Thứ hai, 03-03-2014 , 09:30:00 PM

Những ngày gần đây, báo chí nói nhiều về ngôi nhà được cho là đồ sộ tại xã Sơn Đông, tỉnh Bến Tre của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Một bài báo gây “bão”

 

Theo nội dung mô tả của một bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng…
Bài báo cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng…

 

Ông Truyền nói gì?

Lý giải về khối tài sản của mình đang khiến dư luận băn khoăn, ông Trần Văn Truyền nói với Tri thức trẻ: “Thứ nhất, thông tin về căn "biệt thự" thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi”. Cũng theo ông Truyền, đồ đạc trong nhà là do ông tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì ông mang đồ đạc đến. “Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng”, ông Truyền nói tiếp.

Theo vị cựu Tổng Thanh tra Chính phủ này, diện tích đất nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, tôi mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì tôi không hiểu lấy ở đâu ra?”- ông Truyền nói.

Trên báo chí, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng lên tiếng xác nhận miếng đất rộng 1 hecta đó đã được con trai của ông Truyền mua từ lâu. “Hồi đó con ông Truyền mua là đất ao, đầm. Sau đó, ông Truyền về mới cải tạo lại để trồng chuối và cọ dầu”, ông Trọng khẳng định.

Lý giải về tiền để xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Truyền  cho hay trên Tri thức trẻ: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.

Trong khi đó, trả lời báo chí khi được hỏi về thông tin ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết căn hộ này ông Truyền đã trả lại tỉnh và hiện nay tỉnh đang cho Trung tâm thẩm định giá miền Nam thuê. Ông Trọng cũng cho hay ông đã từng vào ngôi nhà của ông Truyền ở xã Sơn Đông và thấy đồ đạc trong nhà cũng bình thường và “đâu có chiếc giường quý nào như phản ánh đâu”.

Bảo vệ mình bằng sự minh bạch

Theo SGTT ngày 26-2, dinh thự trông khá bắt mắt của ông Truyền được đưa lên nhưng không có thông tin gì nói về thời gian ông đương chức có việc gì khuất tất, tiêu cực để có thể nói, cái dinh thự này là kết quả của cái kia… nên thực sự, nó vẫn thiếu cái gì đó thuyết phục, khiến những người cẩn thận đôi chút cũng phải cân nhắc khi bình luận.


Căn nhà của ông Trần Văn Truyền tại xã Sơn Đông, tỉnh Bến Tre. 
Ảnh từ internet.

 

Tuy nhiên, theo SGTT, dù có thể thông tin về giá trị, diện tích… khu dinh thự có phần chưa chuẩn xác nhưng việc tồn tại của nó khiến dư luận không phải không có lý khi thắc mắc một cựu lãnh đạo một cơ quan bảo vệ pháp luật quan trọng lại có một dinh thự tương đối lớn như vậy. Đến nay, cho dù ông Truyền có giải thích nguồn gốc, kinh phí xây dựng ngôi nhà, thì những thông tin đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

Do đó, SGTT cho rằng nếu như ông Trần Văn Truyền thực sự muốn làm minh bạch, rõ ràng vấn đề tài sản của mình với dư luận, ông có thể mời cơ quan chức năng, mời báo chí, một tổ chức dân sự độc lập đến kiểm chứng, làm rõ diện tích, giá trị tài sản dinh thự và các tài sản khác ông đang sử dụng...

Những khoảng trống pháp luật

Cũng theo SGTT, ở một số nước, với những quan chức Chính phủ, người lãnh đạo trong cơ quan bảo vệ pháp luật, quy định pháp luật khá cụ thể, rõ ràng nhằm minh bạch, công khai tài sản của người đó và đó là một giải pháp chống tham nhũng, rửa tiền khá hiệu quả. Chẳng hạn, theo các quy định luật về phòng, chống tham nhũng của Pháp, nếu một cán bộ không thể giải thích đầy đủ nguồn gốc tài sản thì tài sản đó có thể bị tịch thu.

Còn ở Việt Nam, pháp luật hiện hành chưa quy định về kê khai, công khai tài sản của cán bộ do Trung ương quản lý nhưng đã nghỉ hưu. Đây là một kẽ hở mà thực tế, đã có nhiều ví dụ cho thấy, cán bộ, quan chức cao cấp, sau khi nghỉ hưu mới mua sắm xe hơi đắt tiền, biệt thự… để tránh việc quản lý về kê khai, công khai tài sản hiện hành và cũng để tránh điều tiếng khi còn đương chức.

Đáng lưu ý, theo tìm hiểu của PV, pháp luật về kê khai, công khai tài sản của Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản với khối tài sản tăng thêm (tài sản là bất động sản hoặc tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) chứ không quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc với toàn bộ khối tài sản. Quy định về giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm này cũng chỉ mới được thực hiện từ năm 2013. Ngoài ra, ngay cả trường hợp phát hiện kê khai, giải trình không trung thực hoặc không kê khai thì cán bộ liên quan cũng chỉ chịu các hình thức kỷ luật tương ứng với mức cao nhất là bị cách chức. Riêng khối tài sản bất minh (không giải trình được nguồn gốc) thì chưa có văn bản quy định nào đề cập đến việc xử lý. Cũng không có quy định nào về việc phải xem các vụ việc tài sản bất minh ấy là dấu hiệu để điều tra hành vi tham nhũng của những người liên quan.

Rõ ràng, đây là những kẽ hở pháp luật mà Việt Nam cần phải tiến tới hoàn thiện để phù hợp với đòi hỏi từ yêu cầu chống quốc nạn tham nhũng.

Luật Á Đông theo PLO
 

*****************************************

"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp liên doanhthay đổi đăng ký kinh doanh,  đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, giải quyết tranh chấp, hợp đồng và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 0984924886".

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê