Thứ hai, 26-05-2014 , 11:12:00 AM

Về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đồi) vừa được Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Quốc hội sáng nay (26/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện...
 
Sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Các sửa đổi và bổ sung mới trong dự án Luật doanh nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho các doanh nghiệp, huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực vào sản xuất kinh doanh.
 
Báo cáo của Chính phủ cho biết dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) quy định Chính phủ định kỳ rà soát, công bố công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng được quy định tại Luật, Pháp lệnh và Nghị định.
 
Dự thảo luật cũng bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật), kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.  
 
Cụ thể hóa ngành, nghề cấm kinh doanh
 
Sau phần trình bày của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu  đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). 
 
Về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh (Điều 7), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu nêu:  Một số ý kiến tán thành quy định như dự án Luật về quy định các ngành, nghề và điều kiện kinh doanh tại các luật, pháp lệnh và nghị định điều chỉnh những lĩnh vực cụ thể. Thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống luôn biến động, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay dẫn đến có nhiều ngành, nghề cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh doanh mới. 
 
Đa số ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. 
 
Hiện nay, trong một số luật đã có quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.
 
 Ảnh minh họa
 
 
Nội dung mới: Doanh nghiệp xã hội
 
Về doanh nghiệp xã hội (Điều 11),  đây là nội dung bổ sung mới. Trong đó có bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) để luật hóa, thừa nhận sự tồn về mặt pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội như một phương thức mới và góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường (Điều 11). 
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến tán thành việc quy định về doanh nghiệp xã hội vì cho rằng đây là sự thừa nhận sự tồn tại thực tế của doanh nghiệp xã hội ở nước ta hiện nay. Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận đầu tư vào các lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng các nguồn lực của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. 
 
Tuy nhiên, cách quy định như dự án Luật có thể gây hiểu nhầm đây là một loại hình doanh nghiệp mới ngoài các loại hình hiện nay là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, đề nghị quy định phù hợp, bảo đảm bao quát hết các hoạt động của doanh nghiệp xã hội, phân biệt rõ doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp công ích, đồng thời, ngăn ngừa xu hướng các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp xã hội để hưởng các ưu đãi. 
 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, cũng có ý kiến không tán thành quy định về doanh nghiệp xã hội như dự án Luật vì đây không phải là một loại hình doanh nghiệp mới mà vẫn là doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình hiện nay, chỉ khác ở mục đích phân phối và sử dụng lợi nhuận.
 
Đăng ký thành lập doanh nghiệp: bổ sung mới đối với nhà đầu tư nước ngoài
 
Về đăng ký thành lập doanh nghiệp (Chương II), cũng có nội dung được sửa đổi. Cụ thể: Bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật), kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.  
 
Cũng trong chương này, có nội dung bổ sung mới, đó là: Đối với nhà đầu nước ngoài, tách Giấy chứng nhận  thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư; do đó, bãi bỏ Điều 20 Luật doanh nghiệp 2005.
 
Báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu ra một số ý kiến khác nhau về chương này. Theo đó, một số ý kiến cho rằng quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp như dự án Luật là chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới lợi dụng hình thành doanh nghiệp để hoạt động phi pháp, khó kiểm soát, khó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 
 
Đa số ý kiến tán thành với quy định như dự án Luật. Thực tế hiện nay có doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động lừa đảo, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập doanh nghiệp, không hẳn do quy định của Luật. Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.
 
Về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 30), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu, nêu: Một số ý kiến đề nghị giữ quy định ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như Luật hiện hành để bảo đảm có đầy đủ thông tin, dữ liệu về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ sự quản lý nhà nước và định hướng phát triển nền kinh tế. 
 
Đa số ý kiến tán thành với quy định như dự án Luật. Theo tinh thần của Hiến pháp, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, ngoài kinh doanh, có nghĩa vụ nộp thuế. Do vậy, người kinh doanh phải báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật và chỉ bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê