Thứ sáu, 08-08-2014 , 08:47:00 AM

Nếu chỉ đánh giá giản đơn rằng kề dao vào cổ rồi lấy tài sản là phạm tội mà không đặt hành vi này trong chuỗi sự việc liên quan đến mối quan hệ tình cảm thì dễ làm oan một con người.

LTS: Trên số báo hôm qua (7-8), chúng tôi có đăng bài 'Cướp vàng của người tình" phản ánh chuyện chỉ vì xích mích tình cảm mà một cô gái bị kết án bảy năm tù về tội cướp tài sản.

Sau khi báo ra, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến, trong đó đa phần cho rằng cơ quan tố tụng kết tội như vậy là khiên cưỡng, làm oan người vô tội.

Không có dấu hiệu tội phạm ở đây!

Vụ án có hai thời điểm và hai hành động giữa các bên, cần quan tâm và phân tích cho rõ. Thứ nhất, tình tiết có trong bút lục hồ sơ vụ án thể hiện bị hại khai tại cơ quan điều tra (CQĐT): “Trong quá trình xảy ra mâu thuẫn, tôi bị Mai tát hai cái vào mặt và làm sợi dây chuyền rớt ra. Lúc này Mai bỏ vào túi”. Nếu đúng như vậy thì hành vi lấy dây chuyền của bị cáo không phạm tội cướp vì tính đến thời điểm này bị cáo chưa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, thời điểm và hành vi xuất hiện liền ngay sau đó (qua lời khai của bị hại có trong bút lục): “Tiếp đó, Mai lấy con dao kề vào cổ và yêu cầu tháo nhẫn ra, tôi nói cổ (cô ấy) cầm đi, mai nói chuyện…”. Nếu chỉ đánh giá đơn thuần thì đây là hành vi dùng vũ lực cướp tài sản nhưng khi bị hại nói “cầm đi, mai nói chuyện” thì hành vi lấy nhẫn vàng không phải là cướp và cũng không phạm tội gì. Bởi vì khi nói như vậy thì có nghĩa là bị hại đã mặc nhiên thừa nhận việc bị cáo cầm giữ tài sản của mình để thương lượng chuyện tình cảm.

Chi tiết này phù hợp với những lời khai của bị cáo về chuyện tình cảm zíc zắc giữa hai người, đây cũng là nguyên nhân của việc cự cãi. Thực tế thì hai người không xa lạ gì nhau và mục đích của lần gặp đó là để nói chuyện tình cảm và việc lấy tài sản của bị cáo là một hành động kiểu “dằn mặt” cho bõ ghét. Khi bị hại nói như vậy chứng tỏ rằng hai người cùng chung một ý chí là còn hẹn nhau nói chuyện tiếp và tài sản là vật ràng buộc. Bị cáo có dùng vũ lực nhưng không có ý chiếm đoạt tài sản, còn bị hại không tê liệt sức kháng cự mà còn thương lượng và đồng ý với việc lấy tài sản của bị cáo.

Từ khi bị khởi tố đến nay, bị cáo Lê Thị Ngọc Mai vẫn được cho tại ngoại. Ảnh: DH

Cạnh đó, bị cáo còn khai hôm sau có cầm nhẫn và dây chuyền sang chỗ bị hại nhưng không gặp và đi dạy kèm luôn. Như vậy, khi xâu chuỗi tất cả sự kiện thì chúng ta thấy hành vi của bị cáo không có dấu hiệu tội phạm mà đây chỉ là trục trặc trong quan hệ tình cảm nội bộ giữa hai người. Tòa cấp phúc thẩm cần đánh giá, phân tích kỹ những điều chưa được làm sáng tỏ như trên và có thể hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Căn cứ kết tội chưa vững chắc

Theo nội dung vụ án, sau khi sự việc xảy ra, Ngữ gọi điện thoại cho L. (ở cùng phòng với Mai) nói: “Mai vừa lấy tiền của tao”. Sau khi về phòng, L. có hỏi chuyện và Mai trả lời: “Ông Ngữ đưa giữ giùm”. Đây là nhân chứng gián tiếp, nhân chứng này chỉ nghe nói chứ không hề chứng kiến nên khó có căn cứ để xem xét.

Vụ án này chỉ có hai lời khai duy nhất của bị cáo và bị hại, ngoài ra không có một lời khai nào khác. Tại CQĐT và tại phiên tòa bị cáo phản cung kêu oan thì khó có căn cứ để kết tội. Việc bị cáo phản cung thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về CQĐT. ở đây, chỉ có duy nhất hai lời khai và hiện hai lời khai này mâu thuẫn nhau thì việc quy tội cho bị cáo là chưa có căn cứ vững chắc. Nếu có kháng cáo, kháng nghị thì cấp phúc thẩm cần xem xét xử lý theo hướng trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Thẩm phán PHẠM TỒNPhó Chánh án TAND TP Đà Nẵng

Bị hại không hề tê liệt về ý chí

Vụ án này xảy ra trong một mối quan hệ đặc biệt. Trong cuộc sống vợ chồng có lúc xảy ra mâu thuẫn, nhiều khi còn cầm dao rượt nhau. Trong mối quan hệ của Mai và Ngữ cũng vậy, dù không được xã hội và pháp luật thừa nhận nhưng thực tế họ có mối quan hệ tình cảm và chung đụng với nhau, cả về thể xác lẫn tài sản vật chất. Mối quan hệ lén lút đôi khi còn có sự thân thiết hơn, tin tưởng hơn, nhiều khi còn rất mù quáng. Nên việc Mai hành xử trong hoàn cảnh này cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh và theo tôi, không nên truy cứu hình sự đối với Mai.

Để chứng minh bị cáo có tội thì không phải chỉ nhìn vào hành vi mà cần xem xét tường tận về ý thức của cả bị cáo lẫn bị hại. Ở đây, bị cáo có dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng vũ lực này nhằm vào mục đích gì? Để lấy tài sản hay để yêu cầu bị hại xin lỗi? Đặc biệt, yếu tố cấu thành tội cướp tài sản phải đảm bảo “bị hại rơi vào tình trạng không thể chống cự được”. xét về tương quan lực lượng thì Mai hoàn toàn yếu thế hơn so với bị hại. Xét về không gian thì bị hại cũng hoàn toàn có thể kêu cứu. Vì vậy cần làm rõ ý chí của bị hại khi bị Mai kề dao vào cổ. Theo lời khai của bị hại tại CQĐT có trong bút lục thì bị hại nói: “Cầm đi, mai nói chuyện”. Điều đó chứng tỏ bị hại hoàn toàn có thái độ bình tĩnh và có sự hẹn hò, thỏa thuận. Như vậy không hề có chuyện ý chí của bị hại bị tê liệt.

Luật sư NGUYỄN THỊ HƯỜNGĐoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Cần đánh giá kỹ bối cảnh dẫn đến hành vi

Tôi muốn nói đến nguyên nhân của hành vi lấy tài sản của bị cáo, nó mang tính chất nội bộ giống kiểu gia đình. Trong vụ này rõ ràng xuất phát từ câu chuyện tình cảm ngang trái giữa hai người nên bị cáo mới hành động như vậy. Theo quy luật tình cảm thông thường, khi quá tức giận, người ta có thể hành động thái quá, không theo suy nghĩ ban đầu. Hơn nữa, bị cáo mang tâm lý của một người bị phụ tình, bị cảm thấy tổn thương mất mát lớn mà không gì bù đắp được.

Báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh một vụ vì cự cãi trong quán ăn rồi hắt ly bia vào mặt ông cán bộ thuế mà người thực hiện phải chịu tội làm nhục người khác. Có đáng hay không khi xử lý những hành vi được coi là chuyện mâu thuẫn thường ngày như vậy?

Cuối cùng theo tôi, mục đích của hình phạt trong BLHS là phòng ngừa, răn đe và cải hóa người lầm lỗi chứ không phải chà đạp hay cố ý tước đi cơ hội của công dân. Do vậy những người thực thi pháp luật cần thấm nhuần quan điểm ấy mà đánh giá, phân tích thật kỹ từng trường hợp.

Luật sư HUỲNH NGỌC HOÀNGĐoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Từ yêu người có vợ đến bản án bảy năm tù

Theo hồ sơ, Lê Thị Ngọc Mai (sinh năm 1980) có quan hệ tình cảm với Trần Ngọc Ngữ (sinh năm 1961, đã có vợ con). Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi Ngữ làm việc. Khi trò chuyện, Mai và Ngữ xảy ra mâu thuẫn, Mai tát Ngữ hai cái làm sợi dây chuyền trong cổ Ngữ văng ra, Mai cất vào túi. Tiếp đó, Mai lấy con dao (có sẵn nơi Ngữ làm) dùng sống dao kê vào cổ Ngữ, Ngữ tháo chiếc nhẫn ra đưa Mai và nói: “Về đi, mai nói chuyện”. Mai bỏ dao ra về, Ngữ không hề hô hoán kêu cứu, dù trong xưởng có bảo vệ.

Sau đó do Ngữ tố giác nên Mai bị truy tố và bị xử bảy năm tù về tội cướp tài sản.

Tại tòa, Mai khai sau đêm xảy ra vụ việc, sáng hôm sau Mai đem theo vàng đến chỗ Ngữ để nói chuyện nhưng không gặp nên về lại phòng mình cất rồi đi dạy kèm. Đang dạy thì nhận tin Ngữ tố cáo mình và về trụ sở công an làm việc. Tại đây, công an có hỏi và Mai thừa nhận đang giữ vàng của Ngữ nhưng chỉ đưa khi có mặt Ngữ. Tối hôm sau nữa, Ngữ hẹn Mai ra quán, rằng: “Em ra đây, có công an ở đây, anh hứa sẽ rút đơn”. Kèm theo đó, Ngữ yêu cầu Mai viết một tờ cam đoan với nội dung sẽ không kiện cáo Ngữ về hành vi vu khống. Tuy nhiên, sau đó Ngữ không rút đơn.

Tại phiên tòa, Mai nói như khóc: “Để giải quyết quyền lợi và danh dự của anh trước công ty mà anh đẩy tôi tới đường cùng thế này sao!”.

Đã cấu thành tội phạm

Theo tôi, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản vì việc sử dụng dao để khống chế người khác lấy tài sản đi sai phạm. Việc bị cáo không có ý định chiếm đoạt từ đầu và không dùng lưỡi dao kề cổ không phủ nhận được việc bị cáo lấy tài sản mang đi khỏi hiện trường. Điều 133 BLHS quy định rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội.

Tất nhiên, trong vụ này nguyên nhân điều kiện và hoàn cảnh phạm tội cần được xem xét và đánh giá kỹ vì nó xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm nam nữ. Nhưng không vì thế mà khỏa lấp được quy định của pháp luật về cấu thành tội phạm, có chăng là chỉ để xem xét mức án nặng hay nhẹ. Nhưng bị cáo bị truy tố ở khoản 2 với tình tiết tăng nặng là sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm (mức án từ bảy đến 15 năm), tòa tuyên bị cáo bảy năm là có xem xét. Do bị cáo không thành khẩn khai báo nên không thể áp dụng Điều 47 để xử mức án dưới khung hình phạt truy tố. Theo tôi, phần tội danh và mức án là hợp lý.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn: PLO
________________________

Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.35659523"

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê