Muốn thay đổi họ tên phải làm thế nào?
Thứ năm, 01-01-2015 , 10:17:00 AM
Dịch vụ pháp luật doanh nghiệp của Luật Á Đông giúp bạn An Toàn, An Tâm và An Phát trong kinh doanh
****************
Câu hỏi: Tôi năm nay 43 tuổi (sinh năm 1972). Khi sinh ra, cha mẹ đặt tên cho tôi quá xấu (do quan niệm để dễ nuôi). Giờ đây, cái tên xấu làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc và các quan hệ của tôi. Do đó, tôi muốn đổi tên cũ thành tên khác, nhưng không rõ co thực hiện được không? nếu được thủ tục như thế nào? cơ quan nào giải quyết? Sau khi được đổi tên mới rồi thì các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh, hộ khẩu...có được đổi qua tên mới không? Huỳnh văn Thú (Đống Đa, Hà Nội)
Trả lời: Về vấn đề ông hỏi, căn cứ theo các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản pháp luật liên quan, công ty Luật Á Đông xin trả lời như sau:
Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về quyền thay đổi họ, tên của cá nhân:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì một trong những phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch là “Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng cá nhận có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Do đó, nếu bạn chứng minh được việc sử dụng họ, tên có thể gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đổi họ, tên cho mình.
- Thủ tục đăng ký thay đổi họ, tên
Theo Điều 38 của Nghị định 158 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 06 ngày 2-2-2012 của Chính phủ) thì hồ sơ phải nộp bao gồm:
+ Tờ khai (theo mẫu quy định)
+ Bản chính giấy khai sinh của người cần thay đổi họ, tên
+ Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên.
- Hình thức nộp hồ sơ: Người yêu cầu thay đổi họ, tên có thể trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính. Trong trường hợp gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực. Nếu nộp hồ sơ trực tiếp thì nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.
-Thẩm quyền đăng ký thay đổi họ, tên: UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên. Riêng đối với việc thay đổi họ, tên cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trước đây đã đăng ký khai sinh trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, thì phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp.
- Thời hạn giải quyết : Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ, tên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ của phòng tư pháp ghi vào sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và quyết định về việc thay đổi họ, tên. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính quyết định về việc thay đổi họ, tên (bản sao quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự). Nội dung và căn cứ thay đổi họ, tên phải được ghi chú vào cột ghi những thay đổi sau này của sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính giấy khai sinh.
Như vậy, chỉ sau khi ông có quyết định cho phép thay đổi họ, tên của cơ quan có thẩm quyền thì bấy giờ ông căn cứ vào đó để đổi tên mới trong các giấy tờ liên quan khác.
Ls Đức Anh( Công ty Luật Á Đông)
______________________
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê