Thứ ba, 10-02-2015 , 03:28:00 PM

Dịch vụ pháp luật doanh nghiệp của Luật Á Đông giúp bạn An Toàn, An Tâm và An Phát trong kinh doanh
****************

Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can và bị cáo bị tạm giam (gọi chung là nghi can) đã được Hiến pháp, BLTTHS và nhiều văn bản dưới luật quy định. Nhưng trên thực tế các cơ quan tố tụng vẫn vi phạm. làm sao để cải thiện tình hình này?

Theo đại diện Ủy ban Bảo vệ luật sư (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), từ năm 2009 đến nay đã có hơn 150 vụ việc luật sư (LS) có văn bản khiếu nại, đề nghị Liên đoàn LS can thiệp về thủ tục, thời hạn, việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa không đúng (phần lớn là trong giai đoạn điều tra). Theo các LS này, họ xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa đã khó, khi được cấp giấy rồi họ muốn gặp mặt thân chủ còn khó hơn. Điều tra viên (ĐTV), cơ quan điều tra (CQĐT) thường đưa ra những đòi hỏi không có trong luật như phải có lệnh trích xuất nghi can...

Bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận

“Thực tế số vụ LS bị làm khó không chỉ dừng ở con số 150 nói trên bởi rất nhiều trường hợp LS ngại phản ánh đến Liên đoàn LS cũng như công luận do sợ ảnh hưởng đến thân chủ và mối quan hệ với ĐTV, CQĐT sau này” - LS Phan Ngọc Nhàn (Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk) nhận xét. Theo ông, một cách hiệu quả để loại bỏ sự cản trở đối với quyền bào chữa là dự thảo BLTTHS sửa đổi nên bỏ hẳn thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Quan điểm của LS Nhàn cũng là quan điểm chung của giới LS. Trong các báo cáo đánh giá thực trạng hành nghề LS với các cơ quan chức năng trung ương, Liên đoàn LS luôn kiên trì quan điểm đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Vì ngoài những bất cập đã nêu thì thực tế cứ sau mỗi giai đoạn tố tụng, LS lại phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận khác. Gần đây nhất, tháng 8-2014, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng có văn bản kiến nghị Quốc hội bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, chuyển sang chế độ đăng ký có LS với cơ quan tố tụng như Liên đoàn LS đề nghị.

Nên quy định các bản cung án hình sự phải có chữ ký của người bào chữa, nếu không tòa sẽ trả hồ sơ. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Thay điều tra viên

Thực tế LS không chỉ bị làm khó trong khâu cấp giấy chứng nhận người bào chữa mà còn trong cả các hoạt động bào chữa sau đó. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận, dự thảo BLTTHS sửa đổi cần phải quy định những “biện pháp mạnh” thì mới đảm bảo quyền bào chữa được tôn trọng, thực thi đúng luật.

Một thẩm phán TAND TP.HCM nhận xét: Vấn đề mấu chốt là các quy định về quyền bào chữa đều đã có nhưng nếu ĐTV, CQĐT cố tình làm khó, cản trở LS hành nghề thì cả BLTTHS lẫn các văn bản hướng dẫn đều thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý. Trên thực tế rất ít vụ mà cán bộ vi phạm bị xử lý nghiêm túc, công khai, cùng lắm chỉ là “nhắc nhở, rút kinh nghiệm nội bộ”.

Do vậy, theo vị thẩm phán này nên có quy định về chế tài cụ thể với cán bộ tố tụng cản trở quyền bào chữa. Trước mắt có thể có quy định bắt buộc ngành công an phải công bố công khai các quyết định kỷ luật như chuyển công tác, không nâng cấp hàm… Làm như vậy các cán bộ khác sẽ phải nhìn vào đó để nghiêm túc hơn trong áp dụng pháp luật.

Hai LS Bùi Quốc Tuấn và Lê Văn Bình (Đoàn LS TP.HCM) đề xuất BLTTHS sửa đổi và các văn bản hướng dẫn nên cụ thể hóa quy định thay thế ĐTV nếu có căn cứ cho rằng họ cố tình làm khó LS. Nếu bị vi phạm quyền bào chữa, LS kiến nghị đến thủ trưởng CQĐT. Nếu thủ trưởng CQĐT giải quyết không thỏa đáng, LS kiến nghị đến VKS cùng cấp. Nếu thấy khiếu nại của LS có cơ sở thì VKS sẽ yêu cầu và CQĐT phải thay ĐTV khác để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.

Bản cung có chữ ký của người bào chữa

Ở một khía cạnh khác, LS Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) cho rằng biện pháp hiệu quả nhất là “đánh giá tính hợp pháp của bản cung”. Theo LS Thiện, phải sửa luật theo hướng tất cả vụ án hình sự đều phải có người bào chữa tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, bản cung nào không có chữ ký của người bào chữa thì không có giá trị pháp lý. “Khi đó, chỉ cần mở hồ sơ vụ án ra là biết ĐTV làm đúng hay làm sai. Nếu VKS và tòa thấy bản cung nào không có chữ ký của người bào chữa thì sẽ trả hồ sơ ngay, nếu đã xử sơ thẩm thì cấp phúc thẩm phải hủy án vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng” - LS Thiện đề xuất.

Theo LS Thiện, có thể hiện nay chưa đủ LS để tham gia tất cả vụ án hình sự nhưng số lượng LS vẫn đang phát triển mạnh mẽ không ngừng, bên cạnh đó còn có đội ngũ trợ giúp pháp lý nhà nước... Quan trọng hơn, đây là cách tốt nhất bởi thực tế chứng minh với những vụ án bắt buộc phải có người bào chữa thì ĐTV thường… năn nỉ LS tham gia để giúp họ điều tra thuận lợi. “Muốn CQĐT chủ động hợp tác với LS thì phải có ràng buộc bằng quy định rõ ràng” - LS Thiện khẳng định.

Những quy định hiện hành

Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước khác, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho LS thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của LS…

BLTTHS 2003 quy định trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan, CQĐT, VKS, tòa án phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do. Bộ luật này cũng quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. CQĐT, VKS, tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ...

Thông tư 70 ngày 10-10-2011 của Bộ Công an quy định ĐTV phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can về quyền bào chữa, lập biên bản ghi rõ ý kiến xem họ có nhờ người bào chữa hay không. Nếu có nhờ đích danh LS thì ĐTV hướng dẫn viết giấy yêu cầu và trong thời hạn 24 giờ phải gửi cho LS bằng bưu điện. Nếu bị can yêu cầu người thân nhờ LS thì trong vòng 24 giờ giấy yêu cầu này cũng phải được gửi cho người thân đó… Thông tư còn quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, việc LS gặp thân chủ…

Một số vụ làm khó luật sư tiêu biểu

Tháng 9-2013, LS Đinh Văn Lương (Đoàn LS TP.HCM) được mẹ một bị can (bị Công an TP.HCM khởi tố, tạm giam về hành vi đánh bạc) nhờ tham gia bảo vệ cho bị can từ giai đoạn điều tra. LS Lương làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa thì ĐTV thông báo từ chối vì “bị can có đơn xin từ chối LS”. LS Lương đề nghị cho xem đơn từ chối này thì ĐTV không đáp ứng. Sau đó từ trại giam, đích thân bị can viết đơn mời LS Lương. ĐTV lại thông báo từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa với lý do là… giữa LS và gia đình bị can có mối quan hệ bà con thân thích (!?). Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, tháng 11-2013, Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội sửa sai bằng cách cấp giấy chứng nhận người bào chữa, mời LS đến xin lỗi và cho tiếp xúc với bị can.

Tháng 10-2012, LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ) được anh một bị can (bị Công an huyện Trà Cú khởi tố, tạm giam về hành vi giao cấu với trẻ em) nhờ bảo vệ cho bị can. LS Đức đã đến Công an huyện Trà Cú làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa thì anh bị can cho biết ĐTV nói bị can từ chối LS. Trong file ghi âm mà anh bị can trao đổi với ĐTV có những câu như: “Tao thấy vụ của em mày đã rõ rồi, không cần LS làm gì”. “Nó là LS tư nhân đi xe ô tô qua đây chứ không phải LS nhà nước mà làm không cho mày”... Sau khi Liên đoàn LS vào cuộc thì Công an huyện Trà Cú đã kiểm điểm ĐTV, thay người khác. Lãnh đạo công an huyện cũng đã đến tận gia đình bị can ngỏ lời xin lỗi.

Đầu năm 2012, hai LS Lê Quang Y và Nguyễn Anh Dũng (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nhận bảo vệ cho bị can trong một vụ trộm cắp do Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) thụ lý. Khi đến xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, hai LS được CQĐT trả lời bằng văn bản là bị can không yêu cầu. Khi hồ sơ chuyển đến VKS, hai LS được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng xin làm việc với bị can thì CQĐT nói phải có lệnh trích xuất bị can, giấy giới thiệu của VKS hoặc có KSV đi kèm. Hai LS quay lại VKS nhưng cơ quan này không đáp ứng. Khi VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung, hai LS tới trình giấy chứng nhận bào chữa xin gặp thì bị CQĐT bắt làm giấy mới. Sau khi có giấy mới, hai LS cũng bị từ chối cho gặp bị can với nhiều lý do khác nhau.

Khi hồ sơ chuyển qua tòa, hai LS lại phải xin cấp giấy chứng nhận bào chữa mới nhưng cầm giấy đến xin gặp bị can thì CQĐT yêu cầu phải có lệnh trích xuất bị can của tòa. LS trở lại tòa thì tòa bảo tòa chỉ cấp giấy, còn việc cho tiếp xúc bị can hay không là của trại tạm giam.

Sau hơn nửa năm chạy theo các cơ quan tố tụng, hai LS phải nhờ Liên đoàn LS liên hệ và đề nghị bí thư Thành ủy TP Mỹ Tho can thiệp. Cuối cùng CQĐT nhận sai và cho hai LS gặp mặt thân chủ khi vụ án… sắp xét xử.

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê