Chủ nhật,, 18-12-2011 , 07:30:00 AM

Theo thông tin từ một số tờ báo nước ngoài và báo diễn đàn doanh nghiệp, đầu tháng 11 vưà qua, Tòa án Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm ở London đã thụ lý đơn khởi kiện của công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V.  là công ty con của Elliott Advisors, một Quỹ đầu tư rủi ro có trụ sở tại Mỹ kiện Tập đoàn Vinashin và 21 công ty con của tập đoàn để đòi khoản nợ có giá trị bằng khoảng 10% trong tổng số nợ giá trị 600 triệu đô la và các khoản lãi khác.

Cũng theo sự xác nhận của các viên chức tại Tòa án tại London, bên bị đơn, tức là các công ty của Vinashin đều đã nhận được thông báo của tòa vào ngày 16/11.
Đây là sự kiện pháp lý quan trọng ảnh hưởng  không chỉ tới Tập đoàn Vinashin mà còn ảnh hưởng đến các Tập đoàn, công ty khác có liên quan về mặt pháp lý. Sâu xa hơn, nó còn cho thấy những thiếu sót trong tư duy pháp lý của quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin theo quyết định của Chính phủ. Dưới đây, các Luật sư của Công ty Luật Á Đông phân tích một số khía cạnh pháp lý của vụ việc này.

Các căn cứ pháp lý 

 Một điều chắc chắn rằng, nếu vụ kiện được đưa ra xét xử nguyên đơn sẽ được Tòa xử thắng kiện. Bởi lẽ, các chứng cứ, tài liệu của vụ kiện đều đã rõ ràng và ủng hộ bên nguyên khi các khoản vay là có thật, các hợp đồng vay đã đến hạn thanh toán. Và do vậy, theo tính chất của một hợp đồng tín dụng thông thường nhất thì bên cấp tín dụng có quyền khởi kiện để thu hồi nợ nếu bên được cấp tín dụng không trả được nợ  khi đến hạn và bên cấp tín dụng không đồng ý ra hạn cho khoản nợ.
Giả định rằng, Tòa án ra phán quyết yêu cầu Vinashin và các công ty con của mình phải thanh toán cho nguyên đơn khoản tiền mà họ yêu cầu. Và các bị đơn phải thanh toán hoặc bị cưỡng chế thanh toán các khoản đó theo một số cách nào đó. Vấn đề sẽ đặt ra là Vinashin có thể tránh được những thiệt hại thực tế (những khoản phải thanh toán) nhỏ hơn nếu có các chiến lược pháp lý đúng đắn hơn không?
Trước tiên, cần phải xác định rằng Vinashin và các công ty con của Vinashin là các pháp nhân của Việt Nam. Bản chất pháp lý của pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và bất kỳ hệ thống pháp lý quốc tế nào là tính chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn điều lệ của pháp nhân đó. Như vậy, Vinashin và các công ty con cũng chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản trong số vốn điều lệ đăng ký của mình. Trong quá trình kinh doanh, nếu phát sinh các khoản nợ lớn hơn tài sản hoặc số vốn điều lệ mà pháp nhân đã đăng ký thì về nguyên tắc, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm tài sản trong phạm vi số vốn điều lệ của mình.
Ở một khía cạnh khác, theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp, trong trường hợp trong quá trình kinh doanh, pháp nhân bị lỗ, tài sản thực còn nhỏ hơn so với khoản nợ phải trả, thì pháp nhân có quyền tuyên bố phá sản theo quy định của Luật này. Và các chủ nợ chỉ được trả nợ bằng số tài sản mà pháp nhân còn lại. Từ đặc điểm pháp lý này cho thấy, nếu trên thực tế có những công ty con của Vinashin thực sự đã làm ăn thua lỗ, và tài sản còn lại còn rất nhỏ so với các khoản nợ, thì các chủ nợ chỉ còn nhận được khoản thanh toán nhỏ hơn nhiều so với khoản tiền đã cho các doanh nghiệp này vay. Điều đó cũng cho thấy rằng tài sản của nhà nước đầu tư tại Vinashin và các công ty con có thể thiệt hại ít hơn nhiều nếu để các công ty này thực hiện thủ tục phá sản khi thực sự chúng đã lâm vào tình trạng phá sản. Đó cũng là chính là triết lý cơ bản ẩn đằng sau các quy định của Luật phá sản, với ý nghĩa rằng tất cả các chủ thể có quan hệ với  sự tồn tại của doanh nghiệp phá sản phải cùng chịu đựng sự rủi ro về mặt tài sản khi doanh nghiệp này không còn khả năng tồn tại.
Từ phân tích này, câu hỏi được đặt ra là: nên chăng chúng ta hãy để cho những công ty con của Vinashin được thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định của luật khi xác định trên thực tế rằng, chúng đã thực sự lâm vào tình trạng phá sản? bởi vì điều đó sẽ dẫn đến hai kết quả, là làm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Và, ngân sách nhà nước (hoặc các doanh nghiệp liên quan khác) sẽ không phải trả thêm cho các chủ nợ (ở đây là chủ nợ nước ngoài) thêm các khoản thanh toán mà đáng lẽ ra, về mặt pháp lý, không phải trả thêm.

Việc tái cơ cấu Vinashin dẫn đến hệ quả gì? 

Như chúng ta biết, theo đề án tái cơ cấu Vinashin, một số công ty con yếu kém, nợ nần của Vinashin đã được sáp nhập sang các Tập đoàn, Tổng công ty khác. Cho dù mục đích của việc sáp nhập, chuyển giao này có tích tích cực như thế nào đi chăng nữa, thì hệ quả của nó là những rủi ro về mặt pháp lý cũng sẽ phát sinh.
Theo quy định tại khoản 1 điều 153 Luật doanh nghiệp 2005 thì “ Một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”. 
 Điểm C khoản 2 của điều luật này cũng quy định “Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập”.
Như vậy, theo các quy định trên, khi một doanh nghiệp được sáp nhập vào một doanh nghiệp khác, thì doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập, trong đó có cả các nghĩa vụ trả nợ.
Trong trường hợp của Vinashin, khi một số công ty con của Tập đoàn này được sáp nhập vào các Tập đoàn và Tổng công ty khác, thì về nguyên tắc, các Tập đoàn và Tổng công ty đó sẽ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính của các công ty bị sáp nhập. Và lúc đó khoản nợ được bảo đảm bằng toàn bộ tài sản của pháp nhân nhận sáp nhập chứ không chỉ bằng tài sản còn lại của pháp nhân bị sáp nhập.
Như vậy, việc sáp nhập đã làm cho khoản nợ của các chủ nợ được bảo đảm ở mức độ rộng hơn, và rõ ràng các pháp nhân nhận sáp nhập sẽ phải gánh chịu những nghĩa vụ tài chính lớn hơn những gì pháp nhân đó nhận được khi nhận sáp nhận các pháp nhân đang lâm vào tình trạng phá sản. Xét từ nguồn gốc sở hữu và chủ sở hữu thì ngân sách nhà nước phải gánh thêm các nghĩa vụ thanh toán mà đáng lẽ ra có thể giảm thiểu nếu áp dụng các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, động thái sáp nhập các công ty con của Vinashin vào các Tập đoàn và Tổng công ty khác còn gây ra một hệ quả pháp lý nghiêm trọng hơn, đó là mở rộng phạm vi bị kiện ra các chủ thể khác.
Như phân tích ở trên khi nhận sáp nhập các công ty con của Vinashin, các pháp nhân nhận sáp nhập sẽ đương nhiên trở thành con nợ các chủ nợ theo nguyên tắc tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của bên bị sáp nhập.
Từ đó, việc sáp nhập các công ty đang mắc nợ sang các Tập đoàn, Tổng công ty khác đã làm tăng khả năng Tập đoàn, Tổng công ty đó đó trở thành bị đơn tại các Tòa án quốc tế nếu các khoản nợ không được thanh toán đúng hạn, và ở mức độ nào đó đều làm giảm uy tín của các đơn vị đó trên thị trường quốc tế trong hoạt động kinh doanh, trong đó có các tập đoàn uy tín của quốc gia như Tập đoàn dầu khí.

Kết luận 

Như vậy, việc các chủ nợ của Vinashin và các công ty con khởi kiện các pháp nhân này tại Tòa án London đã đặt ra cho Vinashin cũng như Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thậm chí cả lãnh đạo của các Tập đoàn và Tổng công ty nhận sáp nhập các công ty con của Vinashin những nhiệm vụ mới. Đó là xác định các chủ thể tham gia vụ kiện với tư cách là bị đơn để tránh những thiệt hại tiếp theo về cả kinh tế lẫn uy tín của mình trên thị trường quốc tế. Đồng thời cũng có những chiến lược thương thảo với các nguyên đơn trong giai đoạn tiền tố tụng, nhằm giảm thiểu tối đa những hậu quả mà vụ kiện đem lại cả về mặt kinh tế và thể diện.
Mặt khác, xét từ góc độ thất thoát nguồn lực quốc gia, vụ việc này cũng sẽ là một bài học cho các cơ quan có thẩm quyền khi cân nhắc để đưa ra các quyết định xử lý những vụ việc tương tự liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước, trong đó các vấn đề pháp lý phải được coi trọng ở một mức độ tối ưu nhất.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính -  Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê