Thứ tư, 19-11-2015 , 02:58:00 PM

Hiện nay trong án dân sự, thương mại..., nếu cá nhân, tổ chức từ chối cung cấp chứng cứ thì tòa bó tay dù việc giải quyết án gặp khó khăn.

Tháng 8-2015, hai ông TTM và LVT (cùng ngụ quận 5, TP.HCM) đại diện cho một số đồng nguyên đơn khởi kiện tranh chấp việc chuyển nhượng góp vốn với ba bị đơn và được TAND TP.HCM thụ lý, giải quyết.

Tòa yêu cầu, doanh nghiệp từ chối

Sau đó, hai ông M. và T. đã có đơn đề nghị Công ty T. (bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cung cấp một “biên bản thỏa thuận thuê lại đất và mua bán tài sản gắn liền trên đất” vì cho rằng đây là chứng cứ cần thiết cho việc khởi kiện của mình. Công ty T. đã từ chối với lý do để bảo mật thông tin và các tài liệu giao dịch của công ty đối với khách hàng. Công ty T. cũng cho biết chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu khi có văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vì vậy, ông M. và T. đành phải nhờ tòa. Ngày 11-9, TAND TP.HCM đã có quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ gửi đến Công ty T. Theo tòa, công ty này đang quản lý, lưu giữ chứng cứ đó và yêu cầu của hai nguyên đơn về việc này là có cơ sở, cũng như việc yêu cầu cung cấp chứng cứ là cần thiết cho việc giải quyết án.

Hơn 10 ngày sau, Công ty T. có văn bản gửi tòa cho biết các hợp đồng, phụ lục, hóa đơn tòa yêu cầu cung cấp được ký với khách hàng là một doanh nghiệp mà người đại diện theo pháp luật không phải là hai ông M. và T. Để đảm bảo bảo mật các thông tin mà công ty đã cam kết khi tiến hành giao dịch với khách hàng của mình thì công ty không thể cung cấp các tài liệu này cho tòa khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng. Công ty cũng cho rằng hai ông M. và T. là một trong các bên đương sự tham gia trong vụ án và đề nghị tòa “nên yêu cầu các bên phải có trách nhiệm cung cấp các chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định”.


 

Không thể xử lý vì thiếu quy trình, thủ tục

Trong thực tiễn xét xử án dân sự, thương mại..., việc cá nhân, tổ chức từ chối cung cấp chứng cứ cho tòa như trường hợp trên không hiếm. Vấn đề đặt ra là gặp trường hợp này, pháp luật quy định xử lý ra sao?

Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trong trường hợp cá nhân, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý theo Điều 389 BLTTDS hiện hành.

Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của tòa về việc cung cấp chứng cứ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị tòa quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cưỡng chế thi hành. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm mà cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm hình sự, khoản 1 Điều 308 BLHS hiện hành quy định về tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu như sau: “Người nào từ chối khai báo... hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Tuy nhiên, luật sư Linh và nhiều thẩm phán cũng cho biết đó là các quy định chung trong luật, còn trên thực tế thì chưa có trường hợp từ chối cung cấp chứng cứ cho tòa trong án dân sự, thương mại nào bị chế tài vì cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục để xử lý. Do vậy, muốn hạn chế và chấm dứt được tình trạng này thì các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục... cụ thể để các tòa có cơ sở vận dụng.

 

Khó chứng minh “không thể tự mình thu thập chứng cứ”

Theo một thẩm phán có kinh nghiệm xử án dân sự, khoản 2 Điều 85 BLTTDS hiện hành quy định khi đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ. Thực tế áp dụng quy định này cũng đang gặp nhiều bất cập.

Cụ thể, theo quy định trên thì muốn được tòa thu thập giúp chứng cứ trước hết đương sự phải chứng minh là mình không thể tự thu thập chứng cứ được. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được chứng cứ cho đương sự thì phải thông báo bằng văn bản có ghi rõ lý do cho đương sự biết để họ chứng minh với tòa là đã thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả và yêu cầu tòa thu thập chứng cứ. Nhưng thực tế không chỉ từ chối cung cấp chứng cứ, các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan còn không chịu xác nhận bằng văn bản ghi rõ lý do từ chối cho đương sự. Việc từ chối này chỉ thường bằng lời nói, thái độ, cử chỉ. Do vậy, đương sự khó có thể chứng minh là mình là đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thu thập được chứng cứ để yêu cầu tòa thu thập giúp.

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê