Hôm 25/4, Microsoft chính thức thâu tóm mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia, đặt dấu chấm hết cho thương hiệu điện thoại nổi tiếng đến từ Phần Lan. Với nhiều người, đây không phải sự thật dễ gì chấp nhận khi Nokia, công ty tiên phong trên thị trường di động, đã giải thoát họ khỏi dây rợ của điện thoại cố định hay điện thoại trả tiền theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trong blog chính thức, cựu Tổng Giám đốc Nokia và hiện là Phó Chủ tịch điều hành của Nhóm thiết bị Microsoft, Stephen Elop, viết: “Hôm nay là ngày đặc biệt phấn khích khi chúng tôi gia nhập gia đình Microsoft và đi bước đầu tiên song không kém phần quan trọng trong hành trình dài hơi”.
Cùng với Motorola, công ty phát minh ra mẫu điện thoại di động đầu tiên, chưa một tên tuổi nào trong làng di động có thể sánh cùng Nokia. Sự xuống dốc trong 6 năm qua có thể khiến người ta quên mất vị trí mà Nokia từng có trên thị trường. Samsung, gã khổng lồ hiện tại, mới chiếm hơn 1/4 thị trường toàn cầu, trong khi năm 2007, năm huy hoàng nhất, Nokia kiểm soát tới hơn 41% thị phần, điều mà khó nhà sản xuất điện thoại nào đạt được ngày nay. Cuối năm 2013, Nokia vẫn giữ 15% thị phần chủ yếu nhờ các mẫu máy phổ thông.
Sự ngạo nghễ của Nokia khi thống trị quá lâu cuối cùng sinh ra thứ thái độ dai dẳng, khó chữa trị, dần bộc lộ điểm yếu mà Motorola và sau đó là Apple “bắt bài”. Mất phương hướng trong thế giới biến đổi chóng mặt, Nokia tìm ra bên ngoài và mời cựu binh Microsoft, Stephen Elop, về điều hành năm 2010. Ông thực hiện quyết định gây tranh cãi khi loại bỏ Symbian, đặt cược vào Windows Phone. Ba năm tiếp theo là trận chiến xây dựng vị trí cho Windows Phone và Lumia. Hiện tại, mảng điện thoại của Nokia đã về chung nhà của Microsoft. Với một công ty có bề dày như Nokia, đây quả là một bi kịch.
Năm tháng huy hoàng
Mất đi mảng điện thoại, Nokia vẫn còn đó với mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông, dịch vụ bản đồ, bộ phận công nghệ cao. 150 năm trước, công ty chỉ sản xuất ủng cao su. Trước khi ông Jorma Ollila được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc năm 1992, Nokia thực hiện vài khoản đầu tư sai lầm khi nỗ lực chuyển đổi kinh doanh. Chúng thành trái đắng khi cuộc khủng hoảng kinh tế khắc nghiệt tấn công Phần Lan. Cuối những năm 1980, ban quản trị cân nhắc bán mảng di động non nớt của Nokia, song Ollila chính là người thuyết phục họ giữ lại nó và dồn toàn lực cho mảng này cũng như mảng cơ sở hạ tầng viễn thông. Những năm tiếp theo, Nokia vứt bỏ các mảng cao su, cáp, điện tử tiêu dùng để tinh giản hoạt động.
Phòng trưng bày các mẫu điện thoại huyền thoại của Nokia tại trụ sở công ty ở Phần Lan |
Thời gian chứng minh ông Ollila đã đúng: Nokia đóng vai trò lớn trong phát triển công nghệ không dây GSM, tiêu chuẩn mà điện thoại toàn cầu sử dụng ngày nay. Ông thiết lập quy trình sản xuất, cung ứng nội bộ để tự chế tạo điện thoại nhanh chóng, hiệu quả. Nokia là một trong những công ty đầu tiên xem thị trường toàn cầu là khối thống nhất thay vì cục bộ từng quốc gia. Hãng nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp cận mọi đối tượng, từ cao cấp tới bình dân.
Năm 1998, Nokia trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Khi đó, có thể xem vị trí của Nokia tương đương với Kleenex trên thị trường giấy lụa.
Nokia tốn không ít sức lực để giảm kích thước mỗi đời sản phẩm. Ngoài ra, thiết kế Phần Lan được lòng người dùng khi mang đến cho họ mẫu điện thoại đơn giản nhưng phong cách, khác hẳn với số đông khi đó.
Theo Petra Soderling, người đã làm việc tại Nokia từ năm 2000 đến 2012, trong thời kỳ bùng nổ, công ty tuyển dụng liên tục. Ngay cả bong bóng dotcom sụp đổ cũng không ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của thế giới di động.
Nokia theo đuổi “Nokia DNA”, khái niệm trong đó mọi điện thoại đều có kiểu dáng khác biệt song nhất quán. Dù thử nghiệm nhiều thiết kế khác nhau, các kỹ sư vẫn gắn bó với kiểu dáng “thanh kẹo”. Sự ngoan cố này là vết nứt đầu tiên trên ngai vàng của Nokia.
Thất bại trước Razr và iPhone
Khi phần lớn thế giới đang mê mẩn thiết kế dạng kẹo của Nokia, người dùng Bắc Mỹ bắt đầu để mắt tới điện thoại nắp gập hay điện thoại vỏ sò. Motorola khởi xướng trào lưu này bằng mẫu Razr siêu mỏng. Đây cũng là một trong những điện thoại di động thành công nhất lịch sử, giữ ngôi quán quân về doanh số gần 3 năm.
Nokia từ chối thiết kế này, thay vào đó kiên trì với thiết kế cũ song tập trung ở linh kiện cao cấp. Nokia cũng chối bỏ thị trường Mỹ, còn các nhà mạng tại đây có xu hướng tìm kiếm nhà sản xuất có khả năng cung cấp điện thoại có thể tùy chỉnh như Samsung, LG. Nokia chỉ còn xuất hiện ít ỏi tại các cửa hàng. Nokia không phản ứng đủ nhanh và bị các hãng Hàn Quốc “bắt thóp”. Ví dụ, dù N95 được người dùng tung hô, sản phẩm lại bị nhà mạng Mỹ từ chối phân phối.
Trong khi đó, Motorola được Razr “tăng lực” đã chiếm vị trí dẫn đầu tại Mỹ và mơ về một ngày đoạt ngai vàng từ Nokia. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra khi Motorola không tận dụng được thành công của Razr. Việc chối bỏ thị trường Mỹ của Nokia cũng chưa đem lại hậu quả tức thì; thị phần khắp thế giới tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào nửa sau năm 2007. Song, đó là trước khi iPhone ra mắt.
Với iPhone, Apple góp một tay đẩy Nokia xuống vực thẳm |
Trái với nhận thức của số đông, Apple không phát minh ra smartphone mà chính là Nokia. Dù vậy, iPhone đã mang đến làn gió hoàn toàn mới cho thế giới di động. Apple dẫn đầu cuộc đua biến smartphone thành thiết bị cho người dùng bình thường thay vì chỉ thấy trong công sở. Nền tảng iOS làm ra cuộc cách mạng trong cách mọi người tương tác với điện thoại của mình. Ngược lại, Symbian của Nokia cho thấy sự già cỗi khi xếp cạnh iPhone và sau này là Android của Google.
Đến mức này, Nokia vẫn từ chối lên con thuyền cảm ứng, cho thấy sự chậm chạp trong nắm bắt xu hướng mới. Mãi một năm sau khi iPhone đầu tiên xuất hiện, công ty mới ra mắt điện thoại cảm ứng Nokia 5800. Dù vậy, nó không giống smartphone mà giống chiếc điện thoại nghe nhạc hơn.
Apple còn là người phổ biến mô hình kho ứng dụng cho người dùng. Nokia thực sự đã có cửa hàng ứng dụng phong phú trước cả Apple nhưng lại hướng vào cộng đồng chuyên nghiệp nhiều hơn, không dễ sử dụng như App Store. Đây mới chính là điểm tạo nên khác biệt.
Hồi tưởng về giai đoạn này, một cựu lãnh đạo Nokia cho rằng chính cấu trúc quản lý nhiều tầng đã khiến Nokia thiếu sự khẩn trường và luôn phòng thủ khi có sai lầm. Sự bình thản của Nokia có thể hiểu được khi tổng thị phần di động của Nokia dù giảm nhưng vẫn ngất ngưởng. Trong vô số cuộc phỏng vấn với các quan chức Nokia, họ đều vin vào vị thế dẫn đầu như một bằng chứng cho thấy Nokia khỏe mạnh.
Nokia cố gắng “trang trí” cho nền tảng Symbian bằng các thiết bị được chế tạo đẹp đẽ, dùng vật liệu cao cấp, công nghệ máy ảnh hiện đại. Song, công ty biết rằng Symbian không thể tồn tại lâu và đã dự phòng bằng nền tảng Meego. Dù vậy, Meego chỉ tồn tại trên thiết bị duy nhất là N9.
Kết cục buồn của Nokia
Sau 4 năm “tà tà” dưới sự dẫn dắt của Olli-Pekka Kallasvuo, Nokia mời Stephen Elop làm Tổng Giám đốc vào tháng 9/2010. Chỉ vài tháng sau đó, ông gây sóng gió khi kêu gọi Nokia nhảy khỏi “tấm ván đang bốc cháy” và thay đổi triệt để hoặc đón nhận cái chết. Nokia cuối cùng “đá” Symbian, Meego để đặt cược vào Windows Phone, hệ điều hành của công ty cũ của Elop.
Stephen Elop, cựu Tổng Giám đốc Nokia |
Dù thích hay không, không thể phủ nhận Elop đã mang tới không khí khẩn trương mới mẻ đến cho toàn bộ công ty. Họ mang ý chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hy vọng vào một ngày quay trở lại thời hoàng kim. Với Lumia 800 và 710 ra mắt tháng 10/2011, Nokia bước vào cuộc chiến dài hơi nhằm giành giật người dùng, đồng thời trở thành phe ủng hộ Microsoft và Windows Phone hăng hái nhất.
Lumia từng bước được hoàn thiện, đáng chú ý là Lumia 920, mẫu điện thoại Elop gọi là “sáng tạo nhất ngành di động”. Nó không phải là chiêu trò tiếp thị: sản phẩm trang bị màn hình cảm ứng siêu nhạy hoạt động ngay cả khi đeo găng tay, nó cũng là một trong những điện thoại đầu tiên dùng công nghệ sạc không dây. Đặc biệt nhất là hệ thống ổn định hình ảnh quang học có trong ống kính PureView. Nokia được thừa hưởng công nghệ máy ảnh điện thoại hàng đầu và tiếp tục đẩy mạnh với cảm biến 41MP trong Lumia 1020.
Song, mọi sáng tạo này dường như chưa đủ để thuyết phục khách hàng quay đầu, ngay cả khi Lumia 900, mẫu điện thoại Lumia đầu tiên tấn công thị trường Mỹ, được hậu thuẫn lớn từ Nokia, AT&T, Microsoft bằng sự kiện âm nhạc ra mắt rình rang tại Quảng trường Thời đại.
Phải đến lúc Nokia mở rộng danh mục sản phẩm sang các mẫu Lumia giá rẻ hơn, thị phần của hãng mới khả quan đôi chút. Công ty nhấn mạnh chiến lược này tại Hội nghị Thế giới di động 2014 với Nokia X, mẫu điện thoại Android giá 120 USD. Quá trình trở về của Nokia chậm nhưng chắc. Cuối cùng, Nokia cũng vượt qua Motorola trong quý III/2013 để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 tại Mỹ.
Nhiều người không khỏi bùi ngùi khi nghe tin Microsoft thâu tóm Nokia. Bà Soderling cảm thấy xúc động khi Facebook của mình tràn ngập các bức ảnh tấm biển màu xanh của Nokia bị hạ xuống tại thủ phủ công ty ở Espoo, Phần Lan để thay bằng biểu tượng màu trắng của Microsoft.
Sự sụp đổ của Nokia có thể xem là bài học đắt giá cho bất kỳ công ty nào: ngay cả kẻ mạnh nhất cũng không tránh khỏi nguy cơ lụi tàn. Trong khi, những kẻ thống trị thế giới di động hiện nay như Apple và Samsung vẫn chưa thấm tháp vào đâu với Nokia ở thời kỳ đỉnh cao.
- Tài liệu mật của Samsung tiết lộ “phải hạ Apple” bằng mọi giá
- Apple nhiều tiền mặt hơn những nước nào?
- Tổng thống Putin cảnh báo dân Nga không nên dùng Google
- Đừng bao giờ khoe ảnh con cái lên Facebook
- Heartbleed ăn trộm thông tin của bạn như thế nào?
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111"