Thứ sáu, 19-12-2014 , 06:09:00 AM

Dịch vụ pháp luật doanh nghiệp của Luật Á Đông giúp bạn An Toàn, An Tâm và An Phát trong kinh doanh
****************

Cơ quan làm oan không thụ lý đơn yêu cầu và thương lượng bồi thường oan nên người bị oan không thể kiện ra tòa.

Theo các chuyên gia, đây là một bất cập mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần phải sửa đổi, bổ sung.

Ngày 17-12, ông Trương Bá Nhàn (người bị giam oan 1.346 ngày nhưng gần tám năm qua chưa được bồi thường) và luật sư đã đến VKSND TP.HCM làm việc theo lời mời qua điện thoại của một cán bộ cơ quan này. Tiếp ông Nhàn là một tổ cán bộ của VKSND TP.HCM nhưng cũng như nhiều lần khác, kết quả của buổi gặp chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các yêu cầu của ông Nhàn. Chỉ có một điểm khác là lần này ông Nhàn đã được giao một tờ biên bản làm việc, kèm theo lời dặn dò bằng miệng của một cán bộ là về thu thập thêm chứng cứ đối với yêu cầu bồi thường để ban chỉ đạo bồi thường oan sai (thuộc VKSND TP.HCM) xem xét.

Trước đó, ở lần tiếp xúc gần nhất (ngày 16-10), một cán bộ VKSND TP.HCM cũng tiếp ông Nhàn và nói “cứ về nhà chờ”.

Làm oan, không chịu bồi thường

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, năm 2001, một vụ án mạng đã xảy ra tại phường 11, quận Tân Bình (TP.HCM). Hôm đó, em NTNP đi học về thì thấy mẹ mình nằm chết trên nền nhà, đầu và mặt đầy máu, đồ đạc trong nhà ngổn ngang. Khám nghiệm hiện trường, công an thu được dấu vân tay ở hộc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này là của ông Nhàn (bà con bạn dì với chồng nạn nhân).

Ngày 3-1-2002, ông Nhàn đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về các tội giết người, cướp tài sản. Ông Nhàn không nhận tội mà luôn kêu oan. Ông khai mình hay đến nhà nạn nhân chơi, trước đó một, hai tuần, ông có đến nhà và được nạn nhân nhờ kê lại tủ trong phòng nên có lưu lại dấu vân tay.

Gần tám năm qua, ông Trương Bá Nhàn vẫn chưa được VKSND TP.HCM bồi thường oan. Ảnh: T.TÙNG

 

Ngoài ra, ông Nhàn còn khai trước đó ông có tâm sự với chồng nạn nhân rằng mẹ vợ của ông vừa bán đất được một số vàng, nhờ vợ chồng ông cất giữ. Không ngờ lời khai của chồng nạn nhân về số vàng bị mất gần khớp với số vàng mà mẹ vợ ông Nhàn bán đất gửi ông Nhàn cất giữ (tất nhiên cơ quan điều tra đã thu giữ số vàng này).

Rất may cho ông Nhàn là lời khai của mẹ vợ ông cũng trùng khớp với lời khai của ông. Người mua đất của mẹ vợ ông cũng khai y chang như vậy. Đặc biệt, người mua đất khai khi giao vàng cho mẹ vợ ông Nhàn, ông này còn cẩn thận ký tên lên miếng vàng. Kiểm tra số vàng tạm giữ, công an thấy đúng là có chữ ký của người mua đất.

Tháng 9-2006, ông Nhàn được tại ngoại điều tra. Một tháng sau, ông được đình chỉ điều tra với lý do đã hết thời hạn điều tra nhưng không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Sau đó, ông Nhàn làm đơn yêu cầu VKSND TP.HCM phải công khai xin lỗi và bồi thường oan hơn 700 triệu đồng. Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) từng có văn bản khẳng định VKSND TP.HCM phải bồi thường oan cho ông Nhàn. Cục cũng đã có công văn gửi VKSND Tối cao đề nghị chỉ đạo VKSND TP.HCM giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, từ đó đến nay VKSND TP.HCM chỉ dừng lại ở việc tiếp, ghi nhận ý kiến của ông Nhàn chứ chưa thụ lý hồ sơ. Ông Nhàn khiếu nại đến viện trưởng VKSND TP.HCM và VKSND Tối cao thì đều chưa được hồi âm.

Trong những lần tiếp xúc với ông Nhàn, cán bộ VKSND TP.HCM thường lấy lý do là phải trình xin ý kiến lãnh đạo hoặc phải có chỉ đạo của Ban chỉ đạo bồi thường oan sai (thuộc VKSND TP.HCM) thì mới chính thức xem xét việc bồi thường oan.

“Tôi quá mệt mỏi rồi!”

Thất thểu rời trụ sở VKS TP.HCM sau buổi làm việc ngày 17-12, ông Nhàn ngao ngán: “Tôi đã quá mệt mỏi vì gần hết cuộc đời vẫn chưa tìm thấy công lý. Hàng chục năm qua tôi chưa được biết đến một giấc ngủ ngon”.

Từ một người đàn ông tráng kiện, sau nhiều năm lao tâm khổ tứ về vụ án, đến nay ông Nhàn đã tiều tụy rất nhiều. Đầu óc bấn loạn khiến suy nghĩ, lời nói của ông có khi như một người thiếu bình thường, nói đấy rồi quên lúc nào không hay. Ông kể chỉ sau một năm ông bị bắt (2002), gia đình đã ly tán, cuộc sống khốn khó đủ đường, bạn bè xa lánh. Hơn tám năm qua, kể từ ngày được đình chỉ điều tra, ông chỉ chờ đợi một ngày được minh oan, được nhận một lời xin lỗi chân thành, được khôi phục lại quyền lợi chính đáng của mình nhưng gần như vô vọng. Có những mệt mỏi đến mức ông muốn buông tay từ bỏ nhưng nỗi thống khổ của một người bị oan cứ mãi ám ảnh và thôi thúc ông làm tất cả những gì có thể.

Luật sư Trần Văn Hiếu (Văn phòng Luật sư Người nghèo, người giúp đỡ pháp lý miễn phí và theo sát vụ án của ông Nhàn suốt 10 năm qua) tâm sự: “Chúng tôi đã giúp ông Nhàn gửi không biết bao nhiêu đơn khiếu nại đến các cơ quan từ trung ương đến địa phương với hy vọng bù đắp được phần nào những mất mát cho ông, nhưng... nhìn cảnh ông Nhàn cứ lếch tha lếch thếch từ Bình Phước lên TP.HCM ăn nhờ ở đậu rồi đi xe ôm kêu oan, anh em trong văn phòng nhiều lúc phải rơi nước mắt”.

Không thụ lý cũng phải hầu tòa?

Không được VKS TP.HCM thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan, không có văn bản về việc thương lượng bồi thường của VKS TP.HCM cũng đồng nghĩa với việc ông Nhàn không thể khởi kiện cơ quan này ra tòa. Bởi lẽ đây là thủ tục “tiền tố tụng” bắt buộc đối với người khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường oan theo Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (người dân có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường khi cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định bồi thường hoặc có nhưng người bị thiệt hại không đồng ý quyết định đó).

Điều đáng nói là luật lại không quy định trong trường hợp bị làm oan nhưng cơ quan làm oan cố tình không chịu thụ lý hồ sơ đòi bồi thường, không tiến hành thương lượng bồi thường như ông Nhàn thì phải giải quyết sao để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người bị oan. Đây là một bất cập mà nhiều chuyên gia cho rằng cần phải được sửa đổi.

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều nhận xét: Quy định bó hẹp quyền khởi kiện của người dân theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khiến các trường hợp như ông Nhàn đang phải chịu thiệt thòi. Vì vậy, theo hai ông, cần phải sửa đổi Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng trường hợp đã được xác định oan rõ ràng mà cơ quan làm oan không chịu thụ lý hồ sơ đòi bồi thường thì người bị oan vẫn có quyền khởi kiện và tòa phải thụ lý, giải quyết.

Theo TS Tiến, việc sửa quy định như trên vừa đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị oan, vừa mang thông điệp cảnh báo các cơ quan làm oan là nếu cố tình chây ì, không chịu giải quyết theo trình tự, thủ tục thông thường thì cũng vẫn phải hầu tòa.

Còn theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), về lâu dài nên sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính theo hướng ghi nhận các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng cũng là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Từ đó, tòa hành chính sẽ đánh giá hành vi không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của người bị oan là đúng hay sai, nếu sai thì buộc cơ quan làm oan phải tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

Bó tay vì không có quy định

Bên lề cuộc họp liên ngành phối hợp công tác bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 18-12, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Trần Việt Hưng thừa nhận Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không quy định trường hợp người bị oan đã nộp đủ hồ sơ đúng luật rồi mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không thụ lý thì giải quyết ra sao.

“Theo quy định hiện hành, với các trường hợp này, Bộ Tư pháp chỉ có thể gửi văn bản đôn đốc, đề nghị thực hiện. Nếu cơ quan có trách nhiệm bồi thường không thực hiện thì mình cũng không thể làm gì được” - ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng lý giải thêm rằng trước đây khi soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp đã dự kiến xây dựng hai con đường giải quyết bồi thường là hành chính và tố tụng. Tuy nhiên, chính ngành tòa án đã đề xuất phải giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trước để tránh quá tải cho các tòa…

ĐỨC MINH

Sẽ giải quyết dứt điểm vào năm 2015

Ngày 18-12, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát án oan, sai của Quốc hội, trả lời chất vấn của thành viên Đoàn giám sát về trường hợp bồi thường oan cho ông Nhàn, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long đã thừa nhận đơn vị này có khuyết điểm là để kéo dài việc bồi thường cho người bị oan. “Chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2015” - ông Long khẳng định.

PHƯƠNG LOAN

Tác giả THANH TÙNG (Nguồn: PLO)

________________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....

______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111"

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê