Ông Trần Xuân Giá khuyên con đừng làm chính trị
Chủ nhật, 20-04-2014 , 10:57:00 AM
Hai mươi tháng bị khởi tố, ông Giá cho hay bị triệu tập tổng cộng 13 lần, không lần nào dưới ba tiếng, có lần kéo dài gần cả ngày, có lần “5 tiếng liền ngồi một chỗ”.
Không quá khi nói rằng phiên tòa xử “bầu Kiên” sẽ là một phiên tòa lịch sử.
Ngoài quy mô một đại án kinh tế, phiên tòa là nơi mà, lần đầu tiên, một chính khách từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị gọi ra tòa vì những “sai phạm” kinh tế tại một doanh nghiệp cụ thể…
Lược sử một chữ ký “sai phạm”
Ông Trần Xuân Giá rời ghế Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2002, nhưng năm 2006 mới là thời điểm chính thức “rời khỏi hệ thống” với quyết định giải thể Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nơi ông là Trưởng ban.
Ít tháng sau, ông trở thành cố vấn cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) trước khi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này vào năm 2008.
Sau này, trong một bài viết in trong ấn phẩm kỷ niệm 15 năm thành lập ACB, ông đã lý giải việc đầu quân cho ACB: “Thực sự mình có nhu cầu làm việc, không phải vì thu nhập bởi ngoài lương hưu, nếu thiếu con mình đủ sức đảm bảo cuộc sống cho hai vợ chồng già. Trong khi đó, nhiều nơi lại cần mình. Vậy thì tại sao không?”.
ACB đã trả cho ông thu nhập tốt, thậm chí “khi làm tốt còn được thưởng rất tốt”, như sau này ông thừa nhận. Nhưng, ở vai trò một Chủ tịch Hội đồng Quản trị không phải cổ đông, ban lãnh đạo ACB cần ở ông uy tín, tầm ảnh hưởng sâu rộng và khả năng quản lý, hơn là sự tinh thông nghiệp vụ ngân hàng. Mặt khác, ít nhiều ông Giá đã tạo ra một hình ảnh tươi mới về một quan chức về hưu, thay vì yên tâm dưỡng già với ít nhiều “đặc lợi”, lại quyết định “tung tăng” giữa thương trường.
Từng đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 với tinh thần “doanh nghiệp và người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”, ông Giá tự tin rằng việc ký tên vào Nghị quyết Hội đồng Quản trị ACB vào ngày 22/3/2010, theo đó ủy thác cho 19 nhân viên ACB đi “gửi tiết kiệm” cũng là “được phép”, điều mà cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân sau này coi là “không được phép”.
Trong khi ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố với nhiều tội danh, ông Trần Xuân Giá chỉ bị truy tố tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, căn cứ chính là chữ ký của ông vào bản nghị quyết Hội đồng Quản trị đã nói ở trên. Quyết định truy tố được công bố cuối tháng 9/2012, gây chấn động dư luận lúc đó.
Hai vế của tội danh, gồm “cố ý làm trái” và “gây hậu quả nghiêm trọng”, chắc chắn sẽ là nội dung tranh tụng đáng chú ý nhất tại phiên tòa sắp tới, xét trong phạm vi xét xử cá nhân ông Trần Xuân Giá.
Hai mươi tháng bị khởi tố, ông Giá cho hay bị triệu tập tổng cộng 13 lần, không lần nào dưới ba tiếng, có lần kéo dài gần cả ngày, có lần “5 tiếng liền ngồi một chỗ”. Vị quan chức từng ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư thừa nhận, chưa bao giờ trong suốt cuộc đời, “cường độ làm việc” lại căng thẳng như vậy.
Căng thẳng nhất chính là thời điểm cuối năm 2012, chỉ mấy tháng sau khi bị khởi tố…
Một số nhà báo tìm gặp ông trước phiên tòa, hoặc để tác nghiệp, hoặc đơn giản chỉ là để hỏi thăm. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và tình cờ giữa ông Trần Xuân Giá với một số nhà báo, đem lại khá nhiều cảm xúc cho cả hai bên.
Vị quan chức khả kính ngày nào không còn nhiều vẻ hùng biện và sắc sảo như khi còn ngồi ghế Bộ trưởng hay những lần xuất hiện trước Quốc hội.
Câu chuyện của ông, chậm rãi và đôi khi chùng xuống mỗi lần nhắc đến những cái tên, những người quen cũ…
“Tôi định hướng các cháu ba điều không”
Lịch sử tư pháp rồi đây sẽ ghi nhận phiên tòa xử “bầu Kiên” như một phiên tòa đặc biệt, ít nhất là trên phương diện hồ sơ. Nguồn tin của VnEconomy cho hay, trước ngày mở tòa, hồ sơ vụ án đã lên đến gần 30 ngàn trang.
Gần đây, một số luật sư cũng lên tiếng xin hoãn phiên tòa vì vụ án liên quan là vụ Huỳnh Thị Huyền Như vẫn đang trong giai đoạn chờ xử phúc thẩm, và do đó, chưa đủ căn cứ để xét xử vụ “bầu Kiên”.
Bản án nào đang đợi ông Trần Xuân Giá ở phía trước? Trả lời VnEconomy, ông Giá nói cho dù rất tin tưởng vào lập luận của mình và vào sự công minh của tòa án, ông vẫn sẵn sàng cho mọi kịch bản.
“Tôi thanh thản và có niềm tin từ những người ủng hộ và chia sẻ, dù rất ít người trong đó có thể lên tiếng”, ông nói.
Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân suốt một năm qua đều nhấn mạnh đến “nhân thân tốt” của ông Giá với tư cách một người từng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.
Đó sẽ là cơ sở “để tòa xem xét khi lượng hình”, và cũng là cơ sở để vị cựu bộ trưởng hy vọng, dù biết mình giờ đã là một “thường dân”.
Ông Giá có hai người con, một trai một gái, hiện đều đã trưởng thành, nhưng không ai kế thừa con đường quan chức.
“Tôi định hướng các cháu ba điều không: không theo chính trị, không làm việc trong hệ thống nhà nước, không làm ông chủ. Hãy làm thuê mà sống, nhưng muốn sống tốt thì phải giỏi chuyên môn để là người làm thuê giỏi, để được tôn trọng”, ông nói.
Người con trai lớn đang sống và làm việc ở nước ngoài, trong khi cô con gái nhỏ hiện làm chuyên gia cho Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhiều năm qua, ông Giá sống khá giản dị bên người vợ đã theo ông suốt dặm dài cuộc đời chính khách thừa vinh quang và quãng ngắn cuộc đời “thường dân” không thiếu tủi nhục.
Trong căn nhà ở khu Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, bài thơ về chữ “Nhẫn” được ông in lên một tờ giấy A4 ép plastic nom khá cũ kỹ, được dán băng keo lên tường cạnh bàn làm việc.
Thời gian rảnh, ông tranh thủ ghi chép lại những câu chuyện cuộc đời, một cách đầy chiêm nghiệm. “Được 400 trang rồi và sẽ viết tiếp. Trước làm Bộ trưởng, mình chẳng biết gì đến máy tính, sau này đi làm doanh nghiệp buộc phải học, giờ thì thạo rồi”, ông nói.
- Ông Trần Xuân Giá "bật" lại Cơ quan công tố
- Vì sao bầu Kiên không mặc đồng phục của trại giam?
- Diễn biến từng phút phiên xử Bầu Kiên ngày đầu tiên
- Đại án bầu Kiên: Hồ sơ thiếu một văn bản quan trọng?
- Bầu Kiên được 20 luật sư tham gia bào chữa
- Vụ 5 công an đánh chết người: Ông Chánh án là người trung thực!
Luật Á Đông theo ECONOMY
*****************************************
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111".
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê