Hợp đồng có giá trị pháp lý khi nào?
Thứ sáu, 01-03-2013 , 05:47:00 PM
1. Thống nhất ý chí
Vì hợp đồng có giá trị bắt buộc các bên phải tuân thủ tựa như một thứ "luật" do họ tự ràng buộc với nhau, cho nên xem xét khi nào một hợp đồng đã được "giao kết" kết trở thành rất quan trọng. Khi tranh chấp xảy ra, các bên đôi khi có bất đồng về việc liệu hợp đồng đã được xác lập hay chưa? Hợp đồng được xác lập nếu các bên thống nhất ý chí về việc thực hiện hay không thực hiện một nghĩa vụ nhất định (consensus at idem). Để xem các bên đã thống nhất ý chí hay chưa, người ta phải xem các bên đã bày tỏ ý chí của mình ra sao, đã đàm phán và thống nhất về các nội dung đó như thế nào. Theo lẽ thường, một hợp đồng phải có hai hoặc nhiều bên tham gia; trong quá trình mặc cả phải có một bên đưa ra đề nghị và một hoặc nhiều bên khác chấp nhận lời đề nghị đó. Người ta nói rằng hợp đồng được giao kết bằng việc chấp nhận một đề nghị hoặc bằng thái độ thể hiện đầy đủ sự thống nhất ý chí của các bên.
Tình huống minh họa:
A là một công ty trúng thầu xây dựng và hoàn thiện một khách sạn nhiều tầng bên Hồ Tây, Hà Nội. Công trình có nhiều hạng mục khác nhau, trong đó có việc trang trí phào chỉ bằng thạch cao cho tường và trần nhà ở hầu hết tất cả các tầng. A đăng báo tìm nhà thầu phụ cho hạng mục phào chỉ này. B là một công ty xây dựng, sau khi gặp A, hai bên thỏa thuận miệng rằng A đồng ý cho B thi công thử một số công đoạn để làm mẫu, nếu A cảm thấy đạt yêu cẩu, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng. Một ngày sau đó, B đưa công nhân tới công trình; A tiến hành cấp thẻ ra vào cho từng công nhân. Một tuần sau đó, nhân viên bảo vệ công trình của A đột ngột thu lại thẻ, ngăn không cho công nhân của B vào công trường và không hề thanh toán cho B bất kì một khoản tiền công hay tiền vật tư nào. B khởi kiện ra Tòa án Hà Nội, đòi A phải thực hiện hợp đồng và thanh toán cho B 160 triệu đồng cho phần công việc đã tiến hành. A từ chối, cho rằng hợp đồng chưa được ký kết giữa các bên, vì thế A không có nghĩa vụ phải cho B thi công và không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho B.
2. Đề nghị và trách nhiệm của Bên đề nghị
Một đề nghị phải bày tỏ rõ ý định muốn giao kết hợp đồng, phải có nội dung xác định và được gửi tới những đối tác đã được xác định cụ thể ( theo quy định tại điều 390.1 Bộ luật dân sự). Đề nghị ấy có thể là một lời nói, một hành vi, một đơn đặt hàng bằng văn bản hay được thể hiện dưới các hình thức khác. Nếu đáp ứng các điều kiện kể trên, người đưa ra đề nghị phải có trách nhiệm với lời đề nghị của mình. Trách nhiệm ấy thể hiện ở chỗ: nếu người được đề nghị chấp nhận, hợp đồng sẽ được xác lập, bên đề nghị buộc phải thực hiện hợp đồng mà không thể chối từ; nếu cố ý vi phạm sẽ phải chịu các chế tài bất lợi như chịu phạt tiền, đền bù thiệt hại mà pháp luật quy định. Trong ví dụ kể trên, việc A đăng báo tìm nhà thầu phụ không được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng, bởi lẽ mẩu tin trên báo đó không có nội dung cụ thể cần cho một hợp đồng xây dựng, được gửi cho tất cả bạn đọc của tờ báo, mà không chỉ rõ người nhận cụ thể là ai. Tuy nhiên, việc B sau khi đọc báo đã tìm đến gặp A tại công trình, tìm hiểu điều kiện thi công, đã giới thiệu mẫu mã, có thể đã tạo nên một đề nghị giao kết hợp đồng bằng những hành vi cụ thể đó. Khi ấy, B là người đưa ra lời đề nghị và nếu A chấp nhận, hợp đồng coi như đã được giao kết.
3. Rút lại, thay đổi, chấm dứt đề nghị
Bên đề nghị tuy có trách nhiệm với đề xuất của mình, song trách nhiệm đó có những giới hạn nhất định. Giới hạn đó thể hiện ở những điểm sau:
(i) Đơn phương hủy bỏ đề nghị: Nếu bên đề nghị đã thông báo rõ cho đối tác của mình biết rằng lời đề nghị của mình có thể bị hủy ngang, thì có thể thực hiện quyền ấy trước khi đối tác đã có hành vi chấp nhận (Điều 393.1 Bộ luật dân sự).
(ii) Thay đổi, rút lại đề nghị: Trước hoặc cùng thời điểm đối tác nhận được đề nghị, bên đã đưa ra đề xuất có quyền thay đổi hoặc rút lại lời đề nghị. Quyền ấy cũng có thể được thực hiện nếu bên đề nghị đã nêu rõ các điều kiện có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị (Điều 392.1 Bộ luật dân sự). Khi thay đổi, bên đề xuất được xem như đã đưa ra một đề nghị giao kết hợp đồng mới.
(iii) Chấm dứt đề nghị: Ngoài các trường hợp kể trên, trách nhiệm của người đề nghị cũng chấm dứt khi hết thời hạn trả lời chấp nhận hoặc khi bến đối tác từ chối lời đề nghị đó (Điều 394 Bộ luật dân sự).
(còn tiếp)
Tác giả: Luật sư Hoàng Ngọc Bính
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê