Thứ 4, 09-01-2019 , 02:25:00 PM

Trong tố tụng dân sự, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật nội dung (điều chỉnh quyền và nghĩa vụ giữa các bên) trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự. Để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, cần phải dựa vào yêu cầu của đương sự và quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội mà đương sự tham gia. Trên thực tế, do quan hệ pháp luật đa dạng, tồn tại đan xen nhau nên việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp dựa vào yêu cầu của người khởi kiện không hề dễ dàng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu lên vướng mắc trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp đối với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ sau khi hợp đồng chấm dứt qua một số trường hợp cụ thể.

Bên cạnh hợp đồng dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự, tùy từng lĩnh vực, các luật chuyên ngành còn quy định hợp đồng trong từng lĩnh vực cụ thể như: hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động, hợp đồng kinh doanh thương mại trong Luật Thương mại… Theo Điều 281 Bộ luật dân sự, một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự là hợp đồng dân sự; vì vậy, khi hợp đồng dân sự  kết thúc thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận khi chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể việc các bên trong hợp đồng phải tuân thủ nghĩa vụ sau khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng như trong Bộ luật dân sự. Cho nên, sau khi các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, một trong các bên khởi kiện yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận sẽ gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Chúng tôi đơn cử 02 trường hợp cụ thể sau:
Trường hợp thứ nhất: Nhân viên Công ty Cổ phần dược phẩm P (Công ty P) có thỏa thuận miệng với ông N.V.T (chủ Nhà thuốc D.T, có đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể) là Công ty P sẽ bán thuốc tân dược cho Nhà thuốc D.T theo yêu cầu của ông T. Phương thức giao nhận thuốc và thanh toán tiền theo từng đợt. Trong khoảng thời gian từ ngày 01/10/2008 đến ngày 14/7/2012, ông T đã nhận thuốc của Công ty P nhiều đợt và nợ lại một số tiền. Sau đó, ông T ngưng mua thuốc của Công ty P. Theo biên bản làm việc ngày 14/8/2012 giữa ông T với đại diện Công ty P, ông T thừa nhận còn nợ lại Công ty số tiền mua thuốc 100 triệu đồng và 02 bên thỏa thuận ông T sẽ trả cho Công ty P mỗi tháng 10 triệu đồng cho đến khi dứt nợ. Sau đó, vào ngày 26/8/2012, ông T đã trả được 10.000.000 đồng và ngưng không thanh toán tiếp mặc dù Công ty đã nhiều lần yêu cầu. Vì vậy, Công ty P khởi kiện yêu cầu ông T phải cho Công ty P số nợ còn lại là 90 triệu đồng.
Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty P, có 02 quan điểm khác nhau về việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng,ông T đã thừa nhận còn nợ tiền mua thuốc tân dược của Công ty P nên xem như các bên đã thanh lý hợp đồng xong. Cho nên, quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự”, nên đây là vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 12 Điều 25 BLTTDS.
Quan điểm thứ hai cho rằng, khoản nợ của ông T xuất phát từ hợp đồng mua bán thuốc tân dược giữa ông T với Công ty P. Ông T đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp hợp đồng mua bán thuốc tân dược” và đây là vụ án kinh doanh thương mại do các bên đều có đăng ký kinh doanh và việc giao kết hợp đồng đều vì mục đích lợi nhuận. Cho nên, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo điểm a khoản 1 Điều 29 BLTTDS.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, Luật Thương mại đã bỏ chế định về thanh lý hợp đồng mà trước đây Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 quy định.[1]Khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại quy định “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự”. Vì vậy, việc xác định nghĩa vụ sau khi các bên thỏa thuận kết thúc hợp đồng áp dụng quy định của Bộ luật dân sự. Điều 280 Bộ luật dân sự quy định: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).” Một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự là hợp đồng dân sự (khoản 1 Điều 281 Bộ luật dân sự) và hợp đồng dân sự là “sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Chúng ta thấy rằng, hợp đồng dân sự có phạm vi rộng bao gồm cả hợp đồng trong lĩnh vực thương mại vì Bộ luật dân sự là luật gốc, Luật Thương mại là luật chuyên ngành. Vì vậy, việc áp dụng quy định nghĩa vụ dân sự xuất phát từ hợp đồng kinh doanh thương mại là phù hợp với quy định của pháp luật. Trở lại tranh chấp trên, theo chúng tôi, do pháp luật điều chỉnh nghĩa vụ của ông T là Bộ luật Dân sự cho nên việc Tòa án thụ lý vụ án dân sự và xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự” là phù hợp quy định của pháp luật. Đối chiếu thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự của Tòa án tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 25 thì tranh chấp này không được liệt kê cho nên việc áp dụng khoản 12 Điều 25 “Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định” để thụ lý và giải quyết là phù hợp.
