Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên nói tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về thủ tục trong việc xác định tư cách tố tụng của đương sự.
Ông V đã chết, đáng ra phải xác định mẹ, vợ, con gái của ông V là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng nhưng tòa cấp sơ thẩm lại xác định ba người trên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Về nội dung vụ án, căn cứ kết quả giám định ADN, trình bày của mẹ, anh em ông V đều thừa nhận anh L là con ngoài giá thú của ông V.
Đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Đồng quan điểm, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng việc xác định sai tư cách tố tụng không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường lối xét xử nên không cần thiết phải hủy án.
Tranh cãi về thẩm quyền xét xử
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 11-2021, đại diện VKSND TP Tuy Hòa cho rằng TAND TP Tuy Hòa thụ lý việc hôn nhân là không đúng thẩm quyền vì anh L cư ngụ tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có tranh chấp nên TAND TP Tuy Hòa chuyển sang thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền.
Trong khi đó, tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư (LS) bảo vệ cho chị U cho rằng TAND TP Tuy Hòa đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án dân sự xác định cha cho con là không đúng.
Theo vị LS, lẽ ra khi nhận đơn yêu cầu của anh L, TAND TP Tuy Hòa phải trả lại đơn hoặc chuyển đơn cho TAND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (nơi anh L cư trú) giải quyết.
Bởi theo điểm t khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền giải quyết việc này thuộc tòa án nơi người có đơn yêu cầu cư trú.
Tuy nhiên, TAND TP Tuy Hòa vẫn thụ lý việc hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) theo Điều 29 BLTTDS là trái thẩm quyền. Mặt khác, tòa án hai cấp đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng khi đưa người đã chết vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn để xét xử.
Theo luật hiện hành, việc xác định cha cho con trong trường hợp không có tranh chấp nhưng cũng không có thỏa thuận thì giải quyết theo thủ tục việc HN&GĐ theo khoản 10 Điều 29 BLTTDS năm 2015.
Ai đúng, ai sai?
Trong vụ án này, có ba vấn đề trọng tâm cần phải được làm rõ.
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết vụ việc xác định cha cho con.
Luật HN&GĐ năm 2014 và BLTTDS năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con là của tòa án.
Về thẩm quyền theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 BLTTDS năm 2015, nếu là vụ án dân sự về xác định cha, mẹ, con sẽ do tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc thụ lý giải quyết.
Nếu là việc dân sự thì sẽ do tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu giải quyết.
Anh L (người yêu cầu xác định cha cho con) ngụ tại tỉnh Vĩnh Long nên việc TAND TP Tuy Hòa thụ lý giải quyết việc dân sự là sai thẩm quyền.
Thứ hai, về xác định tư cách đương sự.
Theo khoản 3 Điều 69 BLTTDS, đương sự có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự phải là người còn sống và phải từ đủ 18 tuổi trở lên.
Trường hợp đương sự trong vụ việc dân sự chết thì giải quyết việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo Điều 74 BLTTDS.
Tuy nhiên, đối với người bị xác định là cha mà họ đã chết thì Điều 74 BLTTDS năm 2015 không điều chỉnh. Nghĩa là không có kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng về nhân thân mà chỉ có kế thừa về quyền, nghĩa vụ về tài sản.
Như vậy, trong vụ việc này không có bị đơn nếu là vụ án dân sự, bởi thời điểm anh L yêu cầu xác định ông V là cha mình thì ông này đã mất.
Thứ ba, về xác định vụ án dân sự hay việc dân sự.
Theo Điều 361 BLTTDS năm 2015, việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp nhưng có yêu cầu tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ HN&GĐ… của mình; yêu cầu tòa án công nhận cho mình quyền về HN&GĐ…
Khi anh L yêu cầu xác định ông V (đã mất) là cha mình thì đây là việc dân sự chứ không phải vụ án dân sự.
Trong quá trình giải quyết việc dân sự, điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS quy định trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định.
Do đó, TAND TP Tuy Hòa ra quyết định đình chỉ giải quyết việc HN&GĐ với lý do “quá trình thụ lý giải quyết, người yêu cầu là anh L và mẹ ông V đều có yêu cầu xét nghiệm ADN nên tòa án cần phải tiến hành thu thập chứng cứ” là không thuyết phục và chưa phản ánh đầy đủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 366 BLTTDS.
Việc TAND TP Tuy Hòa chuyển từ việc dân sự sang vụ án dân sự là không đúng với bản chất của vụ án dân sự và quy định tại Điều 361 BLTTDS năm 2015.
Vì trong việc này, anh L chỉ yêu cầu xác định ông V (đã chết) là cha của mình chứ không tranh chấp với ai và tranh chấp về cái gì.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM
Tác giả: TẤN LỘC (theo Báo Pháp luật TPHCM)