Thứ hai, 28-07-2014 , 03:30:00 PM

Tưởng gửi xe vào bãi và cất thẻ từ trong túi là an toàn, nào ngờ khi báo mất xe thì bãi xe cho biết dữ liệu lưu trữ trong máy hôm đó bị mất.

Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm xử vụ tranh chấp hợp đồng gửi giữ xe giữa ông NMHT (ngụ quận 11) với Công ty TNHH Phát triển CAV. Vụ án gây chú ý khi việc mất xe diễn ra tại bãi xe áp dụng công nghệ gửi giữ hiện đại (còn gọi là bãi giữ xe thông minh) nhưng khi có sự cố thì bên giữ xe bảo dữ liệu lưu trữ bị mất.

Công nghệ hiện đại

Tháng 1-2014, ông T. nộp đơn khởi kiện ra TAND quận 12 (nơi Công ty CAV đặt trụ sở) để đòi bồi thường chiếc xe SHi của ông bị mất.

Ông T. trình bày ông ngụ tại chung cư Phú Thọ, quận 11. Bãi giữ xe tại chung cư này do Công ty CAV quản lý. Tháng 1-2011, ông ký thỏa thuận gửi giữ xe tháng với công ty tại bãi xe chung cư. Công ty yêu cầu ông đưa bản phôtô giấy đăng ký xe để làm thẻ giữ xe tháng. Sau đó công ty đưa thẻ giữ xe SHi biển số như cung cấp để ông giữ và quản lý. Mỗi tháng ông phải trả phí giữ xe là 140.000 đồng.

Quy trình gửi xe như sau: Sau khi đăng ký gửi xe tháng, Công ty CAV cấp cho ông T. một thẻ xe (thẻ từ) có mã vạch. Thẻ này chỉ sử dụng cho xe mà ông T. đã đăng ký. Khi cho xe vào bãi, người giữ xe sẽ quét mã vạch xác nhận xe đã đưa vào bãi và khi lấy xe ra, bên giữ xe sẽ quét mã vạch để xác nhận đúng chiếc xe và người gửi xe đã lấy xe ra. Mỗi lần gửi và lấy xe, ông T. đều phải xuất trình thẻ cho nhân viên bãi xe quét thẻ.

Một bãi giữ xe sử dụng thẻ từ. Ảnh: HY

Dữ liệu bị mất tại thời điểm mất xe (!?)

Theo ông T., tối 3-11-2011, ông đem xe vào bãi, đến 14 giờ ngày hôm sau ông xuống bãi lấy xe thì không thấy xe đâu. Ông lập tức báo cho nhân viên bãi xe biết, đồng thời trình báo sự việc cho công an phường. Ông xác nhận khi cho xe vào bãi ông có đưa thẻ cho nhân viên bãi xe, còn việc nhân viên có quét thẻ hay không thì ông không biết.

Ông T. cho biết thêm bãi xe có camera ghi hình và khi phát hiện mất xe ông có yêu cầu nhân viên bãi xe cho xem lại dữ liệu ghi hình. Tuy nhiên, nhân viên bãi xe lại hẹn ông đến 9 giờ sáng hôm sau. Hôm sau, ông được báo là camera không hoạt động từ ba tháng trước nên không lưu lại hình ảnh gửi và lấy xe của ông.

Ông T. khẳng định người nhà ông đều có xe riêng nên chiếc SHi chỉ mình ông sử dụng. Tại thời điểm trước khi mất xe, ông không cho ai mượn xe. Sau khi mất xe, ông nhiều lần liên hệ với Công ty CAV đòi bồi thường nhưng không thấy có thiện chí nên phải đi kiện.

Ngược lại, phía công ty không đồng ý bồi thường vì cho rằng mình không làm mất xe. Phía công ty cho rằng ông T. đã lấy xe không xuất trình thẻ và không gửi lại bãi vào ngày 3-11-2011 như ông này trình bày.

Người làm chứng (là nhân viên bãi xe) cho rằng khi nghe ông T. nói mất xe, người có thẩm quyền kiểm tra máy tính và đầu ghi hình thì phát hiện dữ liệu không lưu trữ trên ổ cứng từ 26-8-2011 đến 4-11-2011. Sau đó, người này bật chế độ ghi hình trên đầu ghi thì nó mới bắt đầu hoạt động. Sở dĩ ghi hình camera không lưu dữ liệu trước đó là vì mất điện. Nhân viên khẳng định nhân viên bãi xe không thể truy cập vào đầu ghi hình vì không biết mật mã.

Nghị án kéo dài vì vụ án phức tạp

Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2014, TAND quận 12 nhận định phía bị đơn cho rằng ông T. và cha ông đã lấy xe ra vào tối 31-10-2011, sau đó không đem xe quay lại nhưng không có chứng cứ chứng minh do camera đã bị hư từ tháng 6-2011. Từ đó, tòa buộc phía Công ty CAV có trách nhiệm bồi thường hơn 138 triệu đồng trị giá chiếc SHi bị mất theo định giá.

Không đồng tình, Công ty CAV kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm, hàng loạt câu hỏi được đặt ra với phía công ty. Chẳng hạn công ty có chứng minh được camera trong thời gian đó do cúp điện không ghi hình được mà không có sự can thiệp khác từ con người không vì sang ngày hôm sau mới cung cấp băng ghi hình? Cúp điện camera không hoạt động nhưng máy quét thẻ vẫn hoạt động, vậy công ty có cung cấp được dữ liệu cuối cùng ra vào của xe ông T. không? Và liệu có tác động từ con người làm thay đổi dữ liệu không?...

Tranh luận tại tòa, công ty cho rằng khi ông T. cho xe vào nói có đưa thẻ vào bãi cho nhân viên tên Hiếu nhưng người này là người sắp xếp xe, không phải kiểm soát xe. Sự việc mất xe không chứng minh được bãi xe làm mất, không có chứng cứ ông T. đã đưa xe vào bãi. Ông T. thường cho xe ra vào bãi mà không quét thẻ. Mặt khác, nhân viên bãi xe vào làm phải đóng ký quỹ cả trăm triệu đồng nên không thể có hành vi gian dối...

Phát biểu quan điểm, VKS cho rằng công ty không chứng minh được kháng cáo có căn cứ nên đề nghị tòa tuyên y án sơ thẩm. HĐXX cho rằng vụ án phức tạp nên kéo dài thời gian nghị án, dự kiến ngày 30-7 sẽ tuyên án.

Rủi ro pháp lý cho người gửi xe

Gửi xe bằng thẻ từ thoạt nghe tưởng rằng sẽ an toàn, tiện lợi nhưng ngẫm kỹ không phải như vậy. Sự an toàn, tiện lợi nếu có thì chỉ mỗi nhà xe là được hưởng, còn người gửi xe thì chỉ toàn chịu thiệt khi có sự cố xảy ra.

Lâu nay người gửi khi đưa xe vào bãi gửi, bên giữ xe sẽ ghi số lên thẻ và giao thẻ đó cho người gửi. Người gửi chỉ cần giữ cái thẻ của mình, bất cần biết là bên giữ có lưu cùi vé (thẻ) hay ghi số thẻ trên xe, miễn sao mình đưa thẻ để lấy xe, nếu mất xe (mà thẻ/vé/phiếu gửi xe còn trong tay) thì bên giữ xe phải chịu trách nhiệm.

Thế nhưng trong vụ này, với chiếc thẻ từ trong tay, người gửi xe xem ra không nắm giữ gì để chứng minh mình đã đưa xe vào gửi trong bãi. Nghĩa là mọi bằng chứng chứng minh việc mình đã đưa xe vào gửi (quét thẻ từ để lưu vào máy và/hoặc camera lưu lại hình ảnh mình đã đưa xe vào bãi gửi) đều do bên giữ xe nắm. Rủi ro ở chỗ khi xe bị mất (do kẻ gian đột nhập lúc cúp điện, lúc camera bị trục trặc... hoặc do nhân viên giữ xe là kẻ gian) mà bên giữ xe hoặc do sự cố kỹ thuật, hoặc do chủ động xóa sạch dữ liệu thì người gửi chỉ có nắm đằng lưỡi. Khi đó với chiếc thẻ từ trong tay, người gửi sẽ chứng minh được gì? Rõ ràng hợp đồng gửi giữ tài sản trong trường hợp này đã chứa đựng nội dung mang tính bất bình đẳng, trong đó bên gửi tài sản chịu nhiều rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, cũng với chiếc thẻ từ nhưng ở các bãi xe nhà hàng, siêu thị... thì lại khác. Chỉ khi người gửi đưa xe vào gửi thì bên giữ mới giao chiếc thẻ từ, khi lấy xe ra thì thẻ từ bị thu lại. Nói cách khác, chiếc thẻ từ lúc này có giá trị như chiếc vé/phiếu/thẻ xe - bằng chứng cho thấy chúng ta đã đưa xe vào gửi.

Có lẽ các nhà xe chung cư cũng nên áp dụng như ở siêu thị, nhà hàng (chỉ khi đưa xe vào gửi thì mới giao thẻ), thay vì lúc nào người gửi xe cũng giữ chiếc thẻ từ bên mình mà chẳng thể chứng minh được gì.

NGÔ BÌNH

Chỉ có bãi xe mới nắm dữ liệu

Điều tra viên một quận cho biết từng có vụ mất xe SH gửi tháng trong bãi giữ xe thông minh. Sau đó, công an phát hiện chính người bảo vệ bãi xe đã thông đồng với người ngoài lấy xe ra.

Vị này phân tích với cách giữ mới này, người gửi xe phải khai báo lưu hình dạng cá nhân, thông tin về xe như loại xe, biển số xe, sau đó được cung cấp thẻ từ để quét mã vạch khi ra vào. Tuy nhiên, hai mặt thẻ đó trắng hoàn toàn, không có dữ liệu ghi bên ngoài (chỉ có bãi xe lập trình trong máy mới biết), người khác có lượm được thẻ cũng không thể biết xe đó là xe nào để lấy xe nếu có ý gian.

Khi bị mất thẻ, người gửi khai báo thông tin biển số, giờ gửi…, người giữ xe sẽ truy xuất hình ảnh lưu để nhận dạng, so sánh và giải quyết. Vì vậy để có thể lấy xe ra khỏi bãi ngoài người gửi thì chỉ có người nắm thông tin dữ liệu lưu trong hệ thống mới làm được.

Điều tra viên này cho biết cũng có trường hợp mất xe máy trong bãi xe thông minh do cúp điện. Cụ thể là vào ban đêm, lợi dụng lúc camera chụp hình xe bị mất điện và nhân viên quét mã vạch đầu ra không chú ý, kẻ gian lợi dụng dẫn xe ra.

Theo ÁI MINH (PLO)
_________________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.35659523"

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê