Thứ 2, 10-09-2012 , 09:32:00 AM



Sau hơn 3 tháng  truy nã, ngày 4/9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giữ bị can Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sau một thời gian ông này lẩn trốn.
Ông Dương Chí Dũng bị khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam vào sáng 18/5/2012 về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, tội danh giống với tội danh mà ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng Giám đốc của Ngân hàng ACB bị áp dụng khởi tố. Tuy nhiên, khác với ông Hải, ông Dũng đã nhanh chân trốn ra nước ngoài khi Cơ quan điều tra chưa kịp thực hiện lệnh bắt tạm giam. Vậy với hành vi bỏ trốn, ông Dương Chí Dũng có bị coi là tình tiết tăng nặng và theo đó bị áp dụng khung hình phạt cao nhất của tội danh này hay không?
Sau đây các Luật sư của Công ty Luật Á Đông phân tích và bình luận về trường hợp này của ông Dương Chí Dũng và các nội dung khác của vụ án theo các quy định của Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự.
Mức hình phạt cao nhất của tội này được quy định tại khoản 3 điều 165. Khoản 2 quy định: “Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.
Như vậy, những người bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội này, thì mức hình phạt cao nhất họ bị áp dụng là 20 năm tù giam.
 Tuy nhiên, độ rộng của khung hình phạt theo khoản 3 là khá rộng, từ 10 năm đến 20 năm. Do vậy, việc hai người phạm cùng một tội và bị truy tố theo cùng một khung hình phạt, nhưng một người có thể bị xử phạt gấp đôi thời gian tù của người kia không có gì đáng ngạc nhiên. Điều này được Bộ luật hình sự quy định rõ bằng các quy định về căn cứ và nguyên tắc áp dụng hình phạt xác định tại các điều 45, 46, 48...
Việc một người bị áp dụng mức hình phạt cao hay thấp sẽ do Tòa án quyết định căn cứ theo nguyên tắc áp dụng hình phạt quy định tại điều 45 Bộ luật hình sự.  Điều 45 quy định “Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, để xác định một người bị áp dụng mức hình phạt cao nhất hay thấp nhất sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:
1.      Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
2.      Nhân thân người phạm tội.
3.      Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Xem xét các yếu tố này đối với vụ án của ông Dương Chí Dũng cho thấy:
Thứ nhất, về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của ông Dương Chí Dũng là khá nghiêm trọng. Theo thông tin từ các cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì số tiền mà ông Dũng gây thiệt hại cho nhà nước là rất lớn.Việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án đồng thời ra lệnh bắt tạm giữ đối với ông Dương Chí Dũng cũng là một bằng chứng cho thấy hành vi phạm tội của ông Dũng là nguy hiểm do vậy, không được tại ngoại trong thời gian điều tra.
Thứ hai, xét về nhân thân người phạm tội. Về nhân thân, có thể thấy nhân thân của ông Dương Chí Dũng khá tốt. Trước khi mắc các khuyết điểm và được coi là phạm tội ở Vinalines thì ông Dương Chí Dũng đã được giữ nhiều vị trí quản lý ở các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khác nhau. Do vậy, xét về bề nổi có thể thấy nhân thân của ông Dương Chí Dũng được coi là không có nhân thân xấu.
Thứ ba, về các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 46 Bộ luật hình sự. Theo các nội dung của điều luật này thì trong quá trình điều tra vụ án, ông Dương Chí Dũng có thể tự “ghi điểm” cho mình để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ bằng cách thực hiện một số nội dung được khuyến khích quy định trong điều 45, bao gồm:
·         Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
·         Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
·         Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
·         Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
Như vậy, việc ông Dũng có được hưởng các tình tiết này để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi Tòa án lượng hình hay không đều nằm trong tay ông Dũng.
Đối với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trước  tiên câu trả lời cho câu hỏi: việc bỏ trốn ra nước ngoài của ông Dương Chí Dũng có là một tình tiết tăng nặng hình sự không? Câu trả lời ở đây là không. Tại điều 48 Bộ luật hình sự quy định về các tình tình tăng nặng trách nhiệm hình sự không có tình tiết này. Tuy nhiên, tùy theo kết quả điều tra của Cơ quan điều tra mà ông Dũng có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng khác, được quy định tại điều 48 như sau:
·         Phạm tội có tổ chức;
·         Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
·         Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
·         Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
·         Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
·         Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
Từ những phân tích ở trên về nội dung của các điều 8, 45, 48, 165 Bộ luật hình sự của nước ta khi áp dụng đối với vụ án này cho thấy việc ông Dũng có được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để được áp dụng khung hình phạt thấp nhất của khoản 3 điều 165 hay không,  đồng thời có bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi lượng hình với mức hình phạt cao nhất của khung là 20 năm hay không đều chưa rõ ràng và còn phụ thuộc vào kết luận  điều tra của cơ quan điều tra, cũng như phụ thộc vào chính thái độ của ông Dũng trong quá trình điều tra. Điều chỉ có thể khẳng định ở đây là việc ông Dương Chí Dũng trốn chạy ra nước ngoài khi có quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra không làm tăng trách nhiệm hình sự của ông Dương Chí Dũng trong quá trình các cơ quan tố tụng thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án này.
Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê