Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề trong phần Những quy định chung của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) từ góc độ giới và những quy định của Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW). Hội thảo có sự tham gia của 60 đại biểu đến từ các cơ quan xây dựng pháp luật từ Trung ương đến địa phương và các chuyên gia nghiên cứu khác nhau.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thỉnh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết: Bộ Tư pháp đang thực hiện quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005. Đây là bộ luật gốc, có ảnh hưởng lớn tới những bộ luật khác và quan hệ dân sự của mọi công dân. Quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự cần có sự tham gia, đóng góp của nhiều cơ quan, ban ngành và phải được xem xét từ góc độ giới nhằm bảo đảm thực thi chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.
“Lồng ghép giới là nguyên tắc bắt buộc trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật tại Việt Nam. Việc xem xét, đánh giá và lồng ghép giới trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi nhằm đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trong các quan hệ dân sự” - ông Thỉnh khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng nhiều quy định trong Bộ luật dân sự còn mang tính trung tính, ví dụ áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng “phong tục tập quán” trong trường hợp Bộ luật dân sự không có quy định. Quy định này về mặt hình thức không tạo ra sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, nhưng trong thực tiễn thì quyền của phụ nữ lại không được bảo đảm do phong tục tập quán của người Việt Nam thường là “trọng nam khinh nữ”, một số đại biểu địa phương chia sẻ.
Có đại biểu cho rằng, trong rất nhiều gia đình và vùng miền, tư tưởng trọng nam vẫn tồn tại, trẻ em sinh ra đương nhiên theo dân tộc và họ của bố. Bộ luật dân sự sửa đổi cần đảm bảo quyền quyết định trong những trường hợp này dựa trên thỏa thuận giữa bố và mẹ, bảo đảm bình đẳng cho cả nam lẫn nữ.
Một số vấn đề như quyền nhân thân (khai sinh, hộ tịch, ly thân, ly hôn, quyền liên quan tới thay đổi họ tên, tên đệm) và quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng được các đại biểu tập trung phân tích dưới góc nhìn giới.
Những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu là những cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn quan trọng giúp cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đối) nhằm đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ trong mọi quan hệ dân sự./.