Thứ 6, 17-04-2013 , 07:36:00 AM

Ngày 23 tháng 12 năm 2011, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2012 của thành phố Đà Nẵng. Trong đó có một nội dung đã gây ra tranh cãi của các cơ quan nhà nước về tính hợp pháp của quy định này. Tại điểm 9 khoản 3 điều 1 nêu: “… Trong khi chờ xin ý kiến của Trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp ổn định hoặc có tiền án tiền sự…”.  Theo quy định của Hiến pháp 1992, Bộ Luật dân sự và Luật cư trú,  thì về bản chất, đây là một quy định hạn chế quyền công dân về cư trú.

 Mới đây, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản gửi HĐND Đà Nẵng về việc kiểm tra nghị quyết 23 của HĐNĐ thành phố này.  Theo quan điểm của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ trên các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Cư trú, thì "Các luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh quyền 'tạm dừng' hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân được Quốc hội trao cho họ. Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Việc tạm ngưng hiệu lực của luật nếu có phải do Quốc hội quyết định".
Trong bài viết này các Luật sư của Công ty Luật Á Đông sẽ phân tích và bình luận các quy định của Hiến pháp 1992, Luật Cư trú và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nhận định về các quy định của Nghị quyết 23/2011 của HĐND TP Đà Nẵng và quan điểm của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ tư pháp) liên quan đến nội dung này.

Nghị quyết 23 có vi hiến? 

Điều 68 của Hiến pháp 1992, Văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước Việt Nam quy định: “ Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Bằng quy định này, hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: công dân Việt Nam nói chung có quyền tự do cư trú. Việc hạn chế quyền cư trú của một cá nhân cụ thể nào chỉ có thể thực hiện bởi các quy phạm pháp luật khác cho phép các cơ quan nhà nước thực hiện điều đó. Điều này căn cứ trên hai nguyên tắc cơ bản xác định quyền của công dân và quyền của Cơ quan nhà nước, đó là: “Công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”. Trong khi đó, Cơ quan nhà nước “chỉ được thực hiện những gì  mà pháp luật cho phép”. Vậy, Nghị quyết số 23/2011 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng  có được các quy định pháp luật, hay nói cách khách là các Luật khác, cho phép hạn chế quyền cư trú của công dân thông qua việc tạm dừng việc thi hành các quy định của pháp luật hay không ?
Các quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuốc Trung ương  được quy định tại các điều từ 11 đến 17 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy Ban nhân dân. Tại các điều này Luật quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền trong bảy các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nội dung và nội hàm của các quyền được quy định tại các điều này này không thể hiện bất kỳ nội dung nào cho phép Hội đồng nhân dân cấp thành phố có quyền việc tạm dừng thi hành một văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành để hạn chế quyền của công dân như được quy định tại Nghị quyết 23 cả. Các công chức của TP Đà Nẵng đã từng viện dẫn một nội dung khoản 3 của điều 12 để biện minh cho quy định của Nghị quyết 23. Đó là: “ Thực hiện phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương”. Tuy nhiên, việc diễn giải quy định này như là một quyền để hạn chế quyền cư trú theo phương thức tạm ngừng thi hành các quy định của một văn bản luật quy định về quyền của công dân nhìn từ góc độ logic pháp lý là hết sức khiên cưỡng và không đủ sức thuyết phục. Từ nhận định này cho thấy rằng, các quy định nói trên của Nghị quyết 23/2011 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã vi phạm quyền tự do cư trú của công dân được Hiến pháp và Luật Cư trú bảo vệ, hay còn gọi là văn bản vi hiến. 
Điều 3 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy Ban nhân dân quy đinh về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong hệ thống pháp luật như sau:
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Như vậy xét về mặt logic, thì thấy rõ Nghị quyết 23/2011 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng có những nội dung thể hiện tính không hợp hiến của một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét về mặt thủ tục, điều này chỉ có thể khẳng định bằng một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đó là Ủy Ban thường vụ Quốc hội, bởi theo quy định của pháp luật chỉ có cơ quan này có thẩm quyền giải thích Luật. Do đó, để xác định nội dung về tạm dừng việc đăng ký cư trú của công dân trong Nghị quyết 23 có được pháp luật cho phép hay không, thì phải chờ Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích khoản 3 điều 12 của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân để làm rõ việc vận dụng quy định này của Chính quyền TP Đà Nẵng có đúng với tinh thần của điều luật hay không.

Chế tài? 

Tuy nhiên, theo hướng ngược lại, nếu Chính quyền TP Đà Nẵng thấy rằng việc hiểu và áp dụng pháp luật của mình là không chính xác, thì chính Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng có thể tự mình, bằng một nghị quyết hủy bỏ nội dung của quy định trên trong Nghị quyết 23/2011 theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy Ban nhân dân. Điều khoản này quy định chế tài đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và UBND bị coi là không hợp hiến và hợp pháp như sau: “ Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân trái với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cùng cấp phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ.
Với những gì đã từng thấy trong lịch sử, có thể nhận thấy Chính quyền TP Đà Nẵng là một Chính quyền năng động, có nhiều phát kiến mới trong lãnh đạo và điều hành. Bên cạnh đó, lãnh đạo của Đà Nẵng cũng là những người rất cầu thị. Hy vọng với những ưu điểm như vậy Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng sẽ tự đưa ra chế tài cho những quyết định của mình một cách rõ ràng và nhanh chóng nhất để nhân dân Đà Nẵng có cơ sở đặt niềm tin vào Chính quyền của mình.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê