Thứ ba, 02-04-2024 , 05:34:00 AM

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều điểm mới như quy định về việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần hai và đang được lấy ý kiến vào giữa tháng 3-2024. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10-2024.
 
So với Luật Việc làm năm 2013 thì dự thảo lần này có một số nội dung sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới. Cụ thể, dự thảo quy định về việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên (HSSV); mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)…
 
Quản lý giờ làm thêm của sinh viên: Chưa hợp lý
 
Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ở lĩnh vực giáo dục có điều khoản đáng chú ý liên quan đến quản lý việc làm bán thời gian của HSSV.
 
Theo đó, theo Điều 30 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định: HSSV đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
 
Tiền công của HSSV được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
 
Điều 30 cũng nêu rõ: “Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý HSSV làm việc bán thời gian”.
 
Liên quan đến nội dung dự thảo, em Bùi Ngọc Hân, SV năm ba Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết nếu SV chỉ được làm việc không quá 20 giờ/tuần sẽ rất khó khăn cho em cũng như nhiều bạn cùng đi làm thêm.
 
Hân cho biết gia đình em ở Vĩnh Long, thuộc hộ cận nghèo nhưng không đủ điều kiện để miễn, giảm học phí. Từ khi lên TP.HCM, gia đình vay tiền cho em đi học, còn các khoản khác em phải tự lo, từ tiền ở ký túc xá, chi tiêu sinh hoạt, mua đồ dùng học tập, đi lại… Để có tiền, em phải đi làm thêm tại một nhà hàng với tiền công là 16.000 đồng/giờ. Mỗi tuần thường em đi làm cả thứ Bảy, Chủ nhật và buổi tối ba ngày khác trong tuần, tổng cộng gần 30 tiếng/tuần.
 
“Biết rằng việc làm thêm ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc học nhưng em đã sắp xếp giờ giấc phù hợp và như vậy em mới có đủ chi phí để trang trải cho việc học. Nếu bị giới hạn thời gian làm thêm, em nghĩ chưa hợp lý” - Hân tâm tư.
 
Ở góc độ quản lý, TS Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), cho rằng việc Bộ LĐ-TB&XH đưa ra một số đề xuất nhằm giới hạn giờ làm thêm, để các bạn tập trung vào mục tiêu chính là học tập. Việc này nhằm tránh trường hợp các em sa đà vào việc làm thêm, đặc biệt là SV xa nhà, xa gia đình.
 
Tuy nhiên, việc này khá phức tạp cho cả nhà trường vì khó quản lý và tùy vào lĩnh vực làm thêm của các em. Trong đó, nếu việc làm thêm gắn với ngành học của các em thì cần có cơ chế tạo điều kiện để các bạn làm thêm, kiếm thêm thu nhập, tránh được một số khó khăn, bức xúc từ cuộc sống. Hơn nữa, phải tính toán mức giờ cụ thể theo điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, với nhiều mức đa dạng, linh hoạt.
 
Theo TS Trần Đình Lý, hiện nay các cơ sở đào tạo ĐH đã có quy chế SV không được nghỉ quá 20% số tiết học để giám sát việc học và đánh giá SV đủ điều kiện học tiếp hay không. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vì liên quan tới Bộ luật Lao động 2019, Luật Giáo dục, tránh trường hợp trói nhau giữa các luật.
 
Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ở lĩnh vực giáo dục có điều khoản đáng chú ý liên quan đến quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.
 
Thêm cơ hội được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
 
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN để phù hợp với thực tế hơn.
 
Cụ thể, dự thảo sẽ bổ sung đối tượng tham gia BHXH gồm NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một tháng trở lên.
 
Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
 
So với Luật Việc làm hiện nay thì NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ một tháng đến dưới ba tháng thuộc đối tượng được bổ sung tham gia BHTN trong dự thảo là điều rất cần thiết. Bởi đây vốn là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao, cần được hưởng hỗ trợ một số chính sách của BHTN khi mất việc làm.
 
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về nhóm đối tượng không phải tham gia BHTN.
 
Cụ thể như NLĐ đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu và NLĐ là người giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê