Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Thanh Hải, ngày 26-3-2013, tại Phòng công chứng số 7 (TP.HCM) bà làm hợp đồng mua căn hộ tại lô B chung cư Hùng Vương Plaza (quận 5, TP.HCM) của ông Phạm Tiến Đạt. Sau khi bà Hải đã giao đủ 3,3 tỉ đồng thì phía ông Đạt ký vào biên bản bàn giao nhà vào ngày 5-4-2013 nhưng sau đó ông Đạt không giao căn hộ, gọi điện thoại thì không nghe máy, đến nơi thì nhà đã bị người lạ chiếm giữ.
Một căn nhà bán cho ba người
Bà Hải càng bất ngờ hơn khi tháng 10-2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 5 có thông báo trả hồ sơ xin cấp đổi chủ quyền “giấy hồng” căn hộ từ ông Đạt sang tên bà. Trước đó ông Đạt có đơn xin ngăn chặn với lý do bà Hải chưa trả hết tiền mua căn hộ cho ông.
Bất ngờ hơn nữa khi cùng thời điểm này có hai người nữa cùng có đơn gửi cơ quan cấp giấy xin ngăn chặn việc bà Hải cấp đổi giấy hồng với lý do họ đã đặt cọc mua căn hộ này của ông Đạt nhưng bị bội ước. Người thứ nhất là ông Nguyễn Mạnh Cường (ngụ quận 9) cho rằng ngày 21-3-2013 ông đã có hợp đồng đặt cọc cho ông Đạt 500 triệu đồng, hẹn 45 ngày sau đi công chứng nhưng sau phát hiện căn hộ đã bị bán cho bà Hải. Người thứ hai là ông Nguyễn Thông Thái (ngụ quận Thủ Đức) đặt cọc 100 triệu đồng cho ông Đạt để mua căn hộ trên vào ngày 8-2-2013, hẹn 60 ngày sau đi công chứng nhưng sau đó bị ông Đạt bán cho bà Hải. Các yêu cầu này đều được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 5 tiếp nhận, xử lý.
Từ đây bà Hải làm đơn tố cáo cơ quan công an việc ông Đạt chiếm giữ trái phép tài sản của bà và một tài sản bán cho nhiều người. Thế nhưng đơn tố cáo của bà không có hồi âm. Sau khi Thanh tra quận 5 có phiếu chuyển đề nghị giải quyết theo thẩm quyền thì công an quận mới có văn bản trả lời cho bà là không có cơ sở khởi tố vụ án vì đó là quan hệ dân sự, đồng thời công an hướng dẫn bà khởi kiện ra TAND quận để giải quyết.
Chung cư Hùng Vương Plaza (quận 5, TP.HCM) nơi có căn hộ mà bà Hải cho rằng đã mua xong nhưng ông Đạt chưa giao nhà. Ảnh: T.TÙNG
Giám định bất nhất, tòa khó xử
Bà Hải chưa kịp khởi kiện thì tháng 10-2013 ông Đạt đã khởi kiện bà yêu cầu hủy hợp đồng mua bán căn hộ trên và được TAND quận 5 thụ lý. Phía bà Hải thì cho rằng tất cả giấy tờ giao nhận tiền đã chứng minh bà thực hiện xong nghĩa vụ nên ông Hải mới ký vào biên bản bàn giao nhà. Từ đó bà cũng có yêu cầu phản tố đề nghị tòa bác ý kiến của ông Đạt và buộc ông Đạt phải giao nhà cho bà vì việc mua bán đã xong xuôi. Cụ thể, giấy biên nhận tiền ngày 23-3-2013 ghi rõ bà đã thanh toán xong toàn bộ 3 tỉ 350 triệu đồng, phía ông Đạt thì cũng đồng ý giao nhà ngay, cả hai bên cùng ký.
Quá trình giải quyết vụ án do có yêu cầu nên TAND quận 5 đã trưng cầu giám định chữ ký của ông Đạt trên giấy biên nhận tiền này. Ngày 20-5-2014, Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM (Bộ Công an) có kết luận giám định (do một giám định viên tiến hành) khẳng định chữ ký trên giấy biên nhận tiền là của ông Đạt. Tài liệu so sánh gồm 18 mẫu chữ ký của ông Đạt trong các giấy tờ như hợp đồng công chứng mua bán nhà, biên bản giao nhà, đơn khởi kiện, ủy nhiệm chi tại ngân hàng, biên bản lời khai, giấy ủy quyền…
Không đồng ý với kết quả này, phía ông Đạt khiếu nại nên giữa năm 2014 TAND quận 5 lại phải trưng cầu giám định lần hai. Sau đó Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM (Bộ Công an) gửi tòa kết luận giám định lại (do hai giám định viên tiến hành). Lần này phân viện lại đưa ra kết quả hoàn toàn trái ngược với kết quả lần trước. Cụ thể, kết luận cho rằng chữ ký trên không phải của ông Đạt. Tài liệu so sánh lần hai là 20 mẫu chữ ký gồm toàn bộ 18 mẫu như lần thứ nhất và hai hợp đồng bán nhà (hợp đồng tay) của ông Đạt cho người khác cùng ngày ông ký bán căn hộ cho bà Hải tại phòng công chứng.
Chính vì kết quả giám định mâu thuẫn này mà từ khi thụ lý vụ án đến nay đã gần hai năm mà TAND quận 5 vẫn chưa thể đưa vụ án ra xét xử.
Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.
Có thể sẽ giám định lần ba Mới đây, TAND quận 5 có mời bà Nguyễn Thị Thanh Hải lên để hỏi ý kiến đối với kết luận giám định lần hai. Phía bà Hải nói không đồng ý với kết quả này. Bà cho rằng cùng một nội dung giám định, cùng cơ quan giám định nhưng kết quả lại khác nhau là điều mâu thuẫn, bất thường. Từ đó bà Hải cho rằng không thể lấy kết quả giám định lần hai làm cơ sở để xét xử và yêu cầu tòa trưng cầu giám định lại tại một cơ quan giám định ở nước ngoài, các chi phí giám định phía bà sẽ chịu. Tòa cho rằng yêu cầu của bà Hải về giám định lại ở một tổ chức khác trong nước thì có thể xem xét, còn trưng cầu giám định ở nước ngoài thì luật không quy định. |