Thứ hai, 13-01-2014 , 02:47:00 AM


Tổ chức nước ngoài được sở hữu tối đa 15% Vốn điều lệ của các ngân hàng, TCTD Việt Nam

Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 03/01/2014, quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.
Cụ thể, tỷ lệ sở hữu cổ phần của 01 nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% và nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của 01 TCTD Việt Nam (riêng tổ chức nước ngoài là 01 nhà đầu tư chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ của 01 TCTD Việt Nam)…
Trong trường hợp tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện như: Được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên; việc mua cổ phần không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống TCTD Việt Nam; không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán trong 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần và đặc biệt, có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ USD đối với tổ chức nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 01 tỷ USD đối với các tổ chức khác…
Nghị định cũng chỉ rõ, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của 01 TCTD Việt Nam không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 03 năm kể từ thời điểm sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của TCTD đó.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2014 và thay thế Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/04/2007
 
Giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xuống 5%/năm

Ngày 02/01/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013.
Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 theo quy định của pháp luật và các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ giảm xuống còn 5%/năm. Trước đó, mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm.
Cá nhân, tổ chức được hỗ trợ vay vốn phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như: Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư; có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay... (đối với khách hàng cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2); có cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội; có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 07/01/2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội... (đối với doanh nghiệp).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
Nguyên tắc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đối với dự án dầu khí

Theo Thông tư số 36/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quy định về việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án dầu khí theo các quy định của pháp luật hiện hành phải đăng ký việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài với NHNN (Vụ Quản lý Ngoại hối) và được NHNN xác nhận việc đăng ký bằng văn bản trước khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Việc chuyển ngoại tệ này phải được thực hiện thông qua 01 tài khoản ngoại tệ mở tại 01 tổ chức tín dụng được phép.
Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm sử dụng số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo đúng mục đích đã đăng ký với NHNN, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, quy định về quản lý ngoại hối và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Đồng thời, định kỳ hàng quý (chậm nhất vào ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo ngay sau quý báo cáo), phải có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài cho từng dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư gửi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư là tổ chức có trụ sở chính, nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú. Trường hợp chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải có văn bản báo cáo tình hình chuyển ngoại tệ ra nước ngoài gửi NHNN kèm chứng từ giao dịch của tổ chức tín dụng được phép trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi hoàn tất giao dịch.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2014.
 
Các trường hợp không thanh toán bằng tiền mặt

Ngày 31/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt, trong đó, nổi bật là quy định về các trường hợp không được thanh toán bằng tiền mặt.
Cụ thể, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước; tổ chức, cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán hoặc trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán.
Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp; các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cũng không được sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Cũng theo Nghị định này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về kế hoạch rút tiền mặt và việc khách hàng thông báo trước khi rút tiền mặt với số lượng lớn. Các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước phải thực hiện việc đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính.
Nghị định này thay thế Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2014.
 
Quy định về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài
Ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 38/2013/TT-NHNN quy định về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán, cách viết chữ số trên chứng từ kế toán và lưu trữ chứng từ điện tử tại NHNN Việt Nam.
Thông tư quy định, các chứng từ kế toán phát sinh ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, ghi bằng tiếng nước ngoài phải được dịch toàn bộ nội dung ra tiếng Việt. Riêng đối với các chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài phát sinh nhiều lần và có nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính giống nhau, phải dịch sang tiếng Việt đối với bản chứng từ đầu hoặc mẫu chứng từ (nếu có), từ bản sau trở đi thì chỉ bắt buộc dịch sang tiếng Việt các nội dung chủ yếu của chứng từ theo quy định của Luật Kế toán về nội dung chứng từ. Trong đó, trang đầu tiên của bản dịch phải được ghi rõ chữ “BẢN DỊCH” vào chỗ trống phía trên bên phải; nếu bản dịch có từ 02 trang trở lên thì phải đánh số trang theo thứ tự. Bản dịch chứng từ ra tiếng Việt phải đính kèm với bản gốc chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài và được đóng dấu giáp lai giữa các tờ của cả bản dịch và bản gốc.
Đơn vị thuộc NHNN có thể tự dịch hoặc thuê tổ chức, cá nhân dịch chứng từ. Thủ trưởng đơn vị thuộc NHNN chịu trách nhiệm về tính chính xác giữa bản dịch và chứng từ gốc. Trường hợp thuê dịch, đơn vị thuộc NHNN phải xây dựng quy chế quy định về việc dịch chứng từ, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dịch chứng từ, mức thù lao dịch thuật theo cơ chế tài chính của NHNN và trình Thống đốc NHNN xem xét, ban hành trước khi thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014.
 
Cung cấp thiếu thông tin chứng khoán, phạt đến 150 triệu đồng
 
Phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng đối với công ty chứng khoán cố ý cung cấp cho khách hàng, nhà đầu tư thông tin hoặc đưa ra những nhận định, tư vấn, khuyến cáo không chính xác, không đầy đủ, không có căn cứ, che giấu sự thật về giá của 01 hoặc nhiều loại chứng khoán khiến khách hàng, nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán và có quyết định không đúng trong đầu tư là nội dung quy định tại Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, tổ chức có hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán có thông tin cố ý làm sai sự thật, che giấu sự thật, sai lệch nghiêm trọng hoặc lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán trong trường hợp Sở Giao dịch chứng khoán đã chấp thuận niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán cho tổ chức vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán trong thời hạn từ 01 - 03 tháng.
Đối với tổ chức đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng thực hiện chào bán chứng khoán khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xem xét và chưa cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng cho tổ chức đó, mức phạt tiền bằng 01 - 05 lần khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp đã áp dụng mức phạt tối đa bằng 05 lần khoản thu trái pháp luật nhưng vẫn thấp hơn mức phạt tiền tối đa 400 triệu đồng theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP thì mức tiền phạt được áp dụng là 400 triệu đồng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2014.
 
Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ, phải đóng góp phí PCCC

Theo Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/05/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có trách nhiệm đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 30/06 và ngày 31/12 hàng năm, DN bảo hiểm có trách nhiệm chuyển số tiền đóng góp kinh phí hoạt động PCCC vào tài khoản của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương; báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và số tiền trích nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật về Bộ Tài chính.
Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói có bao gồm cả bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì DN bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bằng phụ lục đính kèm hợp đồng và phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, DN bảo hiểm có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí phải đóng góp cho các hoạt động PCCC; đối chiếu số liệu đã nộp với số liệu trong báo cáo quyết toán, nếu số đã nộp lớn hơn số phải nộp thì số nộp thừa được để lại để tính cho số nộp của năm sau; nếu số đã nộp thấp hơn số phải nộp thì DN bảo hiểm có trách nhiệm nộp bổ sung đủ số còn thiếu trong vòng 05 ngày làm việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2014.


Luatsuadong.vn tổng hợp

**************************************

"Công ty Luật Á ĐôngDịch vụ thành lập công ty, thành lập doanh nghiệpthay đổi đăng ký kinh doanh,  đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, giải quyết tranh chấp , hợp đồng và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 0984924886".

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê