Tại phiên họp, đa số đại biểu đều cho rằng cần phải sớm đưa quyền im lặng vào BLTTHS. Tuy nhiên, còn ý kiến khác nhau xung quanh khái niệm, nội hàm của quyền này, cũng như quy định ra sao để người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo (gọi chung là nghi can) hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của họ.
Không khai báo cho tới khi có luật sư
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh (Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương), nghi can có quyền không khai báo cho đến khi có luật sư tham gia vụ án. “Khi có luật sư tham gia tố tụng thì sẽ tránh được chuyện ép cung, mớm cung, dùng nhục hình gây ra oan sai. Còn nếu nghi can tự nguyện khai báo thì cũng cần quy định rõ thủ tục, trình tự để đảm bảo quyền con người” - ông Khánh nói.
Ủng hộ đề xuất này, ông Lê Thúc Anh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét: “Nghi can có quyền im lặng chờ luật sư tới để đảm bảo quyền lợi của chính họ, để tránh bị ép cung, dùng nhục hình”.
Ông Nguyễn Sơn (Phó Chánh án TAND Tối cao) thì đề nghị bên cạnh quyền im lặng, không khai báo những gì bất lợi cho mình, nghi can vẫn có quyền được chứng minh mình không có tội.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh: “Nghi can có quyền không khai báo cho đến khi có luật sư”. Ảnh: Đ.TRUNG
Không đưa ra chứng cứ bất lợi
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam) lại nhấn mạnh rằng quyền im lặng thực chất cần được hiểu là người bị bắt, tạm giam, tạm giữ có quyền không đưa ra chứng cứ bất lợi. Khi đưa quyền im lặng vào thì cần phải có cách giải thích dễ hiểu, cụ thể nhằm tránh để nghi can nhầm lẫn giữa việc không đưa ra bất cứ chứng cứ nào bất lợi cho mình với việc không khai báo gì.
Quyền không đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình của nghi can cũng là một trong những nội dung làm nóng phiên họp lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng BLTTHS hiện hành đã quy định về quyền này, chẳng hạn quy định trách nhiệm chứng minh phạm tội về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Hoặc quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, tức họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cần phải quy định lại cụ thể về quyền này như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra các chứng cứ bất lợi cho mình”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều chuyên gia pháp lý ủng hộ luồng ý kiến thứ hai. Bởi lẽ dù các quy định hiện hành đã gián tiếp thừa nhận người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra chứng cứ buộc tội hay các chứng cứ bất lợi cho mình nhưng chưa đủ rõ nên cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể hiểu và vận dụng khác nhau.
Nên bỏ giấy chứng nhận người bào chữa Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, quy định hiện hành về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa vô hình trung đã cản trở quyền bào chữa. Ông Khánh cho rằng luật sư chỉ cần có giấy yêu cầu của gia đình là được tham gia vụ án: “Cơ quan điều tra không làm khó luật sư thì mới tránh được oan sai, ép cung, nhục hình và đảm bảo được quyền im lặng của nghi can cho đến khi luật sư vào. Trong trường hợp nghi can không có người bào chữa thì Nhà nước phải cử người bào chữa tham gia ngay từ đầu hoặc trong quá trình xét xử”. Đồng tình, Phó ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba cũng nói: “Bây giờ tố tụng mở hết thì cần gì phải có giấy phép nữa. Duy trì làm gì nữa. Phải cho luật sư tham gia ngay từ đầu. Không chỉ tránh được tình trạng mớm cung, ép cung mà nó còn đảm bảo yêu cầu tranh tụng tại tòa”. Theo bà Thu Ba, “Nhà nước có quyền truy tố nhưng cũng có quyền bảo vệ người dân. Nếu chúng ta cứ rụt rè thì làm sao bảo vệ được pháp luật. Cả nước bây giờ có hơn 10.000 luật sư, sợ gì không đáp ứng được việc đưa luật sư tham gia ngay từ đầu mỗi vụ án xảy ra. Nếu nói rằng chúng ta không đáp ứng được là hoàn toàn không phù hợp”. Cấm can thiệp hoạt động xét xử Chúng ta đang thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Vì thế nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án. Tại phiên tòa có tham gia tranh tụng, nếu thiếu chứng cứ thì tòa đề nghị bổ sung, nếu không bổ sung được thì tòa tuyên thả bị cáo ngay tại tòa, cần gì cứ phải trả lại hồ sơ như vậy. Nếu việc xét xử không khách quan thì kháng nghị. Tại sao chúng ta biết người dân bị oan mà không kháng nghị?
Bà LÊ THỊ THU BA, Phó ban Chỉ đạo Cải cách |