Trường hợp thứ hai: Ngày 01/01/2002, Công ty Cổ phần bảo hiểm M (Công ty M) tiếp nhận ông N. V. T. vào làm việc với chức danh nhân viên, phụ trách địa bàn huyện A. Sau đó, Công ty có ký với ông T các Hợp đồng lao động ngày 01/01/2003, ngày 01/01/2004, ngày 31/12/2004 và Hợp đồng lao động số 004/2006.HĐLĐ ngày 31/12/2005 là hợp đồng không xác định thời hạn. Căn cứ đơn xin thôi việc ngày 12/10/2010, đến ngày 28/10/2010, Công ty M ký Quyết định số 98/2010-BMAG, chấm dứt hợp đồng lao động với ông T vào ngày 01/11/2010. Ông T nghỉ việc từ ngày 01/11/2010. Nguyên nhân, trong thời gian làm việc, ông T đã cố tình chiếm dụng tiền phí bảo hiểm của Công ty M để sử dụng vào mục đích cá nhân với số tiền 35.116.893 đồng. Số tiền này, ông T đã đối chiếu và ký xác nhận là nợ cá nhân chiếm dụng (theo Biên bản làm việc ngày 26/5/2010 và Bảng kê công nợ của Công ty M). Công ty M cho rằng, hành vi của ông T đã vi phạm Điều 3.2 Hợp đồng lao động số 004/2006.HĐLĐ ngày 31/12/2006 giữa ông T với đại diện Công ty M. Điều 3.2 Hợp đồng quy định, “Hoàn thành công việc đã cam kết trong hợp đồng; bồi thường vi phạm và vật chất theo quy định của pháp luật, công ty và Tổng công ty…”. Công ty M cho ông T trả dần đến ngày 31/12/2010 dứt điểm nhưng ông T không thực hiện mặc dù Công ty M đã nhiều lần yêu cầu. Vì vậy, Công ty M khởi kiện yêu cầu ông T thanh toán dứt điểm số nợ trên.
Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty M, có 02 quan điểm khác nhau qua việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Quan điểm thứ nhất cho rằng,Công ty M dựa vào nội dung Hợp đồng lao động để xác định vi phạm của ông T và các bên đã thống nhất thỏa thuận trách nhiệm bồi thường của ông T khi chấm dứt hợp đồng nên quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động”; vì vậy, đây là vụ án lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án theo điểm b khoản 1 Điều 31 BLTTDS.
Quan điểm thứ hai cho rằng, ông T đã thừa nhận chiếm dụng tiền phí bảo hiểm sau khi đối chiếu với đại diện Công ty M theo Biên bản làm việc ngày 26/5/2010 và Bảng kê công nợ của Công ty M cho nên Hợp đồng lao động đã kết thúc, Tòa án không được xem xét Hợp đồng lao động mà chỉ xem xét nghĩa vụ của ông T đối với Công ty M theo sự đối chiếu giữa 02 bên. Cho nên, quan hệ pháp luật tranh chấp phải là “tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự” nên đây là vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 12 Điều 25 BLTTDS.
Theo quan điểm của tác giả thì:
Thứ nhất,Bộ luật Lao động không viện dẫn áp dụng Bộ luật dân sự đối với những vấn đề mà Bộ luật Lao động không quy định. Vì vậy, không thể áp dụng quy định của Bộ luật dân sự về nghĩa vụ dân sự của mỗi bên khi các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động như đối với hợp đồng kinh doanh thương mại ở trường hợp thứ nhất.
Thứ hai, việc ông T chiếm dụng tiền phí bảo hiểm của Công ty P là căn cứ để Công ty P sa thải ông T theo điểm a khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động năm 1994, đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 và 2007 (viết tắt là Bộ luật Lao động). Tuy nhiên, khi ông T có đơn xin nghỉ việc, Công ty P chấp nhận cho ông T nghỉ việc nên xem như các bên thống nhất chấm dứt hợp đồng theo khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động và phải xem xét trách nhiệm vật chất của ông T đối với hành vi chiếm dụng tiền phí bảo hiểm của khách hàng và chế độ mà ông T được hưởng khi chấm dứt hợp đồng. Vì lẽ đó, khi xem xét yêu cầu của Công ty P phải xem xét trình tự, thủ tục xác định trách nhiệm vật chất của Công ty P đối với ông T có phù hợp quy định pháp luật hay không và có xem xét chế độ mà ông T được hưởng để khấu trừ thiệt hại mà ông T phải bồi thường hay không. Nếu thụ lý vụ án dân sự với quan hệ pháp luật tranh chấp “tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự” thì Tòa án sẽ không xem xét các nội dung này. Điều này có thể gây thiệt hại cho người lao động. Vì vậy, chúng tôi thống nhất quan điểm đây là vụ án lao động với quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động” theo điểm b khoản 1 Điều 31 BLTTDS như quan điểm thứ nhất.
Trên đây là một số ý kiến trong việc xác định quan hệ tranh chấp qua công tác thực tiễn. Tác giả rất mong nhận được sự trao đổi từ bạn đọc. 
___________________



[1]Theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và các văn bản hướng dẫn thì, khi thanh lý hợp đồng kinh tế, các bên trong hợp đồng sẽ xác nhận mức độ thực hiện nội dung công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng. Kể từ thời gian các bên đã ký vào biên bản thanh lý, quan hệ hợp đồng kinh tế đó coi như đã được chấm dứt. Riêng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong biên bản thanh lý vẫn có hiệu lực pháp luật cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình.
 
 
ThS. Thái Chí Bình – Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang 

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê