Trong bản án phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ngoài việc tuyên hủy phần liên quan đến hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng để điều tra, xét xử lại theo hướng tội tham ô tài sản, tòa phúc thẩm còn sửa án sơ thẩm trong phần liên quan đến các bị cáo cho vay lãi nặng. Theo đó, tòa tuyên tịch thu toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi của các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng (gồm cả trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị). Trước đó, tòa sơ thẩm chỉ tuyên tịch thu sung công 150 tỉ đồng nhưng tòa phúc thẩm đã buộc tất cả các bị cáo này phải nộp tổng cộng hơn 9.000 tỉ đồng để sung quỹ nhà nước.
Có lẽ đây là vụ án không chỉ có vấn đề khác biệt về tội danh, về tư cách tham gia tố tụng giữa tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm mà trong việc xác định công cụ, phương tiện phạm tội giữa tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm cũng rất khác nhau.
Sung quỹ nhà nước chưa chuẩn xác
Thực tiễn xét xử các vụ cho vay lãi nặng, các tòa chỉ tịch thu sung quỹ nhà nước khoản tiền “lãi nặng” là tiền “thu lợi bất chính” chứ chưa có trường hợp nào tịch thu cả số tiền gốc mà các bị cáo dùng để cho vay. Nhưng trong vụ Huyền Như, tòa phúc thẩm lại xác định tiền gốc là “phương tiện phạm tội” để rồi quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước. Đây là chuyện chưa từng có.
Theo điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS thì công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Tại điểm b khoản 1 điều này thì vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có cũng bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Bị cáo Huyền Như trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN
Đối với tội cho vay lãi nặng, đúng là số tiền gốc là “phương tiện” phạm tội nhưng không phải cứ là phương tiện phạm tội thì tịch thu. Nếu không có số tiền đó thì làm sao thực hiện được tội phạm? Tương tự, đối với tội buôn lậu, kinh doanh trái phép…, nếu không có tiền gốc bỏ ra để buôn lậu, để kinh doanh trái phép thì làm gì có tội buôn lậu hay kinh doanh trái phép. Chẳng lẽ khi xét xử loại tội phạm này tòa phải tịch thu cả số “tiền gốc” mà người phạm tội bỏ ra để kinh doanh trái phép?
Dấu hiệu đặc trưng của tội cho vay lãi nặng là “số tiền lãi” chứ không phải là tiền gốc bỏ ra để cho vay. Ngay đối với số tiền lãi thì cũng chỉ cósố tiền lãi cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định, đó mới là “tiền thu lợi bất chính”. Việc xác định toàn bộ số tiền lãi là tiền thu lợi bất chính là không đúng quy định của tội cho vay lãi nặng. Lẽ ra tòa phải trừ cho bị cáo số tiền lãi theo quy định của ngân hàng, số tiền chênh lệch cao hơn còn lại mới là tiền thu lợi bất chính. Rất tiếc hiện nay nhiều thẩm phán không nhận thức được đâu là khoản tiền thu lợi bất chính nên cứ tịch thu toàn bộ khoản tiền lãi.
Nếu cho rằng số tiền gốc và lãi của tội cho vay lãi nặng là “vật chứng” của vụ án thì lại càng không đúng vì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra (CQĐT) không thu hồi, các bị cáo cũng không nộp cho CQĐT nên nó không phải là vật chứng của vụ án. Vật chứng của vụ án phải là những thứ mà cơ quan tố tụng thu hồi, bảo quản theo quy định của BLTTHS, còn những gì được xác định là vật chứng nhưng nó không được CQĐT thu hồi thì nó chưa phải là vật chứng để tòa xử lý.
Vật chứng của vụ án có thể bao gồm cả đồ vật, tài sản, tiền, vàng là tài sản hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân chứ không chỉ có tài sản phi pháp. Ví dụ: Trong một vụ án cố ý gây thương tích, CQĐT thu được một con dao và xác định đó là hung khí gây án thì vụ án có “vật chứng” là con dao nhưng vì con dao này không phải hung khí gây án nên tòa tuyên trả cho chủ sở hữu. Không có vật chứng thì lấy gì để CQĐT, VKS hoặc tòa xử lý vật chứng? Tòa chỉ xử lý vật chứng khi và chỉ khi nó đã được thu hồi, bảo quản theo quy định của BLTTHS. Nếu vụ án có vật chứng mà tòa sơ thẩm “quên” không xử lý thì tòa phúc thẩm mới có quyền xử lý dù không có kháng cáo, kháng nghị.
Vượt giới hạn xét xử phúc thẩm
Ngoài ra việc tòa phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với khoản tiền hơn 1.000 tỉ đồng của năm công ty nhưng vẫn y án tù chung thân đối với bị cáo Huyền Như là không đúng quy định của BLTTHS về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm.
Cụ thể, việc tòa sơ thẩm phạt tù chung thân Huyền Như vì xác định bị cáo chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng, tòa phúc thẩm hủy đi hơn 1.000 tỉ đồng nhưng vẫn y án tù chung thân đối với bị cáo là gây bất lợi cho bị cáo trong khi không có kháng cáo hoặc kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo.
Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm chỉ tuyên tịch thu sung công 150 tỉ đồng nhưng tòa phúc thẩm lại sửa bản án sơ thẩm, buộc các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng phải nộp hơn 9.000 tỉ đồng để sung quỹ nhà nước là gây bất lợi cho các bị cáo (không có kháng cáo, kháng nghị buộc các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng phải nộp tiền nhiều hơn). Điều này vừa sai lầm nghiêm trọng về nội dung vừa vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Từ đó, thiết nghĩ viện trưởng VKSND Tối cao hoặc chánh án TAND Tối cao cần kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ, phúc thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu cho toàn diện và đúng quy định của pháp luật.
Sáng 7-1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy một phần bản án liên quan đến việc Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank Berjara, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc để điều tra, xét xử lại. Quá trình điều tra, nếu thấy có dấu hiệu của tội tham ô thì tiếp tục xem xét, xử lý những người có liên quan. Ngoài ra, tòa bác yêu cầu của các cá nhân, tổ chức (ACB, NaviBank) buộc VietinBank có trách nhiệm bồi thường, tuyên buộc bị cáo Như cùng đồng phạm có trách nhiệm liên đới trả cho bị hại như án sơ thẩm đã tuyên. Cạnh đó, tòa cũng tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank Nhà Bè) để điều tra, xét xử lại về hành vi lừa đảo Công ty Hưng Yên… Tòa kiến nghị VKSND Tối cao khởi tố Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc VietinBank TP.HCM); kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi của Vũ Hồng Hạnh, nguyên giám đốc Công ty Phương Đông, xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ, nguyên giám đốc VietinBank TP.HCM... Về mức án, tòa tuyên y án tù chung thân đối với Huyền Như. Các bị cáo khác một số y án sơ thẩm, có người bị tăng án nhưng cũng có nhiều người được giảm án… |