“Giọt máu đào hơn ao nước lã, cùng chung giọt máu không thương sao đặng? Nhưng nó sống như vậy thì tôi không thể nào chấp nhận”. “Ba mẹ mất rồi, nếu biết bảy anh em chúng tôi kéo nhau ra tòa lôi chuyện ba có con riêng để tranh giành, ba mẹ sẽ buồn lắm…”. Đó là những lời tâm sự với nhiều sắc thái tình cảm của các đương sự trong vụ kiện khá hi hữu mà TAND TP Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm.
Bỗng đâu lòi ra “thằng tám”
Lúc sinh thời, vợ chồng ông N. có tạo lập được mảnh đất mặt tiền tại một quận trung tâm TP Đà Nẵng. Năm 1997, ông N. qua đời không để lại di chúc. Năm 2012, vợ ông cũng qua đời. Lần này bà để lại di chúc thể hiện ý muốn chia đều tài sản của bà cho bảy đứa con. Thế nhưng khi bảy anh em muốn bán nhà để chia nhau thì ông T. (người con thứ hai) không chấp nhận khiến cho việc chia tài sản kéo dài.
Ảnh chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết. Ảnh: HTD
Thỏa thuận không có kết quả, năm 2013, bà H. (chị cả) làm đơn khởi kiện ông T. ra TAND quận Thanh Khê để chia tài sản chung và chia tài sản theo di chúc. Khi sự việc đang được tòa giải quyết thì bất ngờ ông T. (bị đơn) tuyên bố cha mình còn có thêm… một người con thứ tám. Ông đề nghị tòa công nhận người con này của cha mình để người em đó được nhận một phần tài sản thừa kế của cha để lại.
Theo ông T., thời trai trẻ, cha mình có quan hệ với một phụ nữ ở Quảng Trị và năm 1980 hai người có với nhau một người con trai, đặt tên là Đ. Dù cha không công khai với vợ và các con nhưng trong dòng họ có nhiều người biết đến đứa con này. Cụ thể, cha ông đã nhiều lần cùng các em gái (các cô của ông T.) đi thăm Đ., giấy khai sinh của Đ. cũng ghi rõ cha đẻ là ông N. (tức cha ruột ông). Khi Đ. cưới vợ, cha ông và các chú (em trai của cha) ra Quảng Trị để làm chủ hôn. Từ đó, ông T. cho rằng dù cha ông đã mất nhưng bảy anh chị em phải nhìn nhận đứa em này và chia cho em một phần tài sản.
“Xét nghiệm chỉ làm cho em đau lòng”
Nguyên đơn và năm người em còn lại (những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) lại cho rằng Đ. không có quan hệ huyết thống với mình. Lý do mà họ đưa ra là: “Đ. là người thiếu đạo đức, không có tình thương với cha mình và chưa có kết quả giám định ADN thì không thể chấp nhận sự thật này”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, do ông T. không chứng minh được Đ. là con trai của cha mình nên tòa tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà T., chia tài sản thành bảy phần.
Ông T. kháng cáo.
Lên phúc thẩm, ban đầu ông T. làm đơn yêu cầu xét nghiệm ADN để có cơ sở giải quyết vụ án. Tuy nhiên, sau đó ông rút đơn, không yêu cầu xét nghiệm ADN nữa.
Khi tòa hỏi về lý do thay đổi, ông T. trả lời: “Tôi đã hơn 50 tuổi, khi biết mình có một người em chưa được thừa nhận danh phận, tôi rất buồn. Nó cũng là con của cha nên phải được nhận một phần tài sản của cha để giảm đi một phần vết thương lòng. Sau khi làm đơn yêu cầu xét nghiệm ADN, ba đêm liền tôi không sao ngủ được. Tôi nghĩ tại sao mình đã chấp nhận nó là em mà còn phải xét nghiệm ADN nữa, như thế sẽ làm tổn thương em nó. Vì vậy tôi xin rút lại yêu cầu xét nghiệm”.
Chấp nhận có thêm một người em
Trình bày với tòa, bà H. và những người em đều cho rằng cha họ chỉ có bảy người con. trong giấy tờ, sổ sách, lý lịch của ông cũng đều khai như thế, họ chưa từng biết đến người con thứ tám này.
Tòa hỏi có biết đến người tên Đ. không. Nguyên đơn và những người em đều cho rằng “có biết khi nghe T. nói” và “có một lần Đ. đến dự tòa”. “Trong lần Đ. đến dự tòa, tôi có nhìn mặt nhưng không thấy giống tôi nên đó không phải là em tôi. Ba tôi là người có đạo đức, nếu có con riêng chắc chắn ba tôi sẽ nói, nếu khó nói ba sẽ viết thư tay gửi riêng để chúng tôi nhìn nhận nhau. Nhưng khi còn sống, ba tôi chưa từng nói về người con này. Thêm nữa, nếu là con của ba tôi thì tại sao ngày ba tôi mất người này không đến thắp hương” - một người em của bà H. nói.
Gần kết thúc phiên tòa, nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hội ý và cho rằng tài sản chẳng đáng bao nhiêu nên chấp nhận chia cho Đ. một phần tài sản của cha. Dù vậy, họ vẫn nói trước tòa: “Tôi chấp nhận chia tài sản để giải quyết vụ án nhanh chóng”. Tương tự, ông T. xin tòa giải quyết theo pháp luật.
***
Cuối cùng, TAND TP Đà Nẵng cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, theo quy định của BLTTDS thì thời hiệu khởi kiện chia tài sản thừa kế là 10 năm, tòa chỉ áp dụng không thời hạn khi các bên không có tranh chấp về hàng thừa kế. ở đây ông N. đã chết 17 năm thì các bên mới khởi kiện tranh chấp. Ra tòa, bị đơn cho rằng Đ. là con trai của cha mình nên được xem là có sự tranh chấp về hàng thừa kế. Vì lẽ đó tòa hủy án sơ thẩm, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
Trao đổi với phóng viên, chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Bùi Trọng Danh, cho biết trong vụ án này có hai vấn đề cần tách bạch. Cụ thể, việc chia tài sản thừa kế của người cha do có tranh chấp hàng thừa kế nên đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng việc chia tài sản thừa kế theo di chúc của bà mẹ để lại thì không có tranh chấp hàng thừa kế nên tòa vẫn giải quyết. Tuy nhiên, do cấp sơ thẩm đang còn có sự lấn cấn giữa hai vấn đề này nên cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án, không đình chỉ mà giao lại cho cấp sơ thẩm xử lại theo trình tự, thủ tục chung nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên. |