thứ hai, 13-06-2016 , 08:34:00 AM

Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận định bị cáo có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích nhưng lại xử y án tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, đồng thời kiến nghị giám đốc thẩm hủy án. Điều này đúng hay sai?

Luật sư Nguyễn Thành CôngĐoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh:

Tòa Đắk Lắk hủy án mới đúng!

Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên y án sơ thẩm tội làm chết người khi thi hành công vụ trong khi nhận định hành vi của bị cáo Lê Viết Hùng (nguyên công an viên) có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” rồi kiến nghị TAND Cấp cao giám đốc thẩm hủy cả hai bản án. Lẽ ra tòa này nên áp dụng khoản 1 Điều 250 BLTTHS hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì “việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”.

Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, dù không đồng ý nhưng TAND huyện Krông Năng vẫn phải xử theo truy tố của VKS vì vướng “giới hạn xét xử” quy định tại Điều 196 BLTTHS. Trước đó, tòa này đã thực hiện hết quyền của mình là trả hồ sơ điều tra bổ sung khi xác định bị cáo có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) chứ không phải tội làm chết người trong khi thi hành công vụ như VKS đã truy tố.

Vì thế, nếu muốn đổi tội danh để xử nặng hơn tội mà VKS truy tố thì chỉ còn cách TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Với BLTTHS 2015 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7 tới) thì quy định về giới hạn xét xử đã thay đổi cơ bản, tăng hẳn quyền cho tòa án cấp sơ thẩm. Khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung về tội danh nặng hơn mà VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tội cũ thì tòa có quyền xét xử ở tội nặng hơn (khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015). Đây là điểm mới rất quan trọng của lần sửa đổi BLTTHS lần này, giải quyết được các trường hợp xung đột về quan điểm mà giao quyền quyết định cao nhất cho tòa án.

Bị cáo Lê Viết Hùng, nguyên công an viên ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9-6. Ảnh: NGÂN NGA

LS Trương Xuân TámPhó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Tòa phúc thẩm có quyền sửa án!

TAND tỉnh Đắk Lắk phải sửa án mới đúng! Theo tôi, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên y án sơ thẩm đồng thời kiến nghị TAND Cấp cao Đà Nẵng hủy án là chưa đúng quy định hiện hành. Bởi căn cứ vào khoản 3 Điều 249 BLTTHS thì trong vụ án này bị hại kháng cáo đòi thay đổi tội danh nặng hơn VKS truy tố. Vì vậy, tòa hoàn toàn có quyền sửa án sơ thẩm, xét xử bị cáo ở tội danh nặng hơn (tội cố ý gây thương tích) mà không hề bị vướng do giới hạn xét xử.

Tòa phúc thẩm tuyên y án dù có kiến nghị hủy bản án sơ và phúc thẩm nhưng người ta có cảm tưởng như là tòa phúc thẩm nhất trí bản án cấp dưới rồi. Vả lại, cấp giám đốc thẩm có quyền hủy án chứ không có nghĩa vụ bắt buộc phải hủy theo kiến nghị của cấp dưới. Giả sử cấp giám đốc thẩm vì lý do nào đó không hủy án, lúc đó vô hình trung tòa phúc thẩm xử trái với nhận thức, quan điểm của mình về tội danh. Khi đó việc khắc phục sẽ rất khó khăn.

LS NGUYỄN THỊ THU THỦYnguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Hủy án để khỏi đi lòng vòng

Theo tôi, TAND tỉnh Đắk Lắk y án rồi kiến nghị cấp trên hủy án của mình là không cần thiết, tôi nghĩ cách tốt nhất đúng tố tụng là nên hủy án sơ thẩm.

Tôi từng phụ trách xét xử phúc thẩm gần 20 năm, từng xem nhiều bản án TAND Tối cao tại TP.HCM thường hay hủy án theo Điều 250 và sửa án theo Điều 249 BLTTHS. Điều 249 BLTTHS quy định nếu VKS kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, tăng bồi thường, chuyển tội nặng hơn thì tòa vẫn có thể tuyên sửa án, xử tội danh nặng hơn. Nhưng thực tế cấp phúc thẩm ít làm vậy, bởi làm thế sẽ gây thiệt thòi cho bị cáo khiến bị cáo không còn quyền kháng cáo ở tội danh nặng hơn mà họ vừa bị tòa phúc thẩm xét xử.

Vì thế trong vụ án công an đánh chết dân ở Đắk Lắk, quan điểm của tôi là TAND tỉnh Đắk Lắk nên căn cứ vào Điều 250 BLTTHS để hủy án sơ thẩm của TAND huyện Krông Năng, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Ngoài ra, ngành tòa án có quy định thẩm phán nào có án bị hủy là bị ảnh hưởng đến thi đua. Vì thế, tôi lấy làm khó hiểu tại sao các thẩm phán trong HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk lại tuyên y án rồi kiến nghị hủy án của mình (tự mình làm mình bị hủy án). Bởi điều này vừa khiến vụ án phải đi lòng vòng, mất thời gian, vừa có thể bị ảnh hưởng đến thi đua của mình.

Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phân tích, cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Theo hồ sơ, hơn 12 giờ đêm 3-7-2014, anh Trương Quốc Long nghe có tiếng động, nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu vào nhà lấy trộm sắt nên Long đuổi theo và bắt được ông Thâu. Sau đó, công an viên Lê Viết Hùng đã neo giữ ông Thâu lấy lời khai và đánh đập, đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu và tử vong.

Ban đầu, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố Hùng về tội giết người, sau chuyển sang tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và chuyển vụ án về cơ quan tố tụng huyện Krông Năng theo thẩm quyền. TAND huyện này nhận định Hùng có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS huyện vẫn bảo lưu quan điểm. Do giới hạn xét xử, tòa này vẫn xử Hùng tội đã truy tố và phạt bị cáo ba năm tù. Gia đình bị hại kháng cáo vì cho rằng bị cáo phạm tội giết người.

Ngày 9-6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Lê Viết Hùng (nguyên công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) ba năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Đồng thời, tòa này kiến nghị cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng từng xử tội nặng hơn

Năm 2010, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt bảy bị cáo Hà Xuân Linh, Nguyễn Văn Thắng, Trần Thái Vàng, Trần Văn Trừ, Lê Long Tây, Trần Đại Chuyên, Trần Văn Minh mỗi người từ năm năm tù đến 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Sau đó bị hại kháng cáo yêu cầu xử tội giết người đối với các bị cáo Linh, Thắng, Vàng và Trừ. Xử phúc thẩm năm 2011, TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Linh, Thắng, Vàng và Trừ từ 11 năm đến 15 năm tù về tội giết người.

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê