“Nhiều khi phải nhẫn nhịn mới vượt qua được khó khăn khi thực hiện quyền bào chữa, tranh tụng nhưng không phải lúc nào luật sư (LS) cũng đạt được mong muốn” - LS Nguyễn Thị Minh Châu (Đoàn LS TP Hà Nội) than thở tại hội thảo.
Bị giám sát gắt gao
LS Châu kể khi tiếp xúc với thân chủ mà bà bảo vệ trong giai đoạn điều tra và truy tố, rất nhiều lần bà bị giới hạn thời gian gặp chỉ trong vòng nửa tiếng. Chưa hết, bà luôn bị kiểm soát, giám sát bởi cán bộ trại tạm giam hoặc “một người nào đó”. Thậm chí ở giai đoạn truy tố, còn có cả điều tra viên (ĐTV) giám sát buổi gặp.
Về chuyện bị giám sát rất gắt gao này, một LS khác kể khi vào trại tạm giam của công an một tỉnh nọ, ông thấy tấm bảng “Chương trình hành động thanh niên” ghi rõ một mục tiêu là “cử người tham gia giám sát LS gặp bị can” (?!).
LS Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) nhìn nhận thực tế này. “Các LS tham gia lấy lời khai của bị can chỉ được ngồi nghe. Khi LS muốn hỏi thân chủ để làm rõ vấn đề thì phải được ĐTV đồng ý. Có những trường hợp LS phải đưa câu hỏi trước để ĐTV duyệt, rồi phải hỏi thân chủ theo… kế hoạch điều tra. Nhiều khi LS muốn đưa ra câu hỏi gì đối với thân chủ phải tranh luận, thuyết phục ĐTV. Khi hỏi, những câu hỏi và trả lời đó có được ghi vào biên bản hay không cũng là một vấn đề” - LS Chiến nói.
Cho đến nay các LS vẫn than là còn gặp khó khi thực hiện quyền bào chữa. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Bị “nói xấu”, xem nhẹ
“Khi tôi vào tiếp xúc với thân chủ trong trại tạm giam thì ĐTV bất ngờ đến tống đạt văn bản. ĐTV nói với thân chủ của tôi là anh có tội, anh ra tòa nhận tội đi thì được xử nhẹ chứ LS không biết gì nên mới cãi là bị cáo không có tội. Việc ĐTV bảo bị can nhận tội và “nói xấu” LS như vậy rõ ràng là dụ cung” - LS Đinh Tây Viêm (Đoàn LS TP Hà Nội) bức xúc.
Nói về khó khăn khác, LS Triệu Trung Dũng (Đoàn LS TP Hà Nội) kể trong một vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên, ông đi xác minh, phát hiện thấy vụ án có vấn đề nên đã lập biên bản và đề nghị CQĐT tiến hành lấy lời khai đối với nhân chứng. Sau đó, lời khai của nhân chứng trong biên bản của LS và của CQĐT… khác nhau hoàn toàn. Cũng trong vụ án đó, LS Dũng đề nghị VKS lấy lời khai của một nhân chứng khác nhưng VKS không phản hồi, cũng không đi lấy lời khai. LS tự đi lấy lời khai thì biên bản của LS bị VKS coi là “không có giá trị”.
Chứng cứ không được công nhận
Một thực tế được nhiều LS nêu ra: Cơ quan tố tụng thường xem nhẹ, không công nhận chứng cứ do LS cung cấp. Mặt khác, một bất hợp lý là cơ quan tố tụng có quyền thẩm định, đánh giá chứng cứ của LS thì ở chiều ngược lại, LS không có quyền đánh giá chứng cứ của cơ quan tố tụng. Trong khi đó, việc thu thập, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, không đầy đủ, bỏ qua chứng cứ gỡ tội do LS cung cấp chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến oan sai.
“Việc thu thập chứng cứ của LS vốn đã khó khăn nhưng việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ của LS càng gặp khó hơn, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra và truy tố” - LS Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết.
Theo LS Nguyễn Thị Minh Châu, trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay thì thư điện tử hay nội dung trên Facebook cũng là chứng cứ quan trọng. Tuy vậy, hầu hết tòa đều không chấp nhận thư điện tử hay nội dung trên Facebook là chứng cứ. “Nhiều khi tôi phải nhờ thừa phát lại đến chụp ảnh màn hình máy tính đang mở email hay Facebook rồi lập vi bằng. Còn chuyện có công nhận hay không thì đó là chuyện của các cơ quan tố tụng” - LS Châu nói.
Về vấn đề này, LS Otmar Kurry (Chủ tịch Đoàn LS Hanseatic tại Hamburg, Đức) chia sẻ: Hiện nay, tố tụng của Đức coi email là một trong những chứng cứ rất quan trọng để xác định những lát cắt sự thật. Việc thu thập email theo một trình tự chặt chẽ và phải được lập biên bản rõ ràng.
Đức: Cấm người thứ ba có mặt khi LS gặp thân chủ Theo IRZ, pháp luật hình sự tại Đức cấm người thứ ba có mặt khi LS tiếp xúc với thân chủ. Thậm chí khi thân chủ và LS trao đổi thư với nhau thì cảnh sát, công tố viên không được phép kiểm duyệt. Không một cảnh sát hay công tố viên nào có thể xâm phạm bí mật thư tín này. Nội dung tiếp xúc giữa LS và thân chủ có thể bị nghe lén nhưng việc nghe lén trong trường hợp này cũng không giải quyết được vấn đề gì vì không được dùng làm chứng cứ. Về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, nếu có người nghiện hút thuốc lá, cơ quan công tố cứ hỏi cung mấy tiếng liền mà không cho họ hút thuốc là bị cấm. Đặc biệt, công tố viên không được gợi ý hay đe dọa họ nhận tội. Chuyện công tố nói với họ “cứ nhận tội đi rồi được xử nhẹ” là bị nghiêm cấm. Ở chiều ngược lại, nếu một LS gợi ý cho nhân chứng nên nói thế nào, khai báo ra sao thì đó là một tội danh lớn. Xảy ra chuyện này, nhân chứng sẽ bị loại bỏ, LS sẽ bị truy tố. Cẩn trọng để bảo vệ chứng cứ Trong bất cứ một nền tư pháp nào, LS cũng ở vào thế yếu so với hệ thống công tố. Do đó, các LS tại Đức khi hỏi và thẩm vấn nhân chứng thường không đi gặp một mình mà đi cùng người khác, kể cả người trong văn phòng LS của mình để đảm bảo chứng cứ sẽ không bị “tấn công” trong tố tụng.
LS OTMAR KURY, Chủ tịch Đoàn LS Hanseatic |