Báo chí tác nghiệp tại tòa - Bài cuối: Chỉ cần một trong hai loại giấy
Thứ sáu, 25-07-2014 , 08:33:00 AM
Nhiều ý kiến cho rằng để phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, TAND Tối cao nên sửa lại quy định cho nhà báo dự tòa chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu.
Song song đó, Luật Báo chí và văn bản hướng dẫn cũng cần phải có quy định điều chỉnh hoạt động của phóng viên chưa được cấp thẻ.
ThS Hoàng Xuân Phương (giảng viên khoa Báo chí-Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) nhận xét Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao rõ ràng không phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, cần được sửa đổi.
Các PV đang tác nghiệp trong một phiên tòa hình sự của TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Tạo điều kiện thay vì gây khó khăn
ThS Phương phân tích: Về góc độ tác nghiệp và truyền thông cho thấy qua việc phản ánh hoạt động xét xử của tòa, báo chí thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, chống tiêu cực, đồng thời tuyên truyền, giải thích pháp luật. Một phiên tòa công khai, minh bạch thì càng cần phải phổ biến thông tin đến người dân. Do đó lẽ ra ngành tòa án cần tạo điều kiện hơn thay vì hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa.
Theo ThS Phương, với PV đã có thẻ nhà báo thì việc đòi hỏi thêm giấy giới thiệu công tác là một loại “giấy phép con” gây rườm rà, phức tạp một cách không cần thiết cho họ. Còn với những PV chưa có thẻ, quy định của ngành tòa án đã “cấm cửa” họ hoạt động tác nghiệp theo đúng nghĩa tại phiên tòa. Lúc đó họ chỉ có thể tham dự, theo dõi phiên tòa như một người dân bình thường mà không được thực hiện những công việc đặc thù của báo chí như ghi âm, ghi hình...
Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng quy định nhà báo phải xuất trình cả thẻ nhà báo lẫn giấy giới thiệu trong Thông tư 01/2014 không phù hợp thực tế: “Nhà báo có thẻ thì mọi hoạt động của họ đã có Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn điều chỉnh. Nhà báo chưa có thẻ thì thực tế họ vẫn đang làm việc cho một cơ quan báo chí nên mới được cấp giấy giới thiệu, hà cớ gì phải “cấm cửa”? Sửa quy định thì rất đơn giản, chỉ cần thay từ “và” bằng từ “hoặc” là xong (nhà báo đến dự tòa chỉ cần trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu cho tòa). Tòa phải tạo điều kiện như vậy thì báo chí mới có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, cũng là cách gián tiếp để người dân tiếp cận công lý”.
Cũng theo luật sư Ly Tao, suy cho cùng quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, nhà báo chỉ là người chuyển tải thông tin đó đến với họ. Chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta đang đặt ra yêu cầu xét xử công khai, minh bạch, dân chủ. Vì vậy ngành tòa án càng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp tại tòa.
Luật phải tính đến PV chưa có thẻ
Một vấn đề khác, hiện nay ở các cơ quan báo chí, bên cạnh đội ngũ PV đã có thẻ nhà báo thì còn có rất nhiều PV chưa đủ điều kiện thời gian làm việc ba năm liên tục để được cấp thẻ. Họ vẫn làm công việc của một PV bình thường và khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để lấy thông tin, họ sẽ được cơ quan báo chí chủ quản cấp giấy giới thiệu công tác.
Điều đáng nói là cả Luật Báo chí hiện hành và Nghị định số 51/2002 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí) đều đã bỏ qua, chưa có quy định cụ thể về hoạt động của PV chưa có thẻ. Pháp luật về báo chí chỉ quy định khi làm việc với cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhà báo xuất trình thẻ nhà báo chứ không hề nhắc đến giấy giới thiệu.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), đây là điều cần phải tính tới khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan. Phù hợp nhất là nên quy định lại khi làm việc với cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhà báo xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu công tác. Như vậy luật sẽ không bỏ sót nhóm đối tượng PV chưa có thẻ.
Mở rộng hơn, luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) còn cho rằng pháp luật về báo chí còn cần phải quy định về cộng tác viên, sinh viên thực tập báo chí khi thực tế những người này cũng đang tham gia vào đời sống báo chí.
Theo luật sư Vinh, có hai cách để sửa đổi, bổ sung quy định: Thứ nhất là thông qua cơ quan có thẩm quyền giải thích luật là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chẳng hạn giải thích khái niệm “nhà báo” trong Luật Báo chí, Nghị định 51/2002 bao gồm cả các PV chưa có thẻ, cộng tác viên, đồng thời giải thích thêm về giá trị của giấy giới thiệu trong trường hợp chưa có thẻ nhà báo… Thứ hai là trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí sắp tới, cơ quan soạn thảo phải đưa những vấn đề này vào để điều chỉnh.
“Đây là cơ hội để cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận và sửa đổi toàn diện các quy định liên quan đến hoạt động của báo chí cho phù hợp với thực tiễn. Một khi đã sửa từ gốc rễ là Luật Báo chí thì các quy định liên quan đều có thể sửa dễ dàng” - luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) nhấn mạnh.
Tiêu điểm Xin đừng hạn chế Bản chất tác nghiệp của nhà báo là hoạt động thu thập thông tin tại hiện trường, còn việc xử lý sao, cho đăng tải như thế nào thì cơ quan báo chí sẽ chịu trách nhiệm. Hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo cũng có nghĩa là hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM Phải sửa quy định Công chúng luôn luôn đòi hỏi báo chí thể hiện vai trò giám sát và phản biện. Để tạo thuận lợi, trước hết phải sửa Luật Báo chí, sửa các văn bản hướng dẫn rồi sửa Thông tư 01/2014 để các văn bản này không chỏi nhau và khi vận dụng thì hợp tình, hợp lý. Nhà báo HOÀNG ĐIỆP, báo Tuổi Trẻ Tùy tính chất phiên tòa Nên sửa quy định theo hướng đối với những phiên tòa bình thường thì chỉ cần thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu. Với những phiên tòa nhạy cảm, phức tạp thì tòa nên tổ chức họp báo, thông báo trước để các báo chuẩn bị giấy tờ đăng ký, sau đó tòa xem xét cấp thẻ đeo cho nhà báo như lâu nay vẫn làm. Làm như vậy vừa đảm bảo tính kỷ luật, vừa tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp. Nhà báo Hồ VĂN ÚT, báo Bình Dương |
Theo THANH TÙNG (PLO)
_______________________
Hãy kiếm tiền cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông ......
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.35659523"
CÁC TIN LIÊN QUAN
-
Phần 3 Phương thức pháp lý áp dụng đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
-
Làm thế nào để báo chí không bị làm khó khi chống tham nhũng?
-
Thấy gì qua vụ xử “buộc tham ô không được thì cột tội khác”?
-
Mua chung cư phải nộp tiền đất: "Bất hợp lý, phi thị trường"
-
Phần 2 Phương thức pháp lý áp dụng đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê