Học giả Elizabeth Economy.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 17/5 dẫn phân tích của Elizabeth Economy và Michael Levi, 2 học giả cao cấp từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ kiến nghị, nếu Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu (rút giàn khoan 981) thì chính phủ Mỹ nên tăng cường bố trí lực lượng hải quân giúp đỡ Việt Nam đồng thời hạn chế, kiểm soát hoạt động của Công ty Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) - chủ sở hữu giàn khoan 981 tại Mỹ.
Hai học giả này cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay đang nghiêm trọng hơn rất nhiều so với trước đây, "hạm đội" tàu Trung Quốc cạnh giàn khoan 981 không chỉ đại diện cho cuộc chiến cướp bóc tài nguyên mà còn là hành động ngày một cứng rắn, thái độ ngang ngạnh trên nhiều phương diện của Trung Quốc mà Mỹ phải đối mặt.
Mặc dù cho đến hiện nay Mỹ vẫn tuyên bố lập trường của mình không nghiêng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông và hy vọng vấn đề được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, nhưng theo 2 học giả này, chỉ như vậy thôi chưa đủ. Mỹ cần nắm rõ cục diện, kết hợp với ASEAN ngăn chặn các hành động đơn phương, bác bỏ tuyên bố (yêu sách của Bắc Kinh) trên Biển Đông.
Ngoài ra theo Elizabeth Economy và Michael Levi, Mỹ nên điều chỉnh phong cách "điều binh trên giấy" của mình, mặc dù Mỹ không có trách nhiệm giúp Việt Nam phòng thủ nhưng với chính sách tái cân bằng chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cần nhanh chóng ổn định tình hình khu vực trong khi hành động của Trung Quốc đang thách thức chính sách của Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhấn mạnh cam kết giải quyết vấn đề một cách hòa bình, nếu Trung Quốc không đáp ứng kêu gọi này, chính phủ Mỹ cần tăng cường bố trí lực lượng hải quân giúp Việt Nam, đến lúc đó Mỹ có thể nắm được liệu Bắc Kinh có bản lĩnh như họ nói hay không, đồng thời cũng nhằm giảm căng thẳng, 2 học giả Mỹ kiến nghị.
Ngoài ra Washington cũng cần cân nhắc, hạn chế các hoạt động của CNOOC ở thị trường Mỹ, nếu Hoa Kỳ chỉ "động khẩu bất động thủ", nói mà không làm sẽ ảnh hưởng đến uy tín, năng lực duy trì hòa bình, trật tự quốc tế của mình.