Vành móng ngựa vẫn rình rập các ông chủ địa ốc
Thứ ba, 25-03-2014 , 11:52:00 PM
Thị trường bất động sản đang nhận một hiệu ứng domino từ việc phát triển “nóng” trong thời gian qua, những ông chủ địa ốc lũ lượt “tra tay vào còng” đang để lại nhiều hệ lụy.
Ngược lại với sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản, những tháng đầu năm 2014 ghi nhận việc hàng loạt ông chủ công ty địa ốc sa vào vòng lao lý.
Việc các “sếp” công ty địa ốc tên tuổi liên tiếp bị bắt trong thời gian qua đã khiến cho không ít người tỏ ra bi quan khi nhìn nhận năm Giáp Ngọ không khéo sẽ là năm của “vành móng ngựa”.
Không những thế, dù mới chỉ hơn 2 tháng nhưng các vụ việc dường như đều có xu hướng vượt trội hơn cả về “lượng và “chất”so với năm 2013.
Liên tục dính chàm
Thị trường bất động sản mở màn năm mới với tin dữ khi “sếp” Công ty Địa ốc dầu khí (PVL) bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 22/1.
Theo đó, ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT PVL đã bị bắt giam vì có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên do là sau khi không còn giữ chức người đại diện phần vốn của PVC tại PVL từ 8/2013, ông Sáu đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu PVL. Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2013, thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, ông Sáu chỉ mua 21.500 cổ phiếu PVL/tổng số 5 triệu cổ phiếu đăng ký mua.
Trước đó, PVL (đã mua 141 căn hộ tại dự án) cũng bị hàng chục khách hàng mua căn hộ dự án Petro Vietnam Landmark (TP. HCM) tìm tới trụ sở công ty thậm chí ra cả Hà Nội để đòi nhà do đã chậm bàn giao 2 năm và thất hứa nhiều lần.
Chưa đầy một tháng sau (21/2), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) – Bộ Công An tiếp tục khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 2 bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan tới dự án Metropolian Vũng Tàu do Công ty CP Địa ốc An Khang làm chủ đầu tư.
Theo đó, C48 đã bắt tạm giam 4 tháng với bà Ngô Minh Phượng (55 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc An Khang để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong khi triển khai xây dựng dự án Meptropolitan Vũng Tàu.
Lãnh đạo công ty này đã chỉ đạo nhân viên huy động và sử dụng vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng mua đất tại dự án với số tiền lên đến 390 tỷ đồng.
Được biết, đến trước khi bị bắt, bà Ngô Minh Phượng vẫn được nhắc đến với cái mác “đại gia” địa ốc không chỉ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn có tiếng cả ở khu vực Đông Nam bộ.
Cùng thời điểm đó, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội ngày 24/2/2014 đã tuyên án với 5 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và nhiều tội danh khác đối với 5 bị cáo liên quan đến vụ việc lừa đảo tại của Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Hương Việt.
Theo đó, đã có 3 án chung thân và 2 mức án cao (từ 14 – 22 năm tù) lần lượt 5 bị cáo trực tiếp thực hiện việc mạo danh chủ đầu tư KĐT Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt mấy ngày gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm đến thông tin xung quanh việc ông Hồ Anh Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Định Công (chủ đầu tư dự án Sky Garden Towers, 115 Định Công, Hà Nội) vắng mặt bất thường.
Điều lạ ở đây là, dư luận không khỏi thắc mắc việc vị “sếp” địa ốc này đã “bỏ trốn” hay đang “lẩn trốn”. Đồng thời, hàng trăm khách hàng đã mua nhà tại dự án Sky Garden hiện đang lo lắng việc liệu lại thêm một vụ “ôm” trọn số tiền hàng trăm tỷ đồng của người mua nhà đóng góp và cao chạy xa bay.
Hiện dự án đã ngừng thi công gần 1 năm nay, cùng với nghi vấn tổng giám đốc bỏ trốn là sự hoang lạnh tại công trường dự án và nỗi lo lắng của hàng trăm người mua nhà bởi chưa thấy có dấu hiệu được khởi công trở lại.
Khó giải quyết trong ngắn hạn
Trao đổi với BizLIVE nhiều chuyên gia về bất động sản đều cho rằng vấn nạn tranh chấp trong giao dịch bất động sản vẫn sẽ còn tiếp diễn với những hệ lụy khó giải quyết được trong ngắn hạn.
Theo phân tích của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, có nhiều lý do khiến tranh chấp sẽ vẫn tiếp diễn cả khách quan lẫn chủ quan. Bởi vì, trong các giao dịch, chúng ta vẫn còn có rất nhiều hợp đồng được hình thành từ trước đây vài năm thậm chí xa hơn nhưng không đảm bảo tính chặt chẽ nên khiếu nại chắc chắn sẽ còn xuất hiện.
Thêm nữa, cũng theo ông Võ, các hợp đồng được hình thành trong giai đoạn thị trường sốt nóng do đó nhiều mục trong cả quyền lợi và nghĩa vụ đều được lập theo cách “dễ chấp nhận” giữa các bên. Do vậy, khi thị trường ảm đạm như hiện nay, những điều đó sẽ là căn nguyên dẫn đến khiếu kiện kéo dài và khó giải quyết.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cảnh báo: Việc các lãnh đạo công ty bất động sản liên tiếp bị bắt sẽ là hiệu ứng domino tiếp theo của thị trường. Nguyên nhân nằm ở chiến lược kinh doanh sai của doanh nghiệp và sự thiếu quản lý trong việc huy động vốn.
Ông Liêm phân tích thêm: Nhiều chủ đầu tư chỉ cần bỏ ít vốn để xin dự án còn việc thi công hoàn toàn dựa vào tiền huy động của người mua nhà dưới hình thức vốn góp. Tuy nhiên, hầu hết nguồn tiền này không được đầu tư vào xây dựng dự án mà lại được các ông lớn địa ốc đổ vào những “cuộc chơi” ngoài ngành hoặc cho vay lãi cao.
Hệ quả là hàng trăm dự án thi công rùa bò, doanh nghiệp bị cáo buộc “có dấu hiệu lừa đảo” và các “sếp” thì lần lượt tra tay vào còng.
Còn theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, rủi ro của thị trường bất động sản sẽ còn tiếp diễn, xung đột sẽ ngày càng gay gắt nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt khác, những con số thống kê gần đây cũng cho thấy, thị trường tuy có cải thiện được giao dịch nhưng chủ yếu vẫn chỉ ở phân khúc nhà ở giá thấp, căn hộ diện tích nhỏ.
Trong khi đó, hàng trăm dự án căn hộ trung và cao cấp với căn hộ diện tích lớn, giá bán cao trên 20 triệu đồng/m2 vẫn ì ạch khởi công, thậm chí tạm dừng hoặc bỏ hoang hóa nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân.
Một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng trình Chính phủ nêu rõ, hiện đã có tới gần 300 dự án phải tạm dừng vì các chủ đầu tư “đói vốn” để tiếp tục đầu tư.
Không ít những dự báo lạc quan về dòng vốn sẽ đổ vào thị trường bất động sản trong năm 2014 nhưng trên thực tế mới chỉ ở dạng tiềm năng, dự báo trong dài hạn.
Do vậy, trong ngắn hạn, chắc chắn hiệu ứng domino về hỗn loạn tranh chấp bất động sản sẽ vẫn tiếp tục và hiểm họa “vành móng ngựa” sẽ vẫn rình rập các sếp lớn công ty địa ốc.
Luật Á Đông theo BIZLIVE
*****************************************
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111".
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê