Mới đây, Công ty TNHH TM DV Đình Thẩm đã kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận 3 (TP.HCM) về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Trước đó, TAND quận 3 đã chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty Đình Thẩm (nguyên đơn), buộc Công ty PL (bị đơn) phải thanh toán cho Công ty Đình Thẩm 390 triệu đồng tiền mua ô tô còn thiếu. Tòa cũng chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty ĐAC (bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), buộc Công ty Đình Thẩm phải giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc đăng ký ô tô cho Công ty ĐAC. Trong trường hợp Công ty Đình Thẩm không giao hồ sơ đăng ký xe thì Công ty ĐAC có quyền liên hệ cơ quan chức năng để thực hiện quyền đăng ký.
Đặt cọc, nhận xe rồi đem bán
Theo hồ sơ, tháng 3-2014, Công ty Đình Thẩm ký hợp đồng bán cho Công ty PL một chiếc ô tô tải mới có tải trọng 2,5 tấn, hiệu Veam với giá 440 triệu đồng. Công ty PL đặt cọc trước 50 triệu đồng để nhận xe và sau 15 ngày Công ty PL phải thanh toán hết số tiền để nhận hồ sơ kèm theo xe.
Sau khi nhận xe, Công ty PL đã không thanh toán số tiền còn lại như thỏa thuận, cũng không trả lại xe. Sau đó, phía Công ty Đình Thẩm phát hiện chiếc xe này đang nằm trong kho của Công ty ĐAC. Do vậy, Công ty Đình Thẩm đã khởi kiện yêu cầu TAND quận 3 (nơi Công ty PL có trụ sở) buộc Công ty PL phải thanh toán 390 triệu đồng còn lại. Nếu như Công ty PL không có khả năng thanh toán thì phải hoàn trả chiếc xe cho Công ty Đình Thẩm.
Ông Trần Đình Thẩm, đại diện Công ty Đình Thẩm, cho rằng bản án sơ thẩm công nhận giao dịch giữa Công ty PL và Công ty ĐAC là sai quy định. Ảnh: Đ.TRÍ
Phía Công ty PL thì cho rằng do hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn nên chưa thanh toán cho Công ty Đình Thẩm được và vắng mặt trong quá trình xét xử.
Trong khi đó, phía Công ty ĐAC cho biết từ tháng 2-2014 đã ký hợp đồng với Công ty PL để mua một chiếc xe tải mới 100% do Nhà máy Veam sản xuất với giá 440 triệu đồng. Sau nhiều lần phía Công ty ĐAC chuyển tiền, tháng 3-2014, phía Công ty PL đã tiến hành bàn giao xe nhưng lại không có hồ sơ đăng ký kèm theo mặc dù đã hứa hẹn nhiều lần. Việc mua bán giữa Công ty PL với Công ty ĐAC là hợp pháp nên Công ty ĐAC đã yêu cầu tòa buộc Công ty PL phải giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến chiếc xe cho mình.
Chưa phải chủ sở hữu vẫn được bán xe?
Xử sơ thẩm, TAND quận 3 cho rằng hợp đồng mua bán xe ô tô giữa Công ty PL và Công ty ĐAC được ký trước khi Công ty PL ký hợp đồng mua bán với Công ty Đình Thẩm. Sau khi ký hợp đồng, Công ty ĐAC đã thanh toán đủ số tiền mua xe và Công ty PL cũng đã tiến hành bàn giao xe cho Công ty ĐAC. Như vậy về cơ bản việc mua bán hàng hóa giữa Công ty PL với Công ty ĐAC đã hoàn thành. Để có ô tô giao cho Công ty ĐAC, Công ty PL đã ký hợp đồng mua bán xe với Công ty Đình Thẩm. Việc Công ty ĐAC nhận chiếc xe tải trên là hoàn toàn ngay tình, việc mua bán trên là hợp pháp. Từ đó, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đình Thẩm là được nhận lại xe nếu Công ty PL không có khả năng thanh toán. Đồng thời, tòa xét yêu cầu độc lập của Công ty ĐAC là có căn cứ nên được chấp nhận, buộc Công ty Đình Thẩm phải bàn giao toàn bộ hồ sơ đăng ký xe liên quan.
Sau phiên xử này, Công ty Đình Thẩm đã kháng cáo. Theo đại diện công ty, việc tòa buộc công ty phải giao hồ sơ đăng ký xe liên quan cho Công ty ĐAC là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty. Ở đây, Công ty PL chỉ mới đặt cọc để mua xe nên không có quyền bán lại chiếc xe này cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Mặt khác, ô tô là tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Công ty PL chỉ được bán lại cho người khác sau khi đã thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu. Như vậy, việc tòa công nhận hợp đồng mua bán giữa Công ty PL với Công ty ĐAC khi Công ty PL chưa phải là chủ sở hữu xe, không có bộ hồ sơ liên quan là không đúng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Hai nội dung tòa xử chưa đúng Qua nội dung báo phản ánh, theo tôi bản án sơ thẩm có hai nội dung chưa đúng quy định của pháp luật. Thứ nhất, Công ty Đình Thẩm ký hợp đồng mua bán xe với Công ty PL chứ không ký hợp đồng với Công ty ĐAC. Do vậy giữa Công ty Đình Thẩm với Công ty ĐAC không phát sinh quan hệ tranh chấp. Mặt khác, phía Công ty ĐAC có yêu cầu độc lập đề nghị tòa buộc Công ty PL phải giao hồ sơ đăng ký xe liên quan. Do vậy, việc tòa buộc Công ty Đình Thẩm phải giao hồ sơ đăng ký của chiếc xe cho Công ty ĐAC là vượt quá giới hạn xét xử. Thứ hai, ô tô là tài sản bắt buộc đăng ký quyền sở hữu theo quy định tại Thông tư số 01 ngày 2-1-2007 của Bộ Công an. Để xác lập quyền sở hữu bắt buộc người mua xe phải có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu. Đồng thời, khoản 2 Điều 439 BLDS quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu thì “đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”. Như vậy, Công ty PL chỉ được bán chiếc ô tô khi đã thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu. Trong vụ việc này, việc Công ty PL bán xe cho Công ty ĐAC trong khi chưa thực hiện đăng ký quyền sở hữu xe là giao dịch trái quy định của pháp luật và phải bị tuyên vô hiệu. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |