Tổng hợp chi tiết phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng (phần 2)
Thứ ba, 22-04-2014 , 11:09:00 AM
Theo lời khai của Sơn tại tòa, Sơn có chuyển tiền cho cả Dũng và Phúc. Tuy nhiên, trong phần thẩm vấn chiều nay, bị cáo Phúc khẳng định không biết gì về khoản 1,666 triệu USD. Trước đó, bị cáo Dương Chí Dũng cũng cho rằng nếu biết việc "lại quả", bị cáo sẽ nhận luôn án tử hình.
17h37: HĐXX quyết định dừng buổi làm việc. Ngày mai (23/4), tòa tiếp tục làm việc.
17h 30: Đại diện Bộ Tài chính nói: Theo giấy mời, tôi là một trong 5 giám định viên của 5 Bộ. Ở phiên sơ thẩm, tôi được Bộ Tài chính cử đi với tư cách là đại diện Bộ tài chính. Tôi xin giải thích về Kết luận giám định tư pháp của liên Bộ:
Ụ nổi đã 43 tuổi có đủ điều kiện nhập khẩu không? Chúng tôi đã nói rõ căn cứ vào điều 11 Luật Hàng Hải, tàu biển là cấu trúc nổi di động. Ụ nổi phải lai dắt, không tự đi động được, chỉ nổi chìm. Vấn đề này tranh luận nhiều khi đưa ra kết luận giám định. Sau đó, chúng tôi đã chấp nhận nó coi như tàu biển. Tuy nhiên, điều kiện để nhập khẩu (tàu quá 15 tuổi không được nhập khẩu) không bảo đảm thì trách nhiệm thuộc về chủ doanh nghiệp là Vinalines.
Về thủ tục hải quan: có một quy định hải quan phải kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều đầu tiên phải biết hàng hóa đó tên là gì. Ở mỗi quốc gia có một tên gọi khác nhau nên mới có công ước HS, xác định tên hàng hóa, tính năng, tác dụng của hàng hóa để đánh mã số cụ thể.Tôi khẳng định một điều là căn cứ vào HS thì ụ nổi tên nó là ụ nổi. Khi tranh luận chúng tôi đặt giả thuyết nếu trùng thì các mã số phải trùng, nhưng ở đây các mã số khác nhau.
Khoản 2 điều 2 Luật Hàng hải quy định nếu luật này mâu thuẫn với công ước quốc tế thì phải tuân theo công ước quốc tế. Kết luận giám định, chúng tôi không có kết luận cán bộ hải quan sai, chúng tôi chỉ đưa ra khuyến cáo việc áp dụng công ước HS là hoàn toàn đúng. Nhưng Luật Hàng hải coi đó là tàu. Khi luật có mâu thuẫn, nếu cán bộ hải quan có văn bản hỏi Tổng cục Hải quan thì không có vấn đề gì. (Tất nhiên là nếu không hỏi cũng không sai một khi đã cho rằng công ước HS cao hơn tất cả). "Tôi xin chịu trách nhiệm của mình trước tòa, trước cơ quan chức năng về kết luận của mình". Vị này nói.
17h15: Chủ tọa hỏi Đại diện Bộ GTVT:
Chủ tọa: Bộ GTVT có một số văn bản trả lời kiến nghị của bị cáo Dương Chí Dũng về ụ nổi có phải là tàu biển không? Đến giờ này, Bộ xác định ụ nổi có phải là tàu không?
Đại diện Bộ GTVT: Đến giờ Bộ vẫn khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển. Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo Luật Hàng Hải. Điều 11 quy định tàu là vật thể nổi, di động được trên biển. Ụ là cấu trúc nổi, bảo đảm được điều kiện cần rồi, nhưng không tự di động được, cần có tàu kéo đi.
Chủ tọa: Quy phạm ụ nổi nằm trong hệ thống quy phạm tàu biển, trường hợp này phải nhận thức ụ nổi là tàu biển đúng không?
Đại diện Bộ GTVT: Chúng tôi nhận thức không phải là tàu biển.
16H50: Bà Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Mai Văn Phúc, cựu Tổng GĐ Vinalines): yêu cầu hủy kê biên nhà ở Hạ Long. "Đó là nhà duy nhất tôi có sổ đỏ, là nơi tôi dùng để thờ cúng tổ tiên. Mảnh đất đó do tôi đổi một cái tủ lạnh và dùng tiền nuôi lợn nuôi gà mua năm 1983. Nếu là tài sản chung của vợ chồng tôi thì tôi xin được bảo đảm ½ giá trị ngôi nhà". Bà Vân giải thích.
16h42: Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng- NV): Yêu cầu hủy kê biên ba căn hộ, trong đó có hai căn hộ cao cấp. Lý do hủy kê biên: "Hai căn hộ cô Thảo (người yêu của Dương Chí Dũng) đứng tên chồng tôi lấy tiền của tôi, mà đấy là tiền tôi cầm của người khác, tôi phải lấy lại để trả. Còn căn hộ chúng tôi đang ở, căn hộ đó chưa sang tên nhưng tiền mua căn hộ một phần của mẹ chồng tôi, một phần của mẹ đẻ tôi cho, một phần do tôi làm ăn mà có. Khi Đại diện HĐXX hỏi nguồn tiền mua nhà lấy lấy ở đâu thì bà Phương nói lấy từ anh Vũ Tiến Sơn (Công an Hải Phòng, cấp dưới của cựu Đại tá Dương Tự Trọng- em trai Dương Chí Dũng). Anh Vũ Tiến Sơn đang ở trong trại, tòa cứ hỏi anh ấy".
16h15: Điểm đáng chú ý là bị cáo Lê Văn Lừng thay đổi lời khai tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Lừng cho biết có báo Đức là ụ đã cũ, có mùi tanh của biển rồi nhưng Đức vẫn quyết định cho thông quan.
Bị cáo cho chằng tòa sơ thẩm xử đã đúng người đúng tội, tuy nhiên xử bị cáo 8 năm tù là quá cao: “Tôi có 12 năm trong quân đội, bảo vệ trường Sa 6 năm. Bố mẹ già yếu, vợ bị bệnh ung thư, trước khi bị bắt tôi mới đưa vợ đi xạ trị được một lần. Tôi cũng chưa được gặp gia đình, cũng không biết đã nộp được khoàn tiền nào chưa? Với mức bồi thường 9 tỷ, bản thân cũng không biết lấy gì để khắc phục bồi thường cho nhà nước được”.
Trước đó, trong suốt ba ngày xét xử sơ thẩm, ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan đều liên tục kêu oan và cho rằng bị ép cung.
Bị cáo Lê Ngọc Triện khai tại phiên sơ thẩm trước đó: tại cơ quan điều tra, bị cáo đã hai lần xin được khai lại nhưng không được chấp nhận. “Anh vào đây rồi như chim trong lồng, nếu khai báo lại thì sẽ cho đi ép cung. Điều tra viên nói với tôi như vậy”- Triện kể. Bị cáo này còn cho biết bị buộc phải viết nguyên văn nội dung: “Tôi biết ụ nổi là tàu biển, không đủ điều kiện nhập khẩu. Tôi đã báo cáo lại anh Đức (bị cáo Huỳnh Hữu Đức) nhưng anh Đức chỉ đạo tôi nhất quyết cho thông quan”. “Câu sau thì tôi cương quyết không ghi thêm, vì như thế là vu oan cho anh Đức. Họ còn bảo tôi đọc đi đọc lại nội dung này cho nhớ, khi điều tra viên khác vào thì khai cho khớp. Họ còn cho tôi xem thư của anh Lừng, anh Lừng viết là đã bị chuyển trại lên Phú Thọ, ở đó anh bị ngược đãi, bị các can phạm cùng phòng đánh đập hành hạ. Lần cuối cùng điều tra viên vào, bị cáo không ăn được, không đi được. Điều tra viên nói vào để xem xét cho bị cáo được tại ngoại. Bị cáo đang bệnh đau, đứng lệch một bên, nói thật khi đó điều tra viên bảo bị cáo viết gì thì bị cáo cũng viết”- Triện nói. Bị cáo Huỳnh Hữu Đức cũng cho biết ngay từ lần lấy cung đầu tiên, cơ quan điều tra đã ghi sẵn nội dung ra giấy, éo bị cáo này phải nhận tội danh truy tố là đúng, cứ ghi sai là xé đi, bao giờ ghi đúng như thế mới thôi. Bị cáo Lê Văn Lừng khai: “Vì sao chúng tôi đã thay đổi lời khai? Khi bị bắt, tôi vẫn đấu tranh 83M là ụ nổi, không phải là tàu. Nhưng điều tra viên nói “nếu anh không nhận là tàu, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh”. Ba ngày sau, tôi bị chuyển lên Phú Thọ. Lên đó, họ bố trí trước rồi. Năm thanh niên lực lưỡng nằm trong buồng giam, bắt tôi nằm xuống, cởi hết quần áo. Họ đánh tôi, bắt tôi phải nhận đó là tàu. Sau họ đánh nhiều quá , tôi phải nhận”. |
15h40: Thẩm vấn ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan Vân Phong, Khánh Hòa: Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện đều bị tuyên án 8 năm tù về tội cố ý làm trái.
Bị cáo Đức cho rằng việc bị tuyên phạt 8 năm tù về tội cố ý làm trái là đúng người đúng tội. Việc áp mã số ụ nổi, bị cáo Đứckhẳng định do xác định đây là loại hàng hóa thông thường, không cần giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành cũng như giấy chứng nhận đảm bảo ô nhiễm môi trường. Vậy nên bị cáo và các đồng phạm đã cho phép thông quan.
Về quy định tuổi thọ của tàu biển, ụ nổi, tòa cho rằng làm hải quan, các bị cáo buộc phải biết điều này...
15h15: HĐXX xét hỏi Lê Văn Dương, cựu Đăng kiểm viên. Bị cáo Dương xin được giảm hình phạt, thay vì xin minh oan như kháng cáo trước đó.
HĐXX: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại tòa, bị cáo có thay đổi nội dung kháng cáo không?
Bị cáo Dương: Bị cáo xin thay đổi, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX: Theo nhận thức của bị cáo, ụ nổi có phải tàu biển không?
Bị cáo Dương: Theo nhận thức của bị cáo, đến thời điểm này, bị cáo vẫn cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển.
15h00: XĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Mai Văn Khang- cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines.
HĐXX: Trong đơn bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt đúng không?
Bị cáo Mai Văn Khang: Bị cáo xin được minh oan. Bị cáo nhận thức là bị cáo không có sai phạm gì. Vì bị cáo không hiểu biết pháp luật lắm, nên nếu không minh oan được thì được giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX: Lý do kêu oan?
Bị cáo Mai Văn Khang: Bị cáo chỉ là thành viên trong đoàn khảo sát, không giữ chức vụ gì, nhiệm vụ chủ yếu là làm phiên dịch.
HĐXX: Khi về đoàn có làm báo cáo khảo sát không?
Bị cáo Mai Văn Khang: Có.
HĐXX: Bị cáo có tham gia soạn thảo không? Có góp ý vào báo cáo này không?
Bị cáo Mai Văn Khang: Bị cáo có ký nháy xác định thông tin bị cáo dịch là đúng. Bị cáo thêm một chi tiết là đoàn khảo sát có chứng kiến việc hạ thủy tàu cá, nhưng không chứng kiến ụ nổi lên.
HĐXX: Các bị cáo làm đúng chức trách thì Vinalines có nhập khẩu ụ nổi này không?
Bị cáo Mai Văn Khang: Ụ nổi 43 tuổi, nếu được sửa chữa sẽ đủ điều kiện.
HĐXX: Bị cáo biết chủ sở hữu của ụ 83M là Nga, tại sao đoàn khảo sát cũng như Vinalines không ký trực tiếp với công ty chủ sở hữu mà ký qua AP?
Bị cáo Mai Văn Khang: Anh Chiều đã đặt vấn đề trực tiếp với nhà máy xin mua ụ nổi, nhưng họ trả lời rằng họ không thể bán trực tiếp. Việc mua bán rất lằng nhằng, phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Đó là họ giải thích như thế.
HĐXX: Vậy giá giao dịch thế nào?
Bị cáo Mai Văn Khang: Bị cáo không biết. Việc giá cả không phải là trách nhiệm của bị cáo.
14h40: Tòa yêu cầu thẩm vấn tiếp Trần Hải Sơn.
Về việc đưa tiền cho Dương Chí Dũng, tòa đề cập lại chi tiết các bị cáo Dũng, Phúc cho rằng có thể Sơn bị ép cung, mớm cung để “đổ vấy” tội cho cấp trên. Sơn phủ nhận, cho rằng mọi lời khai đều được ghi trung thực.
Theo Sơn trình bày, Mai Văn Khang là người lập báo cáo sơ bộ sau đó các thành viên trong đoàn cùng ký nháy vào báo cáo là ụ nổi 83M đủ điều kiện để mua. Còn việc trình đề xuất mua là do Trần Hữu Chiều.
Tại Nga, Trần Hữu Chiều chỉ quán triệt anh em trong đoàn là phải làm sao mua được ụ nổi này một cách nhanh gọn.
Chủ tọa dẫn lại một bút lục lời khai của Sơn về việc cùng Trần Hữu Chiều tiếp nhận chỉ đạo này của Dũng tại phòng làm việc của cựu Chủ tịch Vinalines. Sơn gật đầu xác nhận bản cung này.
Lời khai đó, chủ tọa phiên tòa nhận định rất phù hợp với lời khai của Dũng, Phúc về việc chỉ đạo mua ụ nổi.
Bị cáo Mai Văn Khang.
14h45: Đại diện VKS thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc, người vẫn kêu oan đối với cả hai tội danh.
Ở mảng tội tham ô, Đại diện VKS hỏi: "Trong 4 người bị xét xử ở tội tham ô, có 2 người ở cương vị thấp hơn lại được nhận bồi dưỡng trong khi hai bị cáo có cương vị cao lại không được bồi dưỡng thì có hợp lý không? Suy nghĩ khách quan của bị cáo?"
Bị cáo Mai Văn Phúc: Sự thật thì bị cáo không biết gì. Có thể ăn chia xong rồi bị cáo mới về nhận chức.
Phúc cũng trình bày, bản thân không biết gì về khoản 1,666 triệu USD nhưng “tự đoán” là việc thỏa thuận này nhất định phải có ý kiến người lãnh đạo cao nhất của TCty, “nếu không phải là bị cáo thì là Dũng, nếu không phải Dũng thì là Phúc” chứ không đâu tự nhiên đối tác lại “chiết khấu” cho ngần ấy tiền khi không có ai đòi hỏi.
14h35: HĐXX chuyển qua thẩm vấn bị cáo Phúc. Bị cáo Phúc cho rằng sau khi về làm Tổng GĐ Vinalines có nhận bàn giao công việc từ người kế nhiệm Dương Chí Dũng, 4—5 tháng sau mới bàn giao xong. Khi ký bàn giao có nhiều tài liệu, Phúc chỉ ký chứ không đọc nội dung do tin tưởng cấp dưới.
14h15: Bị cáo Trần Hữu Chiều khai nhận có tham gia khảo sát mua ụ nổi 83M. Về việc được nhận 340 triệu đồng, bị cáo khai, đầu năm 2009, Chiều vay nợ của Sơn 1 tỷ đồng. Khi hỏi vay thì Sơn mang đến 340 triệu đồng đó nói ở ngoài Hà Nội chỉ có bằng này, vào TPHCM sẽ chuyển tiếp.Sau đó Sơn cũng chuyển thêm qua tài khoản cho Chiều cho đủ 1 tỷ đồng. Nhưng sau đó, Sơn có nói lại chỉ phải trả khoản tiền chuyển khoản này, còn 340 triệu trước là “em bồi dưỡng bác”.
Bản khai tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc điều hành của công ty Addpower Pte Ltd và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M. Tại một bản khai (do luật sư của ông Dương Chí Dũng qua Singapore thu thập trước đó), giám đốc điều hành của công ty Addpower Pte Ltd (AP) và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M cho biết: chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Trước khi thỏa thuận được ký, công ty AP không hề biết công ty Phú Hà (công ty của em gái bị cáo Sơn-NV). “Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi GS thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành. Chi tiết về tài khoản của công ty Phú hà là do ông Sơn thông báo cho AP để tôi thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho công ty Phú Hà theo thỏa thuận. Tôi chưa bao giờ tao đổi với ông Dũng và ông PHúc về khoản tiền 1,666 triệu USD”- lời khai tại bản khai của đại diện công ty AP |
14h05: Mở đầu phiên xét xử buổi chiều, HĐXX thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều-nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines.
Tại phiên làm việc buổi sáng, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không nhận tội tham ô, không thừa nhận đã nhận 10 tỷ đồng do Trần Hải Sơn đưa sau khi được Công ty AP (Singapore) lại quả 1,66 triệu USD vụ mua ụ nổi 83M.Bị cáo Dũng khẳng định rằng sẽ chống án đến cùng đối với tội tham ô.
Cũng trong quá trình thẩm vấn, HĐXX cho rằng, vai trò của bị cáo Sơn trong vụ mua ụ nổi là rất không nhỏ vì đã được chia tiền lại quả 7,8 tỷ đồng chỉ sau Dũng và Phúc.
11h40: HĐXX tạm nghỉ phiên làm việc buổi sáng. Buổi chiều sẽ tiếp tục làm việc vào lúc 2h
11h30: Theo bị cáo Mai Văn Phúc, chỉ có thể quy kết bị cáo Phúc tội thiếu trách nhiệm, bị cáo không phạm tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái". "Bị cáo có nhận 1 chai rượu Chivas 18, và phong bì 2 triệu của Trần Hải Sơn vào cuối năm 2008, tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long. Còn lại, những lời khai của Sơn là hoàn toàn sai sự thật", bị cáo Phúc khai.
Theo bị cáo Phúc, lúc đó bị cáo về Vinalines mới được 2 tháng và rất tin tưởng Chiều. Toàn bộ quá trình đầu tư dự án và việc mua bán ụ nổi đều do bị cáo Chiều phụ trách. Khi đó, Phúc được Chiều báo cho biết ụ nổi mới mua đó đã 43 tuổi. Phúc đã đề nghị Chiều tìm ụ nổi khác thay thế nhưng không có.
Tòa: Ụ mang về được sửa chữa ở đâu ?
Bị cáo Phúc: Theo kế hoạch thì sẽ được sửa chữa tại công ty của Vinashin ở Khánh Hòa. Cụ thể thì bị cáo không biết vì khi ụ về, bị cáo không còn làm ở Vinalines.
Tòa: Theo báo cáo của Vinashin thì kể cả việc dỡ ra để bán sắt vụn thì chi phí còn nhiều hơn là số tiền thu được. Bị cáo thấy mình có tội gì ?
Bị cáo phúc: Nếu có quy kết bị cáo có chăng phạm tội thiếu trách nhiệm. Thời điểm đó bị cáo mới về Vinalines được 2 tháng. Bị cáo rất tin anh Chiều. Hơn nữa, bị cáo quyết định dựa trên ý kiến tham mưu của các cơ quan chuyên môn. Các văn bản gửi bị cáo đều có hàng chục chữ ký của cơ quan chuyên môn.
11h20: HĐXX chuyển qua thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines. Bị cáo Phúc cũng khẳng định mình không phạm tội tham ô tài sản vì không nhận một đồng nào của Sơn từ số tiền 1,66 triệu USD.
10h47: HĐXX cho bị cáo Dũng tạm nghỉ, chuyển qua thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn. Theo bị cáo Sơn, lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng là không đúng.
Bị cáo cho rằng mình chỉ vi phạm ở việc ký nháy vào văn bản mua ụ nổi vì đây là một trong những quy trình của cơ quan.
Chủ tọa: Bị cáo Dũng khai không nhận tiền?
Bị cáo Trần Hải Sơn: Bị cáo khẳng định lại lời khai của bị cáo tại tòa và với cơ quan điều tra trước đây.
Chủ tọa: Lời khai của Dũng đúng không?
Bị cáo Trần Hải Sơn::Không đúng.
Chủ tọa: Việc đưa tiền hai lần cho Dũng bị cáo có thay đổi gì lời khai không?