Trong chuyến công du nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bình Nhưỡng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham gia hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lần thứ 5 trong vòng 1 năm qua trong khi vẫn chưa từng gặp mặt nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên, Kim Jong Un.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (Ảnh: korea.net)
Triều Tiên bất ngờ dịu giọng
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 30/6 đưa tin cho hay, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng ngừng mọi hành động và lời nói thù địch, và kêu gọi Hàn Quốc hưởng ứng. Động thái này diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc và Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đồng thời đề nghị chấm dứt các cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng như các hoạt động quân sự khác ở gần hải giới tranh chấp với Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Triều Tiên cũng cho biết, họ sẽ cử vận động viên tham dự Á vận hội lần thứ 17 diễn ra ở Incheon, Hàn Quốc vào tháng 9 tới.
Triều Tiên còn yêu cầu Seoul hủy cuộc tập trận chung với Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 8, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về đề xuất này của Triều Tiên.
Đề xuất nói trên được đưa ra vài giờ sau khi Triều Tiên xác nhận vụ thử tên lửa thứ hai chỉ trong vài ngày. Mặc dù vậy, dường như Mỹ không dễ bị thuyết phục bởi thái độ thiện chí bất ngờ của Triều Tiên, Washington khẳng định cuộc tập trận chung vẫn diễn ra như dự kiến.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Nhìn chung, chúng tôi ủng hộ việc quan hệ liên Triều được cải thiện nhưng với những hoạt động diễn tập cụ thể, đây là định hướng quốc phòng của chúng tôi, hoạt động này được lên kế hoạch thực hiện để tăng cường khả năng đối phó với bất kỳ tình huống nào có thể phát sinh”.
Bà Psaki nói thêm: “Những bài diễn tập nhằm mục đích tăng khả năng sẵn sàng để bảo vệ Hàn Quốc và bảo vệ an ninh khu vực. Các hoạt động này vẫn diễn ra thường niên, chúng tôi đều thấy rõ lợi ích của các cuộc tập trận và vì thế, không có lý do gì để không tiếp tục”.
Khi được hỏi bình luận của Mỹ về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng, Triều Tiên nên tránh có những hành động khiêu khích mà thay vào đó cần phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ và các cam kết quốc tế của mình.
Triều Tiên – vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập
Các quan chức Seoul cho biết, chương trình tên lửa và kế hoạch thực hiện một vụ thử hạt nhân thứ 4 của CHDCND Triều Tiên sẽ là vấn đề chính trong chương trình nghị sự khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc.
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu hành ở Bình Nhưỡng (Ảnh: CNN)
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói trước Quốc hội nước này cho biết: “Chắc chắn sẽ có một sự cam kết mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo rằng, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ không được dung thứ”.
Ông Yun nói thêm: “Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như những vấn đề khác liên quan đến bán đảo Triều Tiên, chúng tôi tin rằng, bầu không khí hợp tác sẽ được phản ánh trong một tuyên bố chung”.
Trung Quốc vốn rất thận trọng khi nói về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng 3 vụ thử hạt nhân trong năm 2013 và những hành động quá khích gần đây của Bình Nhưỡng dường như đang thách thức sự kiên nhẫn của Trung Quốc.
Tháng 5/2014, tại cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí quan điểm cho rằng hoạt động hạt nhân mới của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực.
Bắc Kinh ủng hộ Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng, nhưng vẫn duy trì phương pháp tiếp cận cân bằng đối với hai miền Triều Tiên. Hồi tháng 3/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra tuyên bố cho rằng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là con đường duy nhất cho hòa bình và rằng Trung Quốc sẽ không cho phép chiến tranh hoặc bất ổn nổ ra ở khu vực giáp ranh với nước này.
Không chỉ có vậy, nhân chuyến thăm Hàn Quốc lần này, ông Tập Cận Bình sẽ không bỏ lỡ cơ hội cam kết tăng cường quan hệ kinh tế với Hàn Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong khi Seoul là đối tác đứng hàng thứ năm của Bắc Kinh. Theo thống kê, thương mại hai chiều Trung - Hàn hàng năm lên tới gần 230 tỷ USD. Con số này vượt xa so với kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên (6 tỷ USD trong năm 2012).
Trung Quốc tìm cách đào sâu những bất đồng Nhật - Hàn
Đây không chỉ là chuyến công du Hàn Quốc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình mà còn là lần đầu tiên, người đứng đầu Bắc Kinh phá lệ thăm Seoul trước Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc lần đầu phá lệ thăm Seoul trước Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)
Hai người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là các ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều chọn thăm Bình Nhưỡng trước. Vì vậy, quyết định của ông Tập Cận Bình được cho là phản ánh vết rạn nứt ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Triều Tiên, đặc biệt là sau lần thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng hồi tháng 2/2013.
Trên thực tế, mặc dù phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh về kinh tế, thương mại, năng lượng, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, dường như Bình Nhưỡng ngày càng "khó bảo", gây nhiều phiền toái, khó xử cho Trung Quốc mà tiêu biểu là hoạt động phóng tên lửa và thử hạt nhân và thái độ thách thức với Hàn Quốc.
Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tới Hàn Quốc vào lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang ở mức thấp nhất. Điều này khiến không ít người cho rằng, Trung Quốc muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Hàn Quốc để đối đầu với Nhật Bản. Quá khứ tội ác của quân đội phát xít Nhật tại Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là những chủ đề nhạy cảm, dễ kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Bắc Kinh và Seoul đều có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Tokyo.
Trung Quốc càng có lý do để lo ngại khi chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực thực hiện các bước đi cần thiết để giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình, qua đó cho phép quân đội nước này có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể.
Giải thích về kế hoạch điều chỉnh lại Hiến pháp, Thủ tướng Abe cho hay, chính những căng thẳng trong khu vực (bao gồm cả lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ cũng như một Triều Tiên thất thường) khiến Nhật Bản cần phải được chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ chính mình.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch tái triển khai lực lượng của Mỹ, trong khuôn khổ chính sách "xoay trục" sang Châu Á của chính quyền Obama.
Trong khi Mỹ đã và đang nỗ lực để đưa Nhật - Hàn xích lại gần nhau hơn thông qua các cuộc họp 3 bên để dễ bề thực hiện chiến lược “xoay trục” thì Trung Quốc lại đang âm mưu trở thành kẻ phá bĩnh.
Theo nhận định của tờ Finacial Times, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là gây cản trở, hạn chế tối đa sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực để họ rộng đường thực hiện giấc mộng bá quyền. Chiến lược này của Trung Quốc sẽ thu được kết quả nếu như họ thành công trong việc đào hố sâu bất đồng giữa hai đồng minh Đông Bắc Á của Washington.
Trung Quốc sẽ đứng ngoài cuộc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 30/6 tuyên bố, vụ thử tên lửa “không liên quan” đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Seoul và Bắc Kinh “duy trì các cuộc trao đổi thường xuyên” với cả 2 miền Triều Tiên.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: EPA)
Trong khi đó, Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Renmin của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Yonhap cho rằng: “Rất có thể trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, ông Tập sẽ trấn an Tổng thống Park rằng Trung Quốc cam kết ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc chống lại chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.
Tuy nhiên, nhận định này lại không nhận được sự đồng tình của giới quan sát. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, bất chấp áp lực từ Mỹ và Hàn Quốc, nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ không đứng ra để đảm bảo rằng CHDCND Triều Tiên sẽ từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Li Changhe, một nhà cựu ngoại giao cấp cao hiện đang làm việc cho Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị của Trung Quốc nói: “Theo quan điểm của tôi, các nhân vật chính trong cuộc chơi không bao gồm Trung Quốc mà chỉ là CHDCND Triều Tiên và Mỹ”.
Ông Li Changhe nói thêm: “Trung Quốc ở đó nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán để các bên ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không bên nào thực sự lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi đang bị mắc kẹt ở giữa”.
Trên thực tế, Triều Tiên vẫn nói “cứng” rằng, vụ phóng tên lửa gần đây cũng như những vụ phóng trước đó “không gây tác động, dù nhỏ nhất” đến hòa bình và an ninh, mà ngược lại còn là nhân tố bảo đảm cho ổn định khu vực. Triều Tiên thậm chí còn chỉ trích những nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “sự tưởng tượng ngu ngốc”.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage nhận định: “Triều Tiên cũng chẳng ưa gì Trung Quốc giống như họ không ưa gì Mỹ cả". Triều Tiên hiểu rằng năng lực hạt nhân của họ chính là lý do để thu hút sự chú ý của thế giới và chắc chắn chiêu bài này sẽ còn tiếp tục được sử dụng để gây sức ép, hòng đạt được những lợi ích họ mong muốn./.
Luật Á Đông Theo Hùng Cường/VOV.VN