Có nên ghi nhận ‘quyền im lặng’ của luật sư?
Thứ sáu,, 18-09-2015 , 06:30:00 AM
Bị can, bị cáo tin luật sư nên mới kể bí mật của mình để luật sư “biết đường” mà bào chữa, nếu buộc luật sư phải tố giác thì ai còn dám mời luật sư nữa.
- Quyền im lặng là để bảo vệ người vô tội
- Năm lý do để áp dụng quyền im lặng
- Tòa, viện vòi tiền, ngăn bị cáo mời luật sư
- Quy định chưa rõ, luật sư e ngại
- Vụ kiện 55,5 triệu USD, góc nhìn của một luật sư
- Bị cáo, luật sư được thu thập chứng cứ?
LTS: Xung quanh dự thảo BLHS (sửa đổi) ghi nhận quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ, chúng tôi nhận được nhiều quan điểm trái chiều. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu những ý kiến này.
Trên số báo ngày 15-9, Pháp Luật TP.HCM đã đặt vấn đề “Luật sư (LS) không phải tố giác thân chủ” bàn về vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự của LS trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ. Khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định: Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là nội dung tiến bộ, dự thảo BLHS (sửa đổi) cần ghi nhận nhưng cũng có quan điểm cho rằng LS cũng là công dân, mà công dân thì phải có nghĩa vụ tố giác tội phạm… Dưới đây là những ý kiến về vấn đề mới mẻ này.
Luật sư là chỗ dựa đáng tin cậy của bị can, bị cáo; nếu buộc luật sư tố giác họ thì họ làm sao dám nhờ luật sư nữa. Ảnh minh họa: HTD
Dù bị tội tôi cũng không “hé răng”
Cách đây không lâu, có một khách hàng đang bị lệnh truy nã đến văn phòng của tôi để tư vấn pháp lý về vụ việc liên quan đến họ. Hôm đó tôi cũng… khó xử. Nhưng cuối cùng tôi đã chọn phương án theo quy định này. Sau khi tư vấn, tôi đã khuyên anh ta ra công an đầu thú về hành vi phạm tội trước đó để được khoan hồng. Tôi đã không chọn cách báo cho công an vì nghĩ phải tôn trọng khách hàng, họ tìm đến LS với niềm tin tuyệt đối để nhờ cậy pháp lý.
Tôi cho rằng nguyên tắc của LS khi hành nghề là phải giữ bí mật đời tư cho khách hàng. Đề xuất trong dự thảo là một ý kiến tiến bộ và theo xu thế phát triển chung của thế giới. Chẳng hạn ở Mỹ cũng có quy định LS phải giữ bí mật đời tư của khách hàng. Theo tôi, đây là một trách nhiệm và đã là trách nhiệm thì không thể làm khác được. Nếu trong quá trình bảo vệ cho thân chủ mà phát hiện tội phạm khác thì LS nên chọn cách im lặng. Nếu sau đó bị phát hiện và LS bị quy tội không tố giác tội phạm thì chúng tôi cũng xem đây là một tai nạn nghề nghiệp chứ nhất định không “hé răng” với người thứ ba. Việc miễn trừ này sẽ giảm được gánh nặng cho giới LS khi hành nghề.
LS HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn LS TP.HCM
KHÔNG ỦNG HỘ Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp: Như vậy là bao che tội phạm! LS không được bao che tội phạm. LS không thể cố tình bào chữa cho một người từ có tội thành không có tội khi mà biết chắc họ có tội. LS là người rất am hiểu về pháp luật, phải bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, giờ biết người có tội không đưa ra ánh sáng mà lại cố tình dùng kiến thức về pháp luật để bao che cho người phạm tội thì đúng là quá nguy hiểm. Theo tôi, trong trường hợp đó LS phải từ chối bào chữa là đúng nhất, đồng thời phải hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan bảo vệ pháp luật biết để xử lý tội phạm. Nơi tiếp nhận thông tin tố cáo ấy phải giữ bí mật thông tin, bảo vệ nguồn thông tin không được để lộ ra. Vì nếu không làm thế, LS mà tố cáo thân chủ của mình mai mốt ai dám nhờ nữa. Nhưng trong thực tế thì… khó lắm, LS chỉ cần từ chối bào chữa là được rồi vì khi họ biết có phạm tội và phải có chứng cứ chứng minh LS mới đi tố cáo được, còn nghi ngờ thôi thì chưa đủ căn cứ. Còn trong quá trình tiếp xúc, LS có những tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị can, bị cáo phạm tội mà LS không đi tố giác mới đáng để nói. Chứ một lần có tội mà được tha thì sẽ xem thường pháp luật ngay lập tức, sau đó lại phạm tội thì nguy hiểm hơn. TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM): Phải cân phân giữa lợi ích xã hội và đạo đức nghề nghiệp Tôi không đồng ý với quy định tại khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS (sửa đổi). Thứ nhất, về bản chất, vấn đề ở đây là sự xung đột giữa đạo đức nghề nghiệp với việc bảo vệ xã hội. Trường hợp loại trừ tội phạm như dự thảo BLHS tại khoản 3 Điều 19 BLHS chỉ hợp lý nếu việc bảo vệ đạo đức nghề nghiệp luôn quan trọng hơn bảo vệ xã hội. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng không phải mọi trường hợp đạo đức nghề nghiệp cũng quan trọng hơn trật tự xã hội. Đối với tội phạm có tính nguy hiểm cao như các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì lợi ích xã hội cần bảo vệ hơn đối với đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, hành vi không tố giác trong trường hợp này có tính nguy hiểm và cần quy định là tội phạm. Thứ hai, nếu so sánh giữa khoản 2 với khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS (sửa đổi) thì theo tôi đạo đức gia đình (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội) quan trọng hơn so với đạo đức nghề nghiệp. Ấy thế nhưng những người thân của bị can, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 dự thảo BLHS (sửa đổi). Do đó việc loại trừ trách nhiệm hình sự cho người bào chữa là không đảm bảo công bằng giữa các trường hợp không tố giác ở khoản 2 và khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS. Thứ ba, không phải vì việc bào chữa mà LS bỏ đi trách nhiệm bảo vệ xã hội của mình. Xã hội sẽ nghĩ LS nhận tiền bào chữa của thân chủ thì anh ta sẽ bào chữa bằng mọi giá, bất chấp trách nhiệm xã hội của mình. Đối với người lao động trí thức như LS thì điều đó có lẽ là một điều đáng xấu hổ. NÊN GHI NHẬN LS TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên BCH Liên đoàn LS Việt Nam: Quy định tiến bộ, cần ghi nhận Tôi rất ủng hộ việc dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định loại trừ trách nhiệm hình sự của LS trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ khi tham gia vụ án hình sự. Dĩ nhiên, đây được hiểu là không tố giác tội phạm mà người được bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện. Nó phù hợp với thông lệ và nguyên tắc hoạt động mang tính phổ quát của LS trên toàn thế giới. Trong trường hợp có xung đột về lợi ích thì LS không được bỏ thân chủ của mình và cũng không nên tố giác. Bởi người bị buộc tội vốn là bên yếu thế, họ bị hạn chế quyền nhưng quyền riêng tư thì không thể xâm phạm, đặc biệt là với tư cách người đang bảo vệ cho họ. Có người cho rằng nếu không tố giác là trốn tránh nghĩa vụ công dân nhưng tôi cho rằng người bào chữa là công dân, không phải tất cả công dân đều có nghĩa vụ tố giác tội phạm như nhau. LS ngoài quy định của pháp luật thì họ còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp nữa. Dự thảo cũng quy định nếu người được bào chữa đang chuẩn bị thực hiện tội phạm mà LS biết rõ nhưng không tố giác thì không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Tôi nghĩ đây cũng là một quy định tiến bộ, phù hợp vì đây là hành vi tiếp tay cho tội phạm. Trường hợp này tôi nghĩ LS vẫn có cách xử lý hợp lý là nên rút khỏi vụ án bằng cách chấm dứt hợp đồng với thân chủ nếu vận động, thuyết phục họ không thành. Sau khi rút khỏi tư cách là người bảo vệ cho họ thì LS có thể tố giác với tư cách là công dân. LS NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An: Luật sư phải giữ bí mật cho khách hàng Nghề LS là một nghề đặc thù, LS không giống như người bình thường. LS phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin, bí mật của khách hàng. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn với hành vi đe dọa có nguy cơ tiếp diễn, chẳng hạn như khủng bố nên có một cơ chế riêng hoặc với lương tâm và trách nhiệm của một LS thì LS nên báo với các cơ quan pháp luật. Còn nếu quy định trong những trường hợp cụ thể như tội đặc biệt nghiêm trọng, LS phải tố giác thì cũng rất khó cho LS. Vì lúc đó LS cũng chưa đánh giá đủ thông tin, mức độ nguy hiểm tới đâu. Vì vậy nên miễn trách nhiệm cho LS khi hành nghề, không nên đặt vấn đề trách nhiệm hình sự ra ở đây. Tôi nghĩ đây là một quy định tốt. LS BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn LS TP.HCM: Luật sư không có nghĩa vụ buộc tội Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của LS ở Việt Nam và các nước đều có nội dung là LS không được tiết lộ thông tin và làm lộ bí mật thông tin của thân chủ. Chúng ta đều biết nghề LS khá đặc thù, ngoài chuyên môn người ta còn đánh giá cao vấn đề đạo đức nghề nghiệp, trong đó có việc ứng xử phù hợp với thân chủ. Do đó, không nên đặt thêm gánh nặng trách nhiệm tố giác tội phạm cho người bào chữa khi phát hiện thân chủ mình đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện tội phạm. Trong khi nghĩa vụ của LS là gỡ tội, giảm nhẹ tội cho thân chủ chứ không phải buộc tội, làm xấu đi tình trạng của họ. Thử hỏi nếu LS buộc phải tố giác thì có ai còn muốn nhờ LS bào chữa cho mình nữa. Pháp luật một số nước cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự LS trong trường hợp này. |
Các tác giả NGÂN NGA - T.TÙNG - N.HIỀN (Nguồn:PLO)
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê