Thứ hai, 04-08-2014 , 07:53:00 AM

“Thiếu một đại diện chủ sở hữu tập trung, duy nhất, chuyên nghiệp thì các DNNN không chỉ lâm vào cảnh oái oăm “lắm cha con khó lấy chồng” mà còn tiếp tục phải đối mặt với thực trạng đã kéo dài và gần như mạn tính là “cha chung không ai khóc””.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc Điều 172 quy định “Nguyên tắc tổ chức thực hiện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN” bị rút khỏi dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nhất.


 
Ông Trần Hữu Huỳnh nói: Điều 172 dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi đã đưa ra một quy định có tính bước ngoặt, mang tính cải cách thể chế: Tách chức năng của Nhà nước với tư cách là một nhà quản lý khỏi vai trò của một nhà đầu tư.

Nếu quy định này được thiết kế tốt, vai trò của Nhà nước sẽ được minh bạch hóa, bảo đảm đất nước có được một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng. Từ đó có thể động viên được sức dân, chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa chức năng quản lý của Nhà nước, đồng thời minh bạch hóa nhiệm vụ đầu tư công của Nhà nước, hạn chế được tham nhũng.

Tiếng còi quản lý không dứt khoát

. Có ý kiến lo ngại khi chuyển điều này qua luật khác sẽ lại quy định chung chung, nhất là vấn đề tách bạch chức năng chủ sở hữu và vai trò quản lý của các bộ, ngành có xu hướng trở lại tình trạng như hiện nay là các bộ, ngành “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

+ Tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã được cảnh báo từ lâu, thậm chí đã được phân tích, rút kinh nghiệm tổng kết nhiều lần, trải qua một thời gian rất dài nhưng đã không cải thiện được là bao. Giao các bộ, ngành vừa thực hiện quản lý ngành, vừa đại diện chủ sở hữu sẽ khiến tiếng còi quản lý nhiều khi không dứt khoát, minh bạch mà đá bóng trên sân nhiều khi lại thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm cụ thể.

Chúng ta đang ở trong thời đại hội nhập sâu rộng, cạnh tranh quyết liệt đến mức không chuyên nghiệp không tồn tại được. Quản lý đất nước một cách hiệu quả cũng phải chuyên nghiệp. Đầu tư kinh doanh, kể cả đầu tư công càng cần phải chuyên nghiệp. Nếu không quy định một cách rạch ròi, minh bạch các chức năng này, không phân vai một cách chuyên nghiệp, chắc chắn là khó thành công, nếu không nói là dễ thất bại.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, nếu tách chức năng của Nhà nước với tư cách là một nhà quản lý khỏi vai trò của một nhà đầu tư thì môi trường kinh doanh sẽ đảm bảo bình đẳng, công bằng hơn. Trong ảnh: Thi công một đường dây cáp ngầm tại TP.HCM. Ảnh: HTD

. Liệu việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thực sự đạt hiệu quả khi mà hành lang pháp lý để thực hiện vừa được nhen nhóm đã vụt tắt, thưa ông?

+ Nếu không sớm tách bạch hai chức năng này thì ngay cả DNNN cũng sẽ không hoạt động hiệu quả được. Chúng ta đã từng nhiều lần “kê đơn bốc thuốc” nhưng do chẩn đoán sai nên bệnh không thuyên giảm, càng nặng nề hơn. Trong đó cần nhấn mạnh bài học cơ bản nhất là phải quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và vì vậy, phải minh định chức năng của từng chủ thể.

Cần làm rõ ai tác động rút Điều 172?

Theo ông, cần có hành động gì (ban soạn thảo, các tổ chức xã hội, Quốc hội…) để tinh thần của Điều 172 trong dự thảo Luật DN sửa đổi lần đầu không bị mất đi?

+ Kinh nghiệm làm luật cho thấy nếu không thực sự minh bạch, dân chủ và công khai thì dù một dự thảo luật có đi hết các công đoạn của quy trình làm luật thì luật đó cũng sẽ không khả thi, không có hiệu quả cao khi áp dụng.

Kinh nghiệm thứ hai là để một đạo luật có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải thảo luận thật kỹ chính sách trước khi diễn giải thành ngôn ngữ pháp lý.

Đối với chúng ta hiện nay, một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của DNNN trong điều kiện đổi mới đất nước, cải cách thể chế, tham gia các hiệp định thương mại quốc tế là tổ chức lại DNNN như thế nào trên cả hai phương diện: Thứ nhất là thành lập, tổ chức và hoạt động của bản thân DNNN và thứ hai là vai trò, nhiệm vụ, tổ chức của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân, chủ sở hữu DNNN.

Theo tôi biết, Dự thảo 3 Luật DN sửa đổi (đăng trên vibonline.com.vn) có cả một mục về “Những vấn đề chung” với năm điều rất quan trọng sau đây: Điều 170 - Vai trò và chức năng của DNNN; Điều 171 - Bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của Nhà nước; Điều 172 - Nguyên tắc tổ chức thực hiện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Điều 173 - Quyền và trách nhiệm của Chính phủ và Điều 174 - Quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu.

Theo tôi, về các điều luật nêu trên, kể cả Điều 172 tự dưng biến mất một cách khó hiểu trong dự thảo mới nhất, cần được tổ chức thành diễn đàn thảo luận công khai, cần lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng: người dân, DN, nhà khoa học, nhà quản lý. Cần đăng công khai quá trình thay đổi chính sách trong các dự thảo luật này, ai tác động vào sự thay đổi chính sách so với trước đó và lý do, ai tiếp tục bảo vệ và lập luận để bảo vệ, và cuối cùng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sáng kiến chính sách đó…

. Xin cảm ơn ông.

Biến mất một cách khó hiểu

Điều 172, Dự thảo 1 Luật DN sửa đổi quy định như sau: “Chính phủ phân công cho một hoặc một số tổ chức trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu tại DNNN và tổ chức này không được trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách; không được trực tiếp tham gia kiểm soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Cơ quan quản lý nhà nước không được can thiệp, áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN”.

Tuy nhiên, nội dung này đã bị rút ra khỏi dự thảo mới nhất khiến nhiều chuyên gia nhận xét đó là "bước lùi" của Luật Doanh nghiệp.

Nguồn: THU HẰNG (PLO)
_____________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.35659523"

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê