm khống chế đưa về xã chứ không có đánh. Bình khai bị đánh có ba người xung quanh thấy nhưng hai người không nhận, một người có căn cứ cho thấy không có ở hiện trường.
Có phải đang thi hành công vụ?
Tại tòa, luật sư cho rằng việc điều tra trên thật ra chưa làm sáng tỏ sự thật khách quan.
Luật sư phân tích: Theo lời khai của anh Thơ và những người làm chứng, lúc xảy ra vụ việc thì anh Thơ đã kết thúc nhiệm vụ của mình và cũng không nằm trong danh sách của ca trực vào ngày xảy ra vụ việc. Theo lời khai của anh Thơ, khi anh đến trực tiếp mời Bình về xã làm việc cũng không giới thiệu mình là người đang thi hành công vụ, không mặc đồ cảnh phục của ngành, không mang phù hiệu, thẻ công an. Điều này không đúng quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân trong khi thi hành công vụ. (Trong khi những người nhận nhiệm vụ được giao đều mặc trang phục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình và Tú không hề chống đối.)
Ngoài ra, luật sư cho rằng khi làm việc với Bình, anh Thơ đã có những hành vi vi phạm khác. Anh đã dùng những lời lẽ ứng xử thiếu văn hóa, dùng từ ngữ “mày, tao” với Bình, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Nghị định 208/2013... Anh Thơ đã lạm dụng quyền hạn để đánh, trấn áp Bình, trong khi Bình không có hành vi chống trả mà chỉ đang ngồi, trên tay không có vũ khí hay hung khí.
Từ những phân tích trên, luật sư cho rằng người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật và bị xâm hại thì người có hành vi xâm hại không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Từ đó, luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, tòa vẫn đồng tình với viện, bác quan điểm của luật sư và tuyên phạt mức án như trên.
Sau phiên xử, bị cáo Tú (đang bị tạm giam) cho biết sẽ kháng cáo kêu oan.
Thi hành công vụ phải đúng luật Dù với mục đích nào thì những người đại diện cho các cơ quan công quyền cũng đều phải làm đúng pháp luật. Khi thi hành công vụ, họ buộc phải mặc sắc phục để người dân dễ dàng phân biệt với những người bình thường khác. Sắc phục là điều kiện để họ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao và người dân có nghĩa vụ tuân thủ, chấp hành. Ngược lại, nếu mặc thường phục thì họ không được phép thực hiện các hành vi quyền lực của mình. Như trong trường hợp này, trưởng công an mặc thường phục không được quyền xử lý hành vi của đối tượng gây rối. Ngay cả những công an khi thi hành công vụ được phép mặc thường vụ thì khi bắt giữ hay khống chế đối tượng cũng phải xưng danh, giới thiệu chức danh để làm nhiệm vụ của mình. Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Luật sư NGUYỄN SA LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM Không cấu thành tội chống người thi hành công vụ Điều kiện bắt buộc quy định khi thi hành công vụ theo Điều 11 Nghị định 208/2013 là: “Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Trong vụ này, trưởng công an xã không mặc đúng trang phục quy định, đã hết thời gian trực tại địa điểm được phân công, lúc đó không còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, ông Thơ không phải là người đang thực hiện công vụ đúng luật. Do đó hành vi xô xát của bị cáo Tú không cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM |