Theo ông Quân, cho đến thời điểm này (chiều 19/6 - PV), phía Cảnh sát biển Việt Nam chưa ghi nhận phương tiện nào như là giàn khoan mang tên “Nam Hải 9” tại khu vực biển mà website Cục Hải sự Trung Quốc loan báo.
Trong khi đó, cùng ngày, báo Tuổi trẻ dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, Cảnh sát biển đã, đang và sẽ theo dõi sát sao giàn khoan Nam Hải 9 và chuẩn bị các phương án đối phó với mọi tình huống.
Giàn khoan Nam Hải 9 hiện vẫn chưa nằm trong vùng nhạy cảm. |
Theo khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, giàn khoan này chưa nằm trong vùng nhạy cảm, hiện nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50 - 60 hải lý; cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý.
Theo bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ) nói: “Sẽ phải còn chờ xem địa điểm hạ đặt cuối cùng của giàn khoan Nam Hải 9 là ở đâu, nhưng có vẻ động thái đưa nó ra biển Đông vào thời điểm này đã được tính toán kỹ lưỡng. Quyết định này cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ con đường khẳng định cái gọi là chủ quyền theo phương thức cưỡng bức”.
Bà Tôn Vân cũng phân tích thêm, trong cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, những “kiềm chế” từ nước này trong quá khứ đã không làm được gì để giúp cải thiện các tranh chấp trên biển và do vậy, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi hiện trạng “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”. Bà Vân nhận định: “Không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ dừng lại. Và mỗi khi tiến hành một động thái “dân sự” như hạ đặt giàn khoan như thế này, hầu như chắc chắn Bắc Kinh cũng chuẩn bị các nguồn lực quân sự và bán quân sự cần thiết để bảo vệ các tài sản “dân sự” như thế”.
Việc đưa giàn khoan Nam Hải 9 tới Biển Đông diễn ra đồng thời cùng với sự kiện ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam đã khiến dư luận trong nước cũng như quốc tế vô cùng quan tâm và băn khoăn về mục đích thật sự của Trung Quốc. Theo Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam không xuất phát từ bất cứ thiện chí nào, và cũng không mang theo thông điệp hòa bình, mà sang để tiếp tục truyền đạt quan điểm cứng rắn và sai trái của Trung Quốc.
Giáo sư Vũ Minh Giang nói: “Ông Dương Khiết Trì là một nhân vật cứng rắn, chưa bao giờ có quan điểm mềm mỏng, và đã hơn 1 lần tuyên bố không rút giàn khoan. Đây là nhân vật cao nhất của Trung Quốc mà ta có thể tiếp xúc sau vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Tôi không kỳ vọng vào sự thay đổi cục diện, bởi Trung Quốc có đường lối nhất quán, nằm dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. Chưa kể là trong khi ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam, đã xuất hiện thông tin Trung Quốc đưa tiếp giàn khoan thứ hai vào Biển Đông. Nếu nhìn vấn đề dài rộng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kế tục sự nghiệp của ông Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân. Mỗi vị lãnh đạo này đều có một chủ thuyết. Về mặt nào đó, ta hiểu Trung Hoa mộng là giấc mộng bá chủ toàn cầu. Khi phân tích sâu điểm này, làm sao một nhân vật cụ thể có thể giải quyết được vấn đề?”.
Luật Á Đông theo Minh Hiếu (KT)
*****************************************