Phán quyết của Trọng tài sẽ được bảo vệ tốt hơn
Thứ tư, 16-07-2014 , 02:41:00 PM
Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 có nhiều quy định làm không ít phán quyết trọng tài bị hủy một cách thiếu thuyết phục. Vì vậy một trong những mục tiêu của Luật trọng tài thương mại năm 2010 là hạn chế tối đa việc hủy phán quyết trọng tài.
Sau hơn ba năm thực thi Luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2014/HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010. Nghị quyết này có hiệu lực từ đầu tháng 7 này với nhiều quy định cho thấy Tòa án nhân dân tối cao ủng hộ Trọng tài và đây là dấu hiệu rất tích cực cho hệ thống trọng tài Việt Nam.
PLO xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Đỗ Văn Đại, (Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) về những điểm tiến bộ của Nghị quyết này.
Tòa chỉ hủy khi có vi phạm nghiêm trọng tố tụng trọng tài
Khi tiến hành giải quyết tranh chấp, Trọng tài hay Thẩm phán có thể có sai sót. Trong tố tụng tại Tòa án nhân dân dân, chỉ những lỗi “nghiêm trọng” về tố tụng mới dẫn tới bản án của Tòa án bị hủy.
Tương tự, vi phạm tố tụng của Trọng tài cũng có thể dẫn tới hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể tại Điểm b khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định “phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này”.
Ở đây, phán quyết trọng tài có thể bị hủy nếu “thủ thục tố tụng trọng tài trái với các quy định của Luật” trọng tài thương mại năm 2010. Tuy nhiên quy định này chưa thực sự rõ và dễ bị lạm dụng bởi bên thua kiện vì họ có thể viện dẫn bất kỳ lỗi nào của Trọng tài để yêu cầu hủy phán quyết bất lợi cho họ.
Tổng kết từ thực tiễn trên và nhằm hạn chế những lạm dụng trong việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Nghị quyết số 01/2014 đã theo hướng chỉ hủy phán quyết trọng tài nếu có vi phạm “nghiêm trọng” tố tụng trọng tài và việc vi phạm này không được Hội đồng trọng tài khắc phục.
Cụ thể, theo Điểm b khoản 2 Điều 14 của Nghị quyết, trong “trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM” thì ” Tòa án hủy phán quyết trọng tài”.
Với việc khoanh vùng các trường hợp có thể hủy phán quyết trọng tài như vừa nêu, khả năng phán quyết bị hủy sẽ giảm và đây là điều đáng khích lệ.
Tòa không hủy nếu các bên không phản đối trong thời hạn
Luật trọng tài thương mại năm 2010 có điểm mới là tiếp thu một khái niệm rất phổ biến trên thế giới (nhất là trong lĩnh vực trọng tài). Đó là khái niệm mất quyền phản đối được quy định tại Điều 13 theo đó “trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”.
Tuy nhiên, quy định nêu trên của Điều 13 còn chưa rõ ràng về thời gian phản đối cũng như hệ quả của việc phản đối tới yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nên chưa phát huy hiệu quả và Tòa án nhân dân tối cao đã biết được điều này nên đã đưa thêm một số nội dung vào Nghị quyết số 01/2014 tại Điều 6.
Cụ thể, Nghị quyết xác định “trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết”.
Còn về hệ quả của việc không phản đối, Tòa án tối cao theo hướng “trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên”.
Từ các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra những quy định ủng hộ Trọng tài, điều rất cần thiết để hệ thống trọng tài phát triển song song với Tòa án. Nếu những quy định này được khai thác tốt, khả năng hủy phán quyết trọng tài sẽ giảm và điều này phù hợp với mục tiêu của Luật trọng tài thương mại năm 2010.
- Vì sao quyết định của trọng tài hay bị tòa hủy?
- Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại 2010
Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Luật Á Đông đặt tiêu đề)
*****************************************
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.35659523".
CÁC TIN LIÊN QUAN
-
Nghị quyết của Thượng viện Mỹ cảnh báo sự bá quyền của Trung Quốc
-
Phương thức pháp lý áp dụng đối với yêu sách/hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông
-
Tình báo Ấn Độ mổ xẻ thủ đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông - Ấn Độ Dương
-
“Lộng giả thành chân” - Chiêu cướp Biển Đông hiểm độc của Trung Quốc
-
Tại sao Tòa án nhân dân tối cao phải bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn?
-
Bàn về điều 93 Bộ luật TTHS về biện pháp đặt tiền để tại ngoại
-
Tại sao Hàn Quốc, Singapore tránh được "lệ thuộc" Trung Quốc?
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê