Bớt can thiệp hành chính, nạn bôi trơn sẽ giảm
Thứ hai, 31-03-2014 , 11:43:00 PM
Vụ hối lộ 80 triệu yen của JTC trong dự án của ngành đường sắt ở Hà Nội, rồi nghi vấn “bôi trơn” 2,8 triệu USD liên quan tới dự án đô thị Sing-Việt ở TP.HCM vừa lộ ra, kèm theo những tố cáo tham nhũng triệu đô trong vụ án Dương Chí Dũng mấy tháng trước… đặt ra câu hỏi: Giải pháp nào để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, “bôi trơn” trong hoạt động kinh tế?
“Thực ra tiêu cực, nhũng nhiễu thì ai cũng cảm nhận được cả. Dân thường gặp cơ quan nhà nước, làm giấy tờ gì đều rất ngại ngần, rất dễ phải nhờ vả, lo lót. Nhưng đấy là tham nhũng vặt. Cái mà người nghiên cứu vĩ mô như tôi suy nghĩ là tại sao ở ta lại dễ xảy ra những vụ tham nhũng lớn, cỡ triệu đô… Tất cả vụ việc ấy là biểu hiện của các yếu kém thuộc kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta đang xây dựng, hoàn thiện” – TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Lợi ích các bên hình thành từ cơ chế xin-cho
. Phóng viên: Vậy những yếu kém cụ thể như thế nào, thưa ông?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Vừa rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đánh giá năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 10 về hoàn thiện thể chế kinh tế, qua đó liệt kê một số hạn chế, yếu kém cơ bản.
Chẳng hạn, ta đang phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn, nhất là các quyết định điều hành mang tính hành chính của cơ quan nhà nước. Tức là hiệu lực của pháp luật đang phải dựa nhiều vào cách giải thích, thực hiện luật của bộ ngành, quan chức. Điều đó khiến nhiều vấn đề về thể chế và quản lý kinh tế bị ảnh hưởng bởi quan hệ xin-cho, ban phát.
Một phần không nhỏ lợi ích của các bên liên quan được hình thành từ mối quan hệ xin-cho ấy chứ không phải từ hoạt động kinh tế tạo ra giá trị mới cho xã hội. Vì thế thể chế kinh tế của ta đang tạo động lực khuyến khích hình thành “khu vực kinh tế địa tô”.
. Ý ông là khu vực liên quan đến các quyết định hành chính gắn với hoạt động kinh tế?
+ Đúng. Đây là khu vực kinh tế thu lợi nhờ có quyền ban hành các quyết định hành chính để thực thi luật pháp, để phân bổ nguồn lực và quyền kinh doanh. Đó cũng có thể xuất hiện ở khu vực quản lý nhà nước liên quan tới các lĩnh vực độc quyền kinh doanh, đến chi phối quyền đầu tư kinh doanh trong các ngành liên quan… mà không phải bỏ ra một lượng lao động nào cả.
. Thế còn liên quan đến đất đai thì sao? Chúng ta thừa nhận đây là lĩnh vực tham nhũng nóng nhất, vậy đã có giải pháp gì để bít lại các khe hở dễ dẫn tới “bôi trơn”, tiêu cực?
+ Đất đai nóng vì ta không đưa các yếu tố thị trường vào được.
Thị trường sơ cấp là bước đưa đất đai đang thuộc quyền sử dụng của người dân sang cho doanh nghiệp (DN). Ở khâu này toàn thông qua các quyết định của Nhà nước về định giá đất, xác định mức đền bù, ra quyết định giao đất, cho thuê đất. Tất cả là thuần túy hành chính xin-cho, không hề tuân theo chuẩn mực thị trường nào.
Đất khi đã vào tay DN rồi thì bắt đầu bước sang thị trường thứ cấp. Lúc đó chênh lệch giá với cái mà người dân được trả khi thu hồi vô cùng lớn, ắt tạo động lực buộc DN phải “bôi trơn”, cán bộ dễ nhũng nhiễu, tiêu cực.
. Luật Đất đai từ năm 2003 đã mở ra cơ chế để DN tự thỏa thuận với người dân về giá đất…
+ Cơ chế ấy rất tốt nhưng 10 năm qua không vận hành hiệu quả được vì Nhà nước chưa rút lui. Một bên là cơ chế thỏa thuận, dân được lợi hơn nhưng cán bộ nhà nước bị đặt ra ngoài cuộc chơi và DN phải chịu chi phí tốn kém hơn. Một bên vẫn cho phép DN – Nhà nước được xin-cho để thu hồi đất với giá rẻ mạt. Vậy thì DN và cán bộ công quyền chẳng có động lực gì để phải chọn cách thỏa thuận cả.
Luật Đất đai sửa đổi vừa rồi khắc phục được một chút, theo cách liệt kê cụ thể những loại dự án, công trình mà áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Còn lại là để thị trường, để DN – người dân tự thỏa thuận. Đấy cũng là một cách thu hẹp sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường.
Với cách ấy, tôi nghĩ những dự án như đô thị Sing-Việt mà quý báo đề cập sẽ không đến mức phải “bôi trơn” 2,8 triệu USD.
Càng bớt can thiệp hành chính, môi trường kinh doanh càng lành mạnh
. Đâu đó vẫn có lập luận là cần phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước với thị trường. Vậy bớt thủ tục hành chính thì liệu có làm giảm vai trò quản lý nhà nước không?
+ Phải đặt câu hỏi ngược lại: Nhà nước cần quản cái gì và tại sao phải quản? Không trả lời được, không xác định được rõ ràng mục đích của quản lý thì đừng nói là phải quản lý. Nhưng ngay cả khi nêu ra được mục đích nào đó thì lại phải nhớ đừng đạt mục đích bằng mọi giá mà phải bằng chi phí xã hội thấp nhất thì hẵng làm.
. Vậy quay trở lại quy định DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh vẫn đang tồn tại trong Luật DN hiện hành. Khi đưa điều khoản đó vào luật, người ta xác định mục đích là gì?
+ Khi làm Luật DN 2005 đã có ý kiến đề nghị bỏ rồi. Nhưng quan điểm áp đảo khi đó là vẫn phải giữ, cho dù không xác định được mục đích cụ thể của quy định. Thế rồi trải qua thời gian mới thấy hóa ra nó chả có ý nghĩa gì cả mà chỉ thêm cản trở gia nhập thị trường của DN.
Với lại qua thực tiễn, Nhà nước cũng thấy rằng chỉ cần quản lý thông qua việc xác định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện là được. Cho nên nay có thể bỏ hẳn quy định chung về đăng ký ngành nghề kinh doanh, thay vào đó Nhà nước chỉ tập trung kiểm soát về điều kiện kinh doanh trong những trường hợp cụ thể, cần thiết, được định trước.
. Nhưng còn khái niệm ngành nghề kinh doanh có điều kiện – tức là vẫn phải giấy phép – phải xin-cho và rất dễ “bôi trơn”, tiêu cực?
+ Không tránh khỏi được. Vấn đề là phải tiếp tục đấu tranh để rà soát xem ngành nghề nào thực sự cần điều kiện và điều kiện nào có thể đơn giản hóa thủ tục giấy tờ.
Chẳng hạn, xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện. Để lấy được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu thì DN phải xin mười mấy giấy bổ trợ nữa. Vậy cần rà soát xem có bớt được giấy bổ trợ nào không. Có thể đơn giản hóa theo cách DN chỉ phải tới một cửa cơ quan nhà nước, còn các thủ tục phụ trợ khác, các cơ quan chức năng phải tự làm việc với nhau…
Nói chung ngay cả khi Nhà nước phải can thiệp thì cũng phải tính sao thuận lợi nhất cho DN, cho người dân, với chi phí thấp nhất.
. Nhưng thực tế danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn đang ngày một dài ra và DN vẫn than khổ với rừng giấy phép, thủ tục. Xem ra cải cách thể chế kinh tế không hề dễ?
+ Tôi nói đâu có gì mới. Rất nhiều nội dung cải cách đã có từ Nghị quyết Trung ương 6, rồi được chỉ ra trong Chương trình hành động của Chính phủ từ mấy năm trước nhưng đến nay đâu đã được thực sự triển khai.
Vai trò của Nhà nước là làm cho thị trường vận hành tốt, qua đó tự nó điều chỉnh hành vi của DN. Nếu quan niệm được thế thì trước mỗi quyết định, cơ quan nhà nước sẽ phải tự đắn đo là làm thế có tốt cho thị trường, có phù hợp với quy luật vận hành của thị trường không, liệu để thị trường tự điều chỉnh có tốt hơn không. Nhà nước rút lui, càng bớt sự can thiệp hành chính vào thị trường thì môi trường kinh doanh tự nó sẽ lành mạnh, sẽ bớt đi nguy cơ, kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng. Giải pháp suy cho cùng vẫn là thị trường, thị trường và thị trường.
. Xin cảm ơn ông.
Các vụ nước ngoài hối lộ Việt Nam
-Năm 2008, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ SEC cáo buộc Siemens AG “dùng các khoản hối lộ để thắng thầu các thiết bị y tế tại Việt Nam”.
-Năm 2010, căn cứ theo tài liệu của tòa án Đức, “Daimler AG và các chi nhánh đã chi 10 triệu USD hối lộ cho các quan chức ở ít nhất 22 quốc gia” trong đó có Việt Nam.
-Cũng năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cáo buộc Công ty Viễn thông VERAZ đã “hối lộ tổng giám đốc của một công ty viễn thông nhà nước ở Việt Nam để thắng thầu”.
-Năm 2010, Nexus Technology bị phạt 27 triệu USD, ba nhân viên của họ nhận án tù hàng chục năm vì “hối lộ các cơ quan chính phủ tại Việt Nam”. Vụ này có được nhắc đến trên báo chí trong nước nhưng hình như đến nay vẫn chưa có kết quả.
-Năm 2011, cũng vì các vụ hối lộ ở Việt Nam, hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới Aon bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 1,75 triệu USD.
Luật Á Đông Theo PHÁP LUẬT ONLINE
*****************************************
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111".
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê