Thứ 3, 28-05-2014 , 07:27:00 AM

Trong những ngày gần đây, dư luận trong và ngoài nước đang thể hiện sự rất bất bình với những hành động của các tàu hải giám cũng như tàu hải quân Trung Quốc trong những vụ vi phạm chủ quyền quốc gia và quyền chủ quyền của Việt Nam trong lãnh hải và vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam.

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) thì Vào lúc 5 giờ 58 phút ngày 26 tháng 5 năm 2011, khi tàu Bình Minh 02 của Petro Vietnam đang triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) khoảng 120 hải lý, thì một trong ba tàu hải giám của Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực này đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của Petro Vietnam cách mũi Đại Lãnh chỉ 120 hải lý. Như vậy, đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam căn cứ theo các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã tham gia. Trong các tuyên bố của mình, người phát ngôn Bộ ngoại giao của Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam”. Trong khi đó Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Khương Du cho rằng  “Hành động mà cơ quan chủ quản của phía Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển trong vùng biển do Trung Quốc quản lý. Ngoài ra, trên một số kênh truyền hình của Trung Quốc khi phỏng vấn một số chuyên gia về các vấn đề của Biển Đông, các chuyên gia được hỏi cũng trả lời trên tinh thần của bà Khương Du.

Cách đề cập của Trung Quốc thể hiện thái độ ngụy biện của họ trong việc khẳng định các quyền của họ ở Biển Đông, đồng thời như người phát ngôn của Việt Nam nói “ đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm” hay theo cách nói dân gian là “ đánh lừa dư luận”, không chỉ ở góc độ đối ngoại, mà còn khiến người dân Trung Quốc hiểu sai lệch về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và hiểu sai lệch về các hành vi vi phạm của tàu hải giám Trung Quốc đối với các quyền chủ quyền của Việt Nam nói riêng và vi phạm Luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển( United Nations Convention on The Law of The Sea – UNCLOS, sau đây gọi tắt là Công ước Luật Biển) nói chung.

Để hiểu rõ bản chất ngụy biện trong các tuyên bố của Trung Quốc, từ đó bảo vệ các luận điểm về chủ quyền quốc gia và các quyền chủ quyền trong các chế độ pháp lý trên biển mà Việt Nam được hưởng theo Luật Quốc tế tại các khu vực mà tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám của Trung Quốc cắt trộm cáp, chúng ta cần xem xét các quy định cụ thể của Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Công ước mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã tham gia và phải tuân thủ triệt để.
Trong bài viết này các Luật sư v của Công ty Luật Á Đông sẽ viện dẫn và phân tích một số điều khoản của UNCLOS để chỉ ra các cơ sở pháp lý theo Luật quốc tế mà Việt Nam căn cứ trên đó để khẳng định các quyền chủ quyền của mình trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên tại vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển, đồng thời chỉ ra sự thiếu căn cứ  về mặt pháp lý trong các tuyên bố của Trung Quốc.

Trước tiên cần nhắc lại vị trí mà tàu Bình Minh 02 đang thực hiện hoạt động thăm dò là tại  khu vực lô số 148 trên thềm lục địa của Biển Đông. Ở vị trí này, hoàn toàn khẳng định tàu Bình Minh 02 đang thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Luật Biển. Tại Điều 57 phần V Công ước Luật Biển quy định: “ Vùng đặc quyền về kinh tế không mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều dài lãnh hải – The exclusive economic zone shall not extend beyond 200 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured”. Như vậy, Công ước Luật Biển quy định vùng đặc quyền về kinh tế của các quốc gia ven biển có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia đó”.Theo quy định tại mục 2 phần II của  Công ước Luật Biển đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của một quốc gia được tính theo hai cách:
1.       Đường cơ sở thông thường( Điều 5 mục 2 phần II); và

2.       Đường cơ sở thẳng ( Điều 7 mục 2 phần II).

Theo đó Điều 5 quy định về đường cơ sở thông thường như sau: “ Trừ khi có quy định khác của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận…….” Điều 7 quy định về các cách xác định đường cơ sở thẳng dựa trên tính phức tạp của địa hình bờ biển của từng quốc gia và nguyên tắc chung cho các cách xác định này. Theo đó, các loại bờ biển có hình thái địa chất phức tạp sẽ được xác định theo các cách thức khác nhau, như bờ biển bị khoét sâu, lồi lõm, bờ biển cực kỳ không ổn định vì có các châu thổ, bờ biển có các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm ….   

Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố về đường cơ sở và vùng hải phận quốc gia (lãnh hải) cho vùng bờ biển từ cửa Vịnh Bắc Bộ cho tới vùng biển trong vịnh Thái Lan. Theo đó thì Việt Nam sử dụng phương pháp xác định đường cơ sở thẳng để xác định lãnh hải của mình với 11 đoạn được nối qua 12 điểm men theo bờ biển. Các nội dung của tuyên bố trên về đường cơ sở thẳng và lãnh hải của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển.

Với các cơ sở pháp lý trên, phải khẳng định rằng, vị trí mà tàu Bình Minh 02 đang thực hiện hoạt động thăm dò địa chất là nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước Luật Biển.

Điều 56 phần V của Công ước Luật Biển quy định về các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế như sau:

“1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:

a) Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

(b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:

(i) Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;

(ii) Nghiên cứu khoa học về biển;

(iii) Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

c) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

2. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với các quy định của Công ước”.

Ngược lại, Điều 58 phần V của Công ước Luật Biển quy định về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác tại vùng đặc quyền về kinh tế,  trong đó khoản 3 quy định: “Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế, trong chừng mực mà các luật và quy định đó không mâu thuẫn với Phần này”.
Như vậy, theo quy định của Điều 58 khoản 3, các quốc gia khác khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên vùng đặc quyền về kinh tế phải tôn trọng các quyền của quốc gia ven biển tại vùng đặc quyền về kinh tế trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên.

Về phía Trung Quốc, khoảng cách từ đảo Hải Nam của Trung Quốc tới vị trí của tàu Bình Minh 02 là khoảng 340 hải lý. Với khoảng cách đó cần phải khẳng định tiếp rằng, vị trí trên nằm ngoài vùng đặc quyền về kinh tế của Trung Quốc như theo quy định tại Điều 57 của Công ước Luật Biển. Do vậy, về mặt pháp lý khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố đây là hoạt động “ giám sát và chấp pháp của cơ quan chủ quản một cách  bình thường ” là hết sức ngụy biện và không thể chấp nhận được, bởi nó không dựa trên bất cứ một căn cứ pháp lý nào của Luật quốc tế hiện đại về biển. Ngay cả khi các Công ước Luật Biển 1958 và 1982 chưa ra đời, do mối quan hệ đặc thù giữa lãnh thổ đất liền với lãnh thổ trên biển, việc xác định các vùng biển theo Luật quốc tế đều bắt nguồn từ nguyên tắc nền tảng là “Đất thống trị biển”. Nội hàm của nguyên tắc này là: quốc gia nào có bờ biển ở đâu thì sẽ được hưởng các chế độ pháp lý của biển ở đó với những khoảng cách địa lý hoặc hình thái địa lý nhất định. Chỉ khi đáp ứng được tiêu chí cơ bản, đó là có bờ biển, thì một quốc gia ven biển ( coastal state) mới có thể đặt ra và thực hiện các yêu sách về các vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển ở một phạm vi nhất định– thông thường không quá 200 hải lý. Với khoảng cách địa lý thực tế của mình, Trung Quốc không thể có yêu sách về vùng đặc quyền về kinh tế  theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu vực xảy ra vụ tàu Bình Minh 02 – nơi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý. Hiện giờ cũng chưa rõ Trung Quốc căn cứ vào đâu, và thực hiện yêu sách về chế độ pháp lý nào đối với vùng biển mà tàu Bình Minh 02 đang hoạt động. Trong trường hợp nếu Trung Quốc cố tình cho rằng vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 nằm trên thềm lục địa kéo dài vượt ra ngoài 200 hải lý thì yêu sách này cũng đòi hỏi phải được xác định phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật biển trong việc xác định các vùng biển tại vùng chồng lấn, đó là “ yêu sách về thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý không được chồng lấn lên các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác”. Đây là một nguyên tắc pháp lý cơ bản nhằm đảm bảo rằng các quốc gia ven biển luôn được hưởng vùng đặc quyền về kinh tế có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, trừ trường hợp khoảng cách đối diện của các quốc gia ven biển không bảo đảm, trong trường hợp đó sẽ phải tính đến phương pháp xác định đường trung tuyến. Do vậy, với khoảng cách địa lý 340 hải lý tính từ đảo Hải Nam đến khu vực tàu Bình Minh 02 đang hoạt động thì việc tuyên bố như nói ở trên để biện hộ cho hành vi phá hoại của các tàu Hải giám của Trung Quốc thì chỉ có thể khẳng định đó là những tuyên bố đầy tính ngụy biện xét về mặt logic.  

Với các phân tích ở trên về các quy định của Công ước Luật Biển quy định về các chế độ pháp lý đối với các vùng biển của các quốc gia ven biển, một lần nữa cần khẳng định rằng tàu Bình Minh 02 đang thực hiện các công việc thăm dò địa chất một cách hợp pháp trên vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam. Do đó, bất kỳ chủ thể của bất kỳ quốc gia nào không có quyền ngăn cản, phá hoại công việc của tàu Bình Minh 02. Bất kỳ một hành vi nào như vậy sẽ được coi là hành vi vi phạm Luật quốc tế, vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Hiến pháp, Bộ luật dân sự và Luật Dầu khí của Việt Nam, và về nguyên tắc sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài của các cơ quan hành pháp và tư pháp Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